Nhật Bản khai trường trong cảnh đổ nát

14/04/2011 14:08 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong khi vất vả xử lý hậu quả mà thảm họa động đất, sóng thần xảy ra hôm 11/3 đã để lại, người Nhật vẫn không quên quan tâm tới thế hệ tương lai và đang tích cực chuẩn bị để những đứa trẻ có thể trở lại trường học trong thời gian sớm nhất.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Thảm họa động đất, sóng thần đã sát hại 74 trong số 108 học sinh ở Trường tiểu học Okawa thuộc thị trấn Ishinomaki và chỉ chừa lại mạng sống cho 1 trong vài chục giáo viên. Ngôi trường bị sóng thần hủy hoại toàn bộ, với những thân cây to bị sóng quật gãy, ném lên tận tầng 2 của ngôi trường. Nhà thể thao và sân chơi của lũ trẻ đã trở thành một đống hỗn độn đầy bùn đất và rác rưởi. Nhưng bất chấp hoàn cảnh đầy tang thương và khó khăn ấy, trường Okawa sẽ bắt đầu mở lại chỉ trong một tuần nữa.

Chưa hết kinh hoàng

Tuy nhiên không phải mọi nơi người dân đều mặn mà với việc sớm đưa con em họ trở lại trường học. Ở trường Okawa, có một vấn đề lớn nảy sinh là niềm tin. Các bậc phụ huynh hiện đang rất phẫn nộ trước việc thiếu lời giải thích liên quan tới thảm họa. Họ nói rằng các ngôi trường nằm cạnh đó dù bị hư hại nặng nhưng lại không có ai thiệt mạng. Còn ở Okawa, điều ngược lại đã diễn ra.

Một bà mẹ mất con nhìn trân trân về phía nơi từng là Trường Tiểu học Okawa

“Sau khi động đất xảy ra, tôi nghe nói sẽ có sóng thần. Nhưng con gái tôi đang ở trường tiểu học nên tôi nghĩ cháu sẽ được an toàn” - Katsura Sato nói về cô con gái Mizuho học lớp 6, được xác nhận đã tử vong - “Tôi chỉ muốn biết những giây phút cuối đời của cháu ra sao”.

Theo giới chức trường Okawa và thành phố Ishinomaki, khi động đất xảy ra, các giáo viên đã yêu cầu học sinh chui xuống gầm bàn. Tiếp đó họ dẫn các em ra ngoài sân chơi như đã được huấn luyện. Bước tiếp theo là đưa học sinh lên vùng đất cao, nhưng do cây đổ đã chặn đường lên một ngọn núi cao nên các giáo viên đã đưa học sinh về phía một cây cầu cao nằm cách trường không xa.

Chẳng rõ có ai tới được cây cầu trước khi sóng thần ập tới hay không. Chỉ biết sức mạnh của sóng thần đã nhấn chìm ngôi trường 2 tầng và phá hủy phần lớn cây cầu thép với 2 làn đường nói trên. Trong số 34 học sinh sống sót, có 26 đứa trẻ đã được cha mẹ tới đón trước khi sóng thần ập vào bờ. 7 đứa trẻ may mắn được sóng cuốn vào nơi an toàn trong khi số còn lại được Junji Endo, giáo viên duy nhất của trường còn sống sót, cứu thoát.

Tại các tỉnh Fukushima, Miyagi, và Iwate, hơn 1.000 học sinh và giáo viên hiện được xác định là tử nạn hoặc đang mất tích.

Cuối tuần trước, 97 người thân của các nạn nhân đã có cuộc gặp gỡ với trường và giới chức thành phố để nghe những lời xin lỗi vì thảm họa. Các phóng viên không được vào trong cuộc họp nhưng những người tham dự nói rằng phụ huynh đã đưa ra rất nhiều câu hỏi giận dữ và chỉ nhận lại rất ít câu trả lời. Endo, hiện vẫn còn sốc và đang hồi phục sau tai nạn, đã phát biểu ngắn gọn trong cuộc họp trước khi bật khóc nức nở và không thể trả lời thêm câu hỏi nào.

Tại Rikuzentakata, một thành phố khác bị sóng thần tàn phá, Chihiro Osaka lặng lẽ nhìn ra cửa sổ về phía một sân vận động. Đó là nơi cậu bé 14 tuổi từng chơi bóng trong vai trò tiền đạo, trước khi thảm họa xảy ra. Lòng vẫn còn rối bời và đầy khổ đau nhưng Osaka đang rất nóng lòng chờ tới thời điểm tựu trường vào ngày 20/4 tới. “Cháu vẫn luôn nói rằng bản thân rất ghét trường học” - Osaka thổ lộ - “Nhưng giờ cháu nghĩ mình sẽ cần phải tiếp tục đến lớp”.

“Chúng tôi không muốn học sinh dở việc học hành”

Tái khôi phục các hoạt động thường nhật như học hành được xem là liều thuốc đưa người dân Nhật trở lại cuộc sống bình thường

Giờ đây, dọc theo khu vực bờ biển phía Đông của Nhật Bản, nhiều ngôi trường đã bị tàn phá nặng nề như Okawa hoặc biến thành các địa điểm dành cho người lánh nạn lưu trú. Nhiều gia đình ở đây đã rơi vào cảnh thất nghiệp, vô gia cư. Nhưng nước Nhật vẫn quyết tâm tiến lên phía trước bằng một hoạt động giống như một nghi lễ, vẫn diễn ra đều đặn vào mỗi mùa Xuân: lễ khai giảng năm học mới vào tháng 4.

Việc này diễn ra ngay cả khi một số phụ huynh và những đứa trẻ vẫn đang khóc thương người thân. “Tôi vẫn chưa sẵn sàng để nghĩ về thời khắc tựu trường. Họ vẫn chưa tìm thấy con gái tôi” - chị Naomi Hiratsuka, người mất con Koharu, một học sinh lớp 6 ở trường Okawa và hiện đang chuẩn bị cho đứa con thứ 2 vào học lớp 1 tại đây.

Các quan chức Nhật nói rằng thiết lập các hoạt động thường nhật là bước đi quan trọng trong việc tái xây dựng các cộng đồng bị thảm họa và đưa cư dân ra khỏi trạng thái khủng hoảng để trở lại cuộc sống. Vì lẽ đó, 34 học sinh còn sống sót của trường Okawa sẽ bắt đầu năm học mới vào ngày 21/4 trong 4 phòng học ở một ngôi trường gần đó. Các em sẽ được đối xử như vẫn đang ở tại trường Okawa.

“Chúng tôi không rõ liệu trường Okawa có được xây lại hay không. Nhưng chúng tôi muốn các em học sinh không bị dở dang việc học hành” - Kato Shigemi, một quan chức ủy ban giáo dục ở Ishinomaki, vốn nằm cách Tokyo 350km, cho biết.

Khôi phục giáo dục vì tương lai thế hệ trẻ

Người Nhật hiểu rõ rằng bất kỳ sự trì hoãn nào liên quan tới giáo dục có thể ảnh hưởng tới tương lai của những đứa trẻ.

Tuy nhiên những hư hại do sóng thần gây ra với hệ thống trường học Nhật Bản là vô cùng lớn. Tại các tỉnh Fukushima, Miyagi, và Iwate, hơn 1.000 học sinh và giáo viên hiện được xác định là tử nạn hoặc đang mất tích. Để giúp những người sống sót đương đầu với những căng thẳng về tinh thần, nhiều đội chuyên gia tâm lý và nhà tư vấn trường học trên khắp nước Nhật đang được gấp rút đào tạo bổ sung kiến thức trước khi được tung tới các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Các nhà quan sát nói rằng trong ngày tựu trường sắp tới, nhiều trường học sẽ sớm lâm vào tình trạng đông đúc, quá tải bởi việc ghép trường, ghép lớp sẽ diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân do gần 200 ngôi trường ở Nhật cần được sửa chữa lớn hoặc xây lại hoàn toàn và hàng ngàn trường khác cần phải qua các sửa chữa lớn nhỏ khác nhau. Bên cạnh đó, hàng trăm ngôi trường khác hiện đang được sử dụng trong vai trò nơi lánh nạn cho những người sống sót, khiến cho cơ sở hạ tầng dành cho hoạt động giáo dục ở vùng xảy ra thảm họa tương đối eo hẹp.

May mắn hơn nhiều nơi khác, các ngôi trường ở thành phố biển Natori đã không bị sóng thần tàn phá nặng nề. Thành phố hiện đang sắp xếp các chuyến xe buýt đặc biệt để chúng sẽ chạy tới các điểm lánh nạn, nhằm đón học sinh tới trường. Ông Nobou Takizawa, một quan chức giáo dục ở đây nói rằng các lớp học sẽ khai giảng trễ hơn thường lệ 10 ngày. Ngoài ra thành phố cũng sẽ cử giáo viên tới các điểm lánh nạn để dạy dỗ học sinh. 

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm