Nhớ nhà văn Trần Huy Quang: 'Ông vua lốp' - nhỏ nhoi một cách lớn lao

20/12/2022 19:11 GMT+7 | Văn hoá

Chỉ trong 5 ngày của tháng 12 này, hai nhà văn xứ Nghệ lần lượt rời cõi tạm: Nhà thơ Thạch Quỳ gửi lại tuổi 82 (1941-2022) vào ngày 10/12; nhà văn Trần Huy Quang gửi lại 80 mùa hoa (1943-2022) vào ngày 15/12 để an nhiên, bình thản đi về phía chân trời xa thẳm... "Có mỏng manh một cách dũng mãnh, nhỏ nhoi một cách lớn lao" - nhà văn Trần Huy Quang từng viết như vậy như một cách thể hiện quan niệm về nghề văn.

 1. Trần Huy Quang sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Năm 25 tuổi (1968), truyện ngắn đầu tay của anh được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội như một "cú hích" quan trọng, có sức động viên rất lớn đối với người bắt đầu cầm bút. Tại Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam, tôi được nghe hai "lão tướng" Y Phương và Trần Huy Quang nhắc nhớ cái thời là anh lính trẻ cótác phẩm đầu tiên được in trong tạp chí với bao nỗi xúc động. Hơn nửa thế kỷ cầm bút (có lúc sóng gió), Trần Huy Quang vẫn lặng lẽ, đam mê, dấn thân để rồi định hình một phong cách, góp mặt vào đội ngũ những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam. 

Là nhà văn từng mặc áo lính, chiến tranh luôn là đề tài không thôi ám ảnh trong tác phẩm của người lính đã từng trải qua trận mạc này. Chỉ trong hai năm, hai tiểu thuyết Nước mắt đỏ (1988) và Mối tình hoang dã (1990) liên tiếp ra mắt bạn đọc cho thấy nội lực viết sung sức của anh.

Nhớ nhà văn Trần Huy Quang: 'Ông vua lốp' - nhỏ nhoi một cách lớn lao - Ảnh 1.

Ký họa chân dung nhà văn Trần Huy Quang của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Trần Huy Quang đã khai thác sâu những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh. Tiểu thuyết của anh tái hiện chân thực nỗi đau, bi kịch, thân phậncon người bằng thái độ trầm tĩnh, thấm thía, trầm lắng, nhân văn... Có thể thấy tác phẩm của anh ít ầm ào bom rơi, đạn nổ; ít sắc màu của khói lửa... nhưng lại ẩn lắng rất sâu, rất mạnh nỗi đau, khắc chạm lên từng số phận con người.

Dấu vết chiến tranh đã hằn sâu trong đời sống tâm hồn. Bi kịch con người trong chiến tranh được anh viết sâu sắc. Cách bố cục truyện logic, vấn đề rất gợi, các tuyến nhân vật được xây dựng hợp lý... Và điều quan trọng, ta tìm thấy trong đó chất người luôn lặng lẽ ánh lên.

Truyện ngắn Người sót lại sau cuộc chiến miêu tả người lính ở trong rừng suốt nửa thế kỷ lặng lẽ trồng thộp và trồng cỏ. Cuộc sống dân làng lúc đó phải chế ngự được cát, để "khi gặp gió nó cũng phải ngủ yên, thuần dưỡng nó trở thành có ích". Người lính ấy đã trồng cây thộp, bởi cây thộp được trồng thành rừng sẽ che đỡ cho nhau, lớn như thổi. Người lính ấy cùng các thế hệ dân làng đã trồng thộp tạo thành tấm phên giậu vĩ đại cho quê hương. Và người lính ấy chính "là người lính thường trực, nhiệt tâm chăm lo, đưa cả cuộc đời không được chết trên chiến trường, cạnh đồng đội, vào những hạt cát khô bỏng...".

Nhớ nhà văn Trần Huy Quang: 'Ông vua lốp' - nhỏ nhoi một cách lớn lao - Ảnh 2.

Nhà văn Trần Huy Quang

Tiểu thuyết Những cô gái ngã ba Đồng Lộc được nhà văn Trần Huy Quang viết về những trận bom trút xuống ngã ba đầy ám ảnh: "Tất cả khoảng ba mươi chiếc công kích vào trận địa phía đông nam Ngã Ba. Dưới đất hình thành hai vòng cung bằng khói bom và khói súng, tâm của hai vòng cung đó là Ngã Ba Đồng Lộc…Khi đám mây bay đến vừa tầm thì tự nhiên hai chiếc ép bốn như nấp sẵn trong đó, vọt ra lao thẳng xuống Ngã Ba với một đường bay hết sức xảo quyệt. Mọi người tưởng như tim mình bị bóp nát: tám cột khói dựng lên cao gần bằng đỉnh núi Mòi, lửa và đất một màu. Còn ai trên đó không? Phải chờ cho khói bom tan mới có thể biết được. Ngã Ba Đồng Lộc hiện ra dần dần dưới làn khói...".

Chân trời xa thẳm là cuốn tiểu thuyết thứ 7 thể hiện một bút lực dồi dào của nhà văn khi tái hiện một cuộc sống đa chiều. Anh chọn một vấn đề rất gai góc theo một lối kết cấu mở, nhân vật đơn tuyến. Tiểu thuyết như những lát cắt của cuộc sống mà mỗi người đọc phải tự kết nối, suy tưởng, thẩm định và từ đó có cách lý giải riêng của mình.

Tiểu sử và giải thưởng của Trần Huy Quang


Nhà văn Trần Huy Quang sinh ngày 9/11/1943 tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong những năm quân ngũ, anh được giao phụ trách thanh niên xung phong, dạy văn hóa... Năm 1987, anh làm báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu năm 2008.


Giải thưởng văn học: Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Khe cò (1980); Giải Nhất cuộc thi bút ký của báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam (1986); Giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam cho bài ký Lời khai của bị can (1987); Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc" (1998); giải Nhì bút ký tạp chí Nhà văn cho Người lái đò trên hồ Vực Mấu (2008).

2. Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết, đóng góp của Trần Huy Quang trên văn đàn phải kể đến những phóng sự xã hội thể hiện tư duy phản biện sâu sắc bén, tâm huyết của một nhà văn, nhà báo, một công dân yêu nước đầy trách nhiệm của thời kỳ đổi mới sôi động.

Là nhà văn, nhà báo, anh đã kết hợp rất khéo, nhuần nhuyễn, hài hòa để tạo nên phong cách riêng cho thể loại phóng sự xã hội. Thể loại phóng sự điều tra của anh đầy chất văn học. Chính sự "cộng hưởng" giữa tư liệu báo chí với văn chương; phóng sự và thể ký văn học đã tạo nên sức hấp dẫn riêng.

Các bài ký Câu chuyện về ông vua lốp, Lời khai của một bị can... đã từng gây xôn xao dư luận bởi chính sự dũng cảm, nhập cuộc, dấn thân để phát hiện,tiếp cận vấn đề mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. Câu chuyện về ông vua lốp (báo Văn nghệ - 1986) đã tạo nên một cơn địa chấn xôn xao dư luận. Còn Lời khai của bị can là về là "sự lệch pha giữa cơ chế và cuộc sống, chính sách và thực tế, mà nó là thân phận của một người lao động, một người thợ".

Nhớ nhà văn Trần Huy Quang: 'Ông vua lốp' - nhỏ nhoi một cách lớn lao - Ảnh 4.

Nhà văn Trần Huy Quang (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà văn Việt Nam tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam năm 2017

Nhà văn Trần Bạch Đằng cho rằng "Lời khai của bị can rất ngắn gọn song mang tầm bao quát phản ánh cái khiến tất cả những ai còn chút lương tri đều nhức nhối..." (Văn nghệ số 17, 1988).

Được giao đi viết về khoán nông nghiệp ở Thổ Tang (Vĩnh Phú), không chờ lâu, nhà văn Trần Huy Quang cẩn thận, chi chút, tập hợp tư liệu viết về cách người dân Thổ Tang làm giàu. Bút ký Người biết làm giàu xuất hiện trên trang Văn nghệ ngay tuần sau đó. Sức mạnh từ bài ký lan tỏa rất lớn. Chỉ sau một thời gian, nhiều địa phương đã học tập, định hướng, phát triển theo mô hình Thổ Tang và nghe nói đây là nơi được nghiên cứu, học tập, tham khảo để rồi có Khoán 10về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Chính sự "cộng hưởng" giữa tư liệu báo chí với văn chương; phóng sự và thể ký văn học đã tạo nên sức hấp dẫn. Ngoài thực tế khốc liệt, dữ dội, bút ký của Trần Huy Quang còn thể hiện sâu sắc tính nhân văn. Sự nhập cuộc đó đã được ghi nhận khi Câu chuyện về ông vua lốp đoạt giải Nhất cuộc thi báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1986; bút ký Lời khai của một bị can đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã "vẽ" chân dung vui Trần Huy Quang bằng thơ: "Sự trắc trở đã đi qua/ Ngày mai trời hẳn sáng ra ít nhiều/ Săn tìm người đẹp đã lâu/ Mối tình hoang dã đậm màu bi thương". Bài thơ kết bằng 2 câu thật hóm: Khúc hoàn lương ngày trở về/ Gặp Ông vua lốp... hề hề nỏ mô" (chữ in nghiêng là tên các tác phẩm của Trần Huy Quang).

3. Tiếp xúc với nhà văn Trần Huy Quang, bạn bè đồng nghiệp đều nhận thấy cốt cách nhân sĩ xứ Nghệ đã thấm bện và anh như người đại diện tiêu biểu. Anh bộc trực, trầm tính, kiệm lời, thâm trầm, sâu sắc, bình lặng không thích phô trương, tránh sự ồn ào và thường ẩn mình trước đám đông.

Đã từng có những năm tháng làm việc cùng cơ quan báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: "Tôi chưa thấy ông nổi giận với đồng nghiệp trong cuộc sống và công việc bao giờ. Nhưng tôi thấy lương tâm ông luôn nổi giận".

Họa sĩ Ngô Khôi ký họa chân dung Trần Huy Quang bật lên thần thái của nhà văn với ánh mắt cương nghị, hiền lành, vị tha, đượm buồn, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, bản lĩnh...

Nhà văn Trần Huy Quang quan niệm về nghề văn: "Cô mỏng manh một cách dũng mãnh, nhỏ nhoi một cách lớn lao, quên mình như một đấng sáng tạo. Không có cô là một sự thiếu vắng, là một khoảng trống trong thế gian. Những điều cô nói ra với tôi không nhiều, nhưng những gì cô tưởng tượng ra, những hình ảnh mà cô gợi ra trong tâm trí tôi là thiên nhiên và sự sống, là sự tươi tốt và nhân bản, để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngả lòng trước những hiểm họa và thất vọng". Đây là hình ảnh cô gái trong truyện ngắn Khoảng trống (2008) của tôi. Những điều cô tưởng tượng ra là văn học. Và cô gái chính là hiện thân của nhà văn".

Các tác phẩm chính của Trần Huy Quang


Sau tập truyện ngắn in chung Chiếc áo màu lửa năm 1970, Trần Huy Quang khẳng định thiên hướng văn xuôi với các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký. Anh là tác giả của các tập truyện ngắn: Sự trắc trở đã qua (1984), truyện ký Người làm chứng (1988) và đặc biệt thể hiện thế mạnh là tiểu thuyết với một loạt tác phẩm bề thế. Khởi đầu năm 1985 (sau tập truyện ngắn Sự trắc trở đã qua) với Ngày mai, Trần Huy Quang đã đưa mình vào đội ngũ những người viết tiểu thuyết với Ngọn khói (1986), Nước mắt đỏ (1989), Mối tình hoang dã (1990), Chị dâu (1994), Khúc hoàn lương (1995), Những cô gái Đồng Lộc (1998), Những chân trời xa thẳm (2008).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm