NSƯT Chí Trung: Làm Festival để... tạm biệt 'Đời cười'

04/05/2013 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin có phần bất ngờ với những khán giả của Nhà hát Tuổi Trẻ: sau Festival Đời cười (diễn ra vào 30/4 và 1/5), đơn vị sân khấu này sẽ chấm dứt không dàn dựng tiếp những chương trình Đời cười - vốn là thương hiệu hài kịch nổi tiếng nhất của Nhà hát trong gần 15 năm qua.

Gồm những hài kịch ngắn, Đời cười xuất hiện lần đầu tại Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1999, sau đó gần như được dàn dựng thường niên bởi đoàn kịch 2 và đạo diễn NSND Lê Hùng. Tính tới năm 2011, NHTT đã dàn dựng tới Đời cười 11, với tổng cộng hơn 50 tiểu phẩm.Và Festival Đời cười tập hợp những tiết mục xuất sắc nhất được lọc ra từ chuỗi chương trình kéo dài suốt nhiều năm ấy.

NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc NHTT, kể:

NSƯT Chí Trung

- Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 1998, khi tôi được công ty FPT mời làm giám khảo trong cuộc thi văn nghệ cuối năm. Mỗi chi nhánh trong FPT tự dàn dựng một tiểu phẩm để thi tài. Tôi rất thích ý tưởng của họ: trong nghệ thuật, mọi người đều bình đẳng, tới mức có thể đem sếp ra “bôi bác” thoải mái ngay trên sân khấu.Vài tháng sau, theo cách của FPT, tôi cũng tổ chức một buổi liên hoan nội bộ của đoàn kịch 2 NHTT tại một hồ câu ở Gia Lâm.

Khi đó, tôi tình cờ có trong tay bản dịch một số hài kịch ngắn của Trung Quốc do tác giả Hồ Thi sưu tầm. Khách mời đến chung vui cùng anh em có cả vợ chồng Thu Phương – Huy MC, ca sĩ Bằng Kiều... Anh em trong đoàn chia làm 3 đội tự tập, biểu diễn cùng nhau, với đạo diễn Lê Hùng làm giám khảo. Khỏi cần nói, bạn cũng biết hôm đó vui tới mức nào. Rồi tôi tự hỏi: mình thích, tại sao khán giả lại không thích? Vậy là anh Hùng được đề nghị “chuyên nghiệp hóa” những tiểu phẩm đầu tiên ấy để mang lên sàn diễn.

* Cái tên Đời cười do anh hay đạo diễn Lê Hùng nghĩ ra?

- Đó là đứa con của anh Hùng, từ tên gọi cho tới khâu dàn dựng. Tên ban đầu chỉ là Đời cười thôi. Khán giả rất thích, chúng tôi diễn một mạch 71 đêm liền. Bởi thế, Đời cười 2 ra đời, chúng tôi lại “kéo” một mạch 79 đêm nữa, gần như liên tục 7 tối trong tuần. Vào miền Trung, chúng tôi diễn 1 ngày 2 ca. Vào TP. HCM, có buổi sáng đang nghỉ ngơi để chờ tối diễn, doanh nghiệp gọi điện nằng nặc yêu cầu được xem Đời cười ngay trong hội  nghị của công ty. Vậy là phải khẩn trương “gom” anh em đang tha thẩn ở khu vui chơi về để tổ chức một buổi diễn khẩn cấp.

Tôi nghĩ, thành công trong ngần ấy năm của Đời cười đến từ việc nắm bắt đúng nhu cầu của khán giả. Cuộc sống ngày càng căng thẳng và phức tạp, người ta luôn muốn tìm tới những gì dễ xem, dễ đọc. Giống như tiểu thuyết lùi dần để nhường chỗ cho truyện ngắn, rồi truyện ngắn lại bị chiếm chỗ bởi truyện... cực ngắn vậy.

 * Nhìn lại ngần ấy năm, đâu là thời điểm Đời cười có sức hút mạnh nhất, theo anh?

- Có thể kể tới Đời cười 2 vào năm 2000 với những tiểu phẩm Khôn ngoan không lại với giời, Phòng trút giận, Cái chết của sếp và lợn... Khi đó, diễn viên của đoàn kịch 2 đã có nhiều kinh nghiệm sau lần đầu tiên, còn khán giả  thì được “hâm nóng” rồi. Họ tiếp tục đến xem Đời cười 3 với 2 kịch bản của anh Đỗ Minh Tuấn, rồi Đời cười 4 với các kịch bản do anh Lê Hùng tự viết. Đời cười 5 (dàn dựng từ các truyện ngắn của anh Hồ Anh Thái) thì lại được nâng lên một tầm cao nữa, bởi sức hấp dẫn và nhân văn từ kịch bản.

Sau đó, sự thoái trào bắt đầu dần. Đời cười 6, Đời cười 7 không thành công được như những chương trình trước. Tới Đời cười 8, sự hụt hơi bắt đầu thấy rõ. Lí do trước hết đến từ sự thiếu vắng kịch bản hài có chất lượng. Rồi, nhu cầu khán giả sau ngần ấy năm cũng thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Cố mãi, chúng tôi cũng chỉ “kéo” được tới Đời cười 11 cách đây 2 năm, mọi chuyện dừng lại khi anh Hùng nghỉ hưu...


Một tiểu phẩm sẽ xuất hiện diễn trong Festival Đời cười

* Anh nói vậy nghĩa là thương hiệu Đời cười sẽ không được khai thác tiếp trong thời gian tới?

- Đó là kết quả của sự tôn trọng, cũng như những quy ước bất thành văn giữa chúng tôi và đạo diễn Lê Hùng. Thương hiệu Đời cười gắn liền với tên anh, và cho đến giờ này, anh vẫn luôn mong muốn là người duy nhất tự tay dàn dựng những chùm tiểu phẩm dưới tên gọi ấy. Nếu sau này, anh Hùng muốn dựng tiếp Đời cười 12 tại NHTT thì chúng tôi luôn sẵn sàng.

Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ dựng tiếp những chương trình hài kịch khác, nhưng không phải với cái tên Đời cười. Chẳng hạn, sắp tới sẽ là một chương trình hài kịch với kịch bản của tác giả Mai Ngữ. Nói thật lòng, đến thời điểm này, Đời cười cũng đã hoàn thành sứ mạng của mình. Chương trình Festival có thể coi là món quà ra mắt của Ban giám đốc mới của Nhà hát, để giới thiệu phần “tinh tuyển” của 11 số Đời cười với những những khán giả chưa có điều kiện theo dõi toàn bộ.

* Trong hơn chục năm qua, sự ra đời của Đời cười đã dẫn tới một... dịch cười lan ra ở hầu hết các nhà hát phía Bắc. Rất nhiều chùm hài kịch tương tự đã được dàn dựng tại NH kịch Hà Nội, kịch VN, thậm chí cả NH Cải lương VN. Anh có theo dõi những chương trình ấy?

- Không nhiều, nên rất khó để đánh giá cụ thể về chất lượng của các đồng nghiệp đó. Thật lòng, tôi vẫn nghĩ là làm hài không dễ. Hài kịch cần tới cái duyên riêng của từng đạo diễn, từng diễn viên, rồi lại phải đặt trong thời điểm thích hợp để khán giả chấp nhận cái duyên ấy nữa (cười).

* Đời cười đã đem lại cho NHTT rất nhiều, nhưng có lấy mất của các anh cái gì không?

- Có chứ. Cái có thể nhận thấy ngay là sự mất cân bằng của người diễn viên. Ai cũng biết, chính kịch mới là “gốc” của nghề. Lứa diễn viên có vài chục năm diễn chính kịch như chúng tôi thì không quá khó khăn để điều chỉnh cách diễn của mình. Nhưng, với những bạn trẻ mới về Nhà hát, chỉ sau vài lần diễn hài kịch,  chúng tôi gần như phải tập huấn lại toàn bộ để chỉnh sửa khả năng “nhập cuộc” khi dàn dựng những vở chính kịch khác

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Từ gần 60 tiểu phẩm của 11 chương trình Đời cười, NHTT đã chọn ra 30 tiết mục xuất sắc nhất để lần lượt biểu diễn trong Festival, với mật độ trung bình 5 tiết mục/đêm.

Trước mắt, 4 đêm diễn của Festival Đời cười diễn vào 17h và 19h các ngày 30/4, 1/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tiếp đó, trong tháng 5, chương trình này sẽ được tiếp tục biểu diễn vào các tối cuối tuần tại NHTT và rạp Thanh niên, với mức vé tối thiểu là 120.000 đồng/cặp

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm