Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Giản dị như 'mẹ yêu con'

05/03/2024 06:51 GMT+7 | Văn hoá

"Những lần cầm máy, tôi cảm nhận rất rõ về sợi dây vô hình của tình mẫu tử. Con vui, mẹ mừng lây, còn khi con đau 1 thì mẹ đau gấp 10. Họ tuy 2 nhưng vẫn luôn là 1" - nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ.

Có tên gọi Mẹ yêu con, triển lãm ảnh của Bích vừa khai mạc cuối tuần qua tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ở đó, 30 bức ảnh về những khoảnh khắc giữa mẹ và con được trưng bày. Chúng được chọn từ hàng trăm bức ảnh chụp mẹ và con, do anh thực hiện suốt gần 20 năm qua.

"Có vui, có buồn và thậm chí là cả nỗi đau"

Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Lê Bích kể:

- Đó là năm 2005, khi tôi ghé chợ Bắc Hà (Lào Cai) và chụp được bức ảnh về một cậu bé người Mông ngủ ngon trên lưng người mẹ đang ngồi bán hàng. Tôi đặt tên ảnh là Trên lưng mẹ. Càng ngắm đi ngắm lại. Càng nhìn, tôi càng thấy nó đẹp và khiến mình thêm yêu câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điền: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng".

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Giản dị như 'mẹ yêu con' - Ảnh 1.

Tác giả Lê Bích (đứng giữa, đội mũ) trong một chuyến điền dã

Với tôi, hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình mẫu tửbắt đầu từ đó. Thoạt tiên, tôi say mê chụp những hình ảnh mẹ địu con - vốn  xuất hiện nhiều ở các vùng núi cao Tây Bắc với những con đường quanh co, những chợ phiên, những thửa ruộng bậc thang... Chụp nhiều, dần trở thành những bộ ảnh.

Rồi sau này, tôi đam mê và đi sâu vào nhiếp ảnh. Việc trở thành nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng bắt tôi phải có tư duy sâu hơn, học cách nâng tầm các tác phẩm. Nếu chỉ đi chụp về tình mẹ con dưới góc nhìn của một khách du lịch, ta khó có thể chạm đến cảm xúc người xem như ý muốn. Tôi muốn chụp nhiều hơn để có sự đa dạng và tiếp cận nhiều góc độ, có vui, có buồn và thậm chí là cả nỗi đau...

* Dường như trong hành trình ấy, anh vẫn ưu ái những khoảnh khắc chụp tình cảm mẹ - con tại các vùng cao phía Bắc?

- Quả thật, khi chụp những bức ảnh về tình mẹ con tại vùng cao, tôi thấy khá hứng thú bởi gần như cái gì cũng mới, cũng khác so với thành thị. Cảnh đẹp và con người ở đây đẹp nguyên sơ. Và tôi cũng rất thích ngắm nhìn mắt các em bé dân tộc. Mắt các em trong veo, cái nhìn lạ lẫm ngây thơ đáng yêu vô cùng. Tôi thường thấy các em ngồi thu lu trong chiếc gùi của mẹ, hoặc được mẹ dẫn ra chợ ăn quà.

Còn người mẹ tại vùng cao cũng có nét đẹp rất riêng về sự mạnh mẽ, kiên cường, ấm áp. Đặc biệt, họ luôn giữ con nhỏ thật gần, vì chỉ lơ đãng thôi là các em bé phải đối mặt với bao hiểm nguy của vùng rừng núi. Nói chung, những khó khăn về địa hình, khí hậu, điều kiện vật chất… ở vùng cao đối với các em nhỏ luôn được bù đắp bằng sự đầy đủ của tình mẹ.

Tất nhiên, trong những chuyến đi khắp nơi sau này, tôi cũng gặp nhiều câu chuyện thú vị khác với những cảm xúc khác. Và trong triển lãm, độc giả cũng có thể xem những khoảnh khắc tự nhiên của tình mẹ con tại tại miền biển, nông thôn hay đô thị.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Giản dị như 'mẹ yêu con' - Ảnh 2.

Tác phẩm “Bên mẹ trọn đời”

* Anh có thể kể về một bức ảnh giàu kỷ niệm nhất với mình?

- Tôi nhớ về lần đến làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), nơi có nghề làm nón từ lâu đời. Tại đây có bà Bấc 98 tuổi hàng ngày ngồi khâu nón bên người con gái 78 tuổi. Hai mẹ con họ đã ngồi đó gần như cả cuộc đời, vì người con gái bị mù nên phải nương nhờ mẹ. Bà lần mò tự khâu nón và chỉ nhờ đến mẹ khi cần xâu kim hoặc xử lý việc khó.

Hình ảnh ấy đối với tôi không chỉ đẹp mà còn toát lên biết bao tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự ấm áp - khi trong nghịch cảnh họ vẫn miệt mài lao động, vẫn gắn bó với nhau. Tôi phải tới đây chụp 2 lần mới chớp được bức ảnh ưng ý với tên gọi Bên mẹ trọn đời.

* Vậy còn bức ảnh "Con đau mẹ đau" - vốn đang nhận về sự xúc động của nhiều khán giả tại triển lãm lần này?

-Tôi có tham gia chụp ảnh cho quỹ từ thiện Thiện Nhân & những người bạn và nhiều lần được chứng kiến sự sâu đậm của tình mẫu tử. Ở đó, tình cảm mẹ con không chỉ là những cảm xúc đằm thắm, mượt mà mà còn là nỗi đau đớn, xót thương của người mẹ có con bị dị tật, cũng như hạnh phúc ngập tràn từ họ khi con được các bác sĩ tình nguyện cứu chữa.

Con đau, mẹ đau được chụp khi bé Thương, một bệnh nhân được phẫu thuật theo chương trình từ thiện, vừa rời phòng mổ. Em rất đau, còn người mẹ không cầm được nước mắt trong khoảnh khắc nhìn con, sau ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Lúc ấy, người mẹ dường như không còn thấy tôi hay tất cả những gì xung quanh. Còn tôi nhìn thấy ở chị sự ước ao được chịu nỗi đau thay con mình. Với tôi, đó là lúc nhiếp ảnh và cảm xúc đời thực hòa làm một…

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Giản dị như 'mẹ yêu con' - Ảnh 3.

Tác phẩm “Mẹ đau con đau”

Tôi thấy mình cũng thay đổi

* Nhìn lại, trong quá trình gần 20 năm thực hiện các bức ảnh ấy, anh có thấy mình cũng thay đổi trong cách nhìn về tình mẹ con không?

- Có đấy. Để chụp ảnh, tôi quan sát khá kỹ và đi vào những câu chuyện có chiều sâu. Từ đó, một cách tự nhiên, khi về nhà, tôi thấy yêu mẹ hơn, thấy có cảm giác rằng bản thân mình cũng có những lúc chưa dành cho mẹ được nhiều thời gian và cảm xúc.

Rồi, giá trị thứ 2 mà tôi nhận được là sự hạnh phúc khi thấy ảnh của mình được ghi nhận hay đem lại niềm vui cho ai đó. Ví dụ, ảnh chụp mẹ Mai Anh nhìn bé Thiện Nhân lần đầu đi xe đạp của tôi được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chọn vào bộ ảnh 100 khoảnh khắc bất tử của phụ nữ Việt Nam. Đó là sự khích lệ lớn với tôi, khi tác phẩm của mình góp phần đem đến một nguồn năng lượng tích cực cho nhiều bà mẹ khác.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Giản dị như 'mẹ yêu con' - Ảnh 4.

tác phẩm “Trên lưng mẹ”

*Khi tiếp cận nhân vật và thực hiện các bức ảnh, anh có gặp những khó khăn gì không?

-Thật ra mỗi bức ảnh sẽ đều có những cái khó riêng. Bởi, để chụp được chúng một cách tự nhiên, tôi rất cần nhân vật có sự thân thiết với mình để xóa nhòa khoảng cách.

Tại miền núi, không phải bà mẹ nào cũng biết tiếng Kinh, nên tôi nhiều khi phải ra hiệu để trao đổi và xin phép chụp ảnh. Còn cư dân tại các đô thị lại thường coi trọng sự riêng tư, tôi thường cũng phải thuyết phục rất nhiều.

Riêng với các làng nghề nông thôn Bắc Bộ, tôi thường lui tới chụp hội làng, nghề thủ công... nên cũng khá quen thuộc với nhiều gia đình và ít gặp khó khăn khi trở lại chụp ảnh. Cũng có nơi tôi đến lần đầu nhưng họ lại nhận ra ngay vì mình thỉnh thoảng tôi có xuất hiện trên truyền hình. Mọi người khi ấy khá thân thiện và thường mời ăn cơm. Tôi luôn nhận lời ngay, vì những bữa cơm ấy giúp chúng tôi  có thể hiểu nhau hơn, và sau đó chụp ảnh họ sẽ không ngại ngùng (cười).

* Cuối cùng, anh có thể chia sẻ về cái tên "Mẹ yêu con" của triển lãm. Liệu nó có quá giản dị so với một khái niệm rất có chiều sâu như tình mẫu tử?

- Tôi vốn rất thích bài hát Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từ bé. Khi lớn tuổi và có con, tôi lại càng thấy thêm yêu bài hát hơn, với cảm xúc rất bình yên và ngọt ngào từ những hình ảnh và ca từ trong đó. Thật lòng, trong đầu tôi luôn hiện ra những hình ảnh này khi chụp. Và tôi nghĩ tên bài hát là phù hợp với triển lãm, bởi tình mẫu tử mênh mông nhưng cũng rất giản dị và tự nhiên để ta có thể hiểu về nó trong cuộc đời.

* Xin cám ơn anh!

Triển lãm Mẹ yêu con của Lê Bích diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 1-15/3, nhằm chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Hạnh phúc thế giới 20/3.

Hoàng Nguyên

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm