Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ

26/09/2023 14:19 GMT+7 | Bạn cần biết

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Những người tiếp xúc gần nơi cư trú tại của ca bệnh tại TP Hồ Chí Minh hiện sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng bất thường. 

Đồng thời, đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Về bệnh đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Hiện thế giới đã ghi nhận bệnh xuất hiện tại hầu hết các nhóm đối tượng và độ tuổi khác nhau.

- Các triệu chứng điển hình của bệnh

Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể từ 5-21 ngày. Sau đó sẽ bắt đầu có những dấu hiệu trên cơ thể người bệnh như:

+ Sốt (triệu chứng bệnh đầu tiên)

+ Ớn lạnh

+ Đau đầu

+ Đau mỏi cơ

+ Mệt mỏi uể oải

+ Đau lưng

+ Nổi hạch, phát ban khắp trên gương mặt và trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mắt, thậm chí cả ở cơ quan sinh dục

Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Ảnh: Internet

Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Sau đó, nhiều trường hợp tự khỏi mà không cần áp dụng cách điều trị đậu mùa khỉ gì đặc biệt. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp này, người bệnh cũng không nên chủ quan. Nếu không chăm sóc cẩn thận thì các nốt phát ban khi sưng to, chuyển thành mụn mủ có thể vỡ ra, nhiễm trùng và để lại sẹo trên da.

- Bệnh đậu mùa khỉ có dễ tử vong không?

Các thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) cho thấy, có đến xấp xỉ 99% các ca bệnh đậu mùa khỉ không tử vong. Do đó, không nên quá lo lắng hay hoang mang.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể chuyển nặng hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng, bao gồm:

+ Người có hệ thống miễn dịch suy yếu

+ Trẻ em dưới 8 tuổi

+ Người đang mang thai hoặc đang cho con bú

+ Người có tiền sử bệnh chàm

+ Người bị nhiễm trùng thứ phát

- Cách điều trị đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ đặc hiệu cụ thể.

Tuy nhiên, có một số loại thuốc kháng virus được sử dụng để giúp hạn chế các biến chứng bệnh và thúc đẩy quá trình phục hồi của người bệnh.

Một số lưu ý và hướng dẫn trong điều trị, phòng bệnh đậu mùa khỉ

- Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ và hầu hết trường hợp tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần phải điều trị tại bệnh viện.

Theo đó, một số trường hợp được khuyên cần đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị, bao gồm:

Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Khu vực cách ly, điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

+ Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao (người suy yếu miễn dịch, trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ mang thai…).

+ Bệnh có triệu chứng ngày càng nghiêm trọng: sốt cao không khỏi, mệt mỏi, hôn mê bất tỉnh, suy giảm nhận thức,…

Một lưu ý khác là với người bệnh, dù có hoặc không có áp dụng các cách điều trị đậu mùa khỉ thì cũng cần phải cách ly với cộng đồng để tránh bệnh lây lan. Nên nghỉ ngơi đầy đủ, không căng thẳng hay lo lắng quá mức.

Hiện nay, chưa có thêm thông tin chính thức về việc người bệnh đậu mùa khỉ nên ăn gì hay kiêng gì, dinh dưỡng có ảnh hưởng đến cách điều trị đậu mùa khỉ hay không. Người bệnh đậu mùa khỉ vẫn nên ăn uống đầy đủ, cố gắng bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để tránh trường hợp thiếu hụt chất dinh dưỡng. Việc ăn uống đầy đủ có thể giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng phục hồi.

- Chủ động phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Mặc dù đây là một bệnh truyền nhiễm được các chuyên gia đánh giá có khả năng lây lan nhanh nhưng con người vẫn có thể chủ động phòng ngừa đậu mùa khỉ bằng các biện pháp khác nhau. Cụ thể:

+ Những việc nên làm

. Tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa để hạn chế nguy cơ mắc đậu mùa khỉ: Bệnh đậu mùa khỉ do một loại vi rút tương tự như bệnh đậu mùa gây ra. Vì thế, vaccine ngừa bệnh đậu mùa được cho là có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có cồn, đặc biệt là trong các trường hợp như: tiếp xúc với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh, tay chạm vào bề mặt đồ vật ở nơi công cộng, trước khi ăn…

. Chủ động cập nhật các thông tin về bệnh đậu mùa khỉ như số ca mắc bệnh tại địa phương sinh sống, dấu hiệu bệnh, cách điều trị đậu mùa khỉ… Việc này có thể giúp bạn biết cách phòng bệnh, nhận ra dấu hiệu bệnh và có hướng xử lý nhanh, không hoảng loạn nếu có triệu chứng bệnh.

. Không tiếp xúc gần, đặc biệt là không quan hệ tình dục với người đang có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ cho đến khi họ được bác sĩ thăm khám và xác định không mắc bệnh đậu mùa khỉ.

. Tuân theo hướng dẫn phòng bệnh và cách điều trị bệnh đậu mùa khỉ từ cơ quan chức năng.

+ Những việc không nên làm:

. Không dùng chung giường, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân… với những người đang mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

. Không tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với những người nghi ngờ/xác định nhiễm virus đậu mùa khỉ.

. Không đến gần, tiếp xúc hoặc ăn các loài động vật hoang dã, không rõ nguồn gốc, có biểu hiện không khỏe.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm