NSƯT Bảo Quốc: Chúng ta nhạy cảm quá!

07/11/2010 19:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên đã khép lại với cái kết đẹp nhất cho đội chủ nhà: U19 Việt Nam đăng quang sau thắng lợi trước U21 Thái Lan. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta dễ dàng quên dư âm “trận đấu lạ lùng” của U19 Việt Nam với U21 Singapore trước đó. NSƯT Bảo Quốc đã chia sẻ với Cà phê bóng đá nhiều suy nghĩ cảm thông với các cầu thủ trẻ.

* Ông có xem trận đấu “tai tiếng” của U19 Việt Nam với U21 Singapore mà “đỉnh cao” là pha đá phản lưới nhà y như… dàn xếp của một cầu thủ trẻ Việt Nam cũng như theo dõi những dư âm dường như bất tận trên khắp các mặt báo về “sự cố” trên những ngày sau đó hay không?

- Thời điểm diễn ra trận đấu đó trùng với lịch diễn nên tôi không xem được và cũng chưa nắm được nhiều thông tin về trận đấu đó. Tôi chỉ xem các em đá trận chung kết với U21 Thái Lan thì thấy các em thể hiện rất tốt. Mặc dù chưa xem lại tình huống đó như thế nào nhưng tôi có suy nghĩ thế này cầu thủ mình dù có trẻ người non dạ như thế nào thì chắc cũng không… điên để làm việc ấy một cách lộ liễu đến vậy. Chính cái quá lộ, cái nhìn vô là thấy “y như dàn xếp” ấy mới đáng suy nghĩ và cân nhắc nhiều.


Thế Sơn - tác giả của pha đá phản lưới nhà "tai tiếng". Ảnh: V.V

* Vậy ý ông là chúng ta đã quá… nhạy cảm khi có nhiều ý kiến cho rằng “sự cố” trên đã gợi lại “nỗi đau” của bóng đá Việt Nam những năm trước khi một loạt cầu thủ tài năng phải hầu tòa vì… bán độ?

- Theo tôi, các cầu thủ U19 vẫn còn quá trẻ, lại mang trên mình màu cờ sắc áo của quốc gia (dù chỉ là một giải giao hữu), lại đá sân nhà nữa, nếu nói đến chuyện dàn xếp tỉ số thì chắc các em chưa dám đâu. Nhưng do bóng đá Việt Nam đã từng nhuốm phải “vết đen” này nên đã để lại định kiến. Các cầu thủ sau này thi đấu có sơ sẩy, lơ là, chủ quan chút thôi là đã có thể bị lên án, bị mọi người đặt câu hỏi về sự trung thực, về đạo đức rồi. Vì thế, các cầu thủ trẻ càng phải rút kinh nghiệm hơn nữa để lúc nào cũng phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, không được phép chủ quan khinh địch, thi đấu dưới sức để phải vướng lấy cái nhìn nghi ngờ.


* Sau trận đấu, giới truyền thông đã quan tâm và mổ xẻ sự cố này. Theo ông phản ứng của báo chí có là… hợp lý?


- Báo chí cần phải lên tiếng kịp thời để ngăn ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra. Không kết luận vội vàng nhưng nên có những bài viết lên án lối đá thiếu tích cực kiểu “đá như bán độ” dễ dẫn đến “nghi án”. Điều này sẽ giúp các cầu thủ trẻ chấn chỉnh lại để không lơ là, mắc sai lầm nữa. Hay khen, dở chê nhưng báo chí chê khen làm sao để luôn mở ra hướng suy nghĩ tích cực chứ đừng nên áp đặt quá mà ảnh hưởng không tốt đến các cầu thủ. Có “đánh” thì cũng phải hướng đường đi đúng cho các em chứ dập thẳng tay quá nhiều khi lại phản tác dụng. Có khen thì cũng vừa phải chứ thành tâng bốc thì rất dễ tạo ra bệnh ngôi sao. Như vừa qua, tôi thấy báo chí quá đề cao một cầu thủ trẻ nên đến trận chung kết có lẽ em quá tự tin thành ra không thể hiện được gì nhiều. Bóng đá cần ngôi sao nhưng sự gắn kết của tập thể mới là quan trọng nhất.


* Vậy theo ông làm thế nào để người hâm mộ xóa bỏ định kiến?


- Cần phải trui rèn bản lĩnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các cầu thủ. Có bản lĩnh thì khi đá với bất cứ đối thủ nào cũng là chính mình, đá hết lòng hết sức, có thua cũng là thua xứng đáng. Đá như vậy thì kết quả có thế nào người hâm mộ cũng không nỡ trách. Có trách nhiệm thì các cầu thủ ý thức được mà giữ gìn tư cách đạo đức, lòng tin của mọi người. Cái này cần có sự phối hợp quan tâm chặt chẽ đến đời sống cầu thủ từ huấn luyện viên, ban lãnh đạo đội bóng đến gia đình. Nên có những lần họp mặt giữa đại diện đội bóng với gia đình cầu thủ để mọi người hiểu và động viên, uốn nắn các em kịp thời cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục vậy.


* Cám ơn ông!

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm