Nhạc trưởng Lê Ha My: Chỉ biết yêu và sống với đam mê

16/09/2022 15:00 GMT+7 | Văn hoá

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Liên hoan "Giai điệu mùa thu" đã trở lại mùa thứ 13 từ ngày 10 - 17/9 tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Màn 'tái xuất' ấn tượng của 'Giai điệu mùa thu' lần thứ 13

Màn 'tái xuất' ấn tượng của 'Giai điệu mùa thu' lần thứ 13

Liên hoan "Giai điệu mùa thu" được tổ chức hai năm một lần đã trở lại với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm nay, chương trình được thực hiện với chuỗi các sự kiện nghệ thuật đặc biệt và mới mẻ, quy tụ được đầy đủ 3 loại hình nghệ thuật đỉnh cao là Vũ kịch, Thanh xướng kịch và Hòa nhạc giao hưởng.

Trong suốt một tuần diễn ra Liên hoan, đêm nào sân khấu cũng sáng đèn và ghế ngồi của khán giả thường là không còn một chỗ trống. Bên cạnh 5 đêm diễn là 2 hội thảo về âm nhạc và múa cũng nhận được sự hưởng ứng của công chúng.

Nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO), người đảm nhận vai trò Chỉ đạo nghệ thuật của "Giai điệu mùa thu" 2022 - đã có những chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, TTXVN.

* Nghe anh tiết lộ, đến giờ này - khi liên hoan đã ở những đêm diễn cuối, vẫn còn có những người đang tìm vé để đến với chương trình. Tôi nghĩ đây là một sự chào đón không thể ý nghĩa hơn cho sự kiện năm nay. Không biết, sức hút của “Giai điệu mùa thu” lần thứ 13 nằm ở đâu ?

- Tôi cũng thấy rất may mắn khi được khán giả đón nhận chương trình nồng nhiệt ngay từ ngày đầu khai mạc cho đến thời điểm này. Đó là niềm vui đối với những người nghệ sĩ chúng tôi nói riêng cũng như với âm nhạc cổ điển nói chung. 

Còn để nói về sức hút của chương trình năm nay, tôi nghĩ là 5 đêm diễn và 2 hội thảo của “Giai điệu mùa thu” lần thứ 13 mà chúng tôi đã mất hàng năm để lên kế hoạch, mỗi một sự kiện diễn ra đều có chất riêng để làm nên một kì liên hoan thành công.

nhạc trưởng Lê Ha My, Giai điệu mùa thu lần thứ 13
Đêm khai mạc Liên hoan "Giai điệu mùa thu"

Với chúng tôi, mỗi đêm diễn hay sự kiện của Liên hoan cũng tựa như những “đứa con” tinh thần của mình và đã là “con” thì đều được chăm chút nhất.

Tuy nhiên, với quy mô của kì liên hoan lần này, có thể thấy sức hút của chúng tôi nằm ở nội dung trình diễn tôn vinh âm nhạc Việt Nam với những tác phẩm được giao hưởng hóa cũng như sức hút nằm ở thế mạnh bản sắc của HBSO chính là các nghệ sĩ và dàn nhạc khi chọn ra những bản aria hay khí nhạc hấp dẫn và gần gũi với khán giả.

* Tổ chức dài hơi trong một tuần lễ, BTC đã chuẩn bị như thế nào để có thể đảm bảo chất lượng nghệ thuật xuyên suốt sự kiện ?

 - Đúng là để đảm bảo chất lượng nghệ thuật xuyên suốt Liên hoan, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Khi suốt tuần qua, đêm nào sân khấu cũng sáng đèn, đồng nghĩa các nghệ sĩ của dàn nhạc phải biểu diễn không có ngày nghỉ. Trước đó chúng tôi đã tập luyện hàng tháng trời trong điều kiện phải luân phiên về sân khấu cũng là một khó khăn nhưng với tinh thần yêu nghề, tất cả các nghệ sĩ của HBSO đều vượt qua.

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Liên hoan

* Có thể thấy, sự trở lại của “Giai điệu mùa thu” lần thứ 13 là một dấu ấn văn hóa đặc sắc trong thời điểm này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình thực hiện còn mang nhiều “sứ mệnh” về phát triển văn hóa nói chung cũng như nghệ thuật hàn lâm nói riêng trong tương lai. Vậy, dàn nhạc đã có lộ trình để hiện thực hóa những sứ mệnh trên hay chưa ?

- Năm nay, được sự quan tâm của UBND Thành phố cũng như Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP.HCM nên Liên hoan “Giai điệu mùa thu” lần thứ 13 được tổ chức theo định hướng là một trong các sự kiện nghệ thuật tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2020 – 2030. 

Với những mong muốn sẽ đạt được vào các kì liên hoan tới của Giai điệu mùa thu, chúng tôi đã có lộ trình từ lâu nhưng còn việc hiện thực hóa thì cần nhiều sự chung tay giúp sức. 
Đầu tiên vẫn là cần sự quan tâm thật nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các lãnh đạo cấp cao của ngành. Bên cạnh đó, là sự đồng hành của các đơn vị đào tạo nguồn nghệ sĩ tương lai. Bản thân chúng tôi cũng phải xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn, mời gọi được các nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước thường xuyên đồng hành cùng nhà hát, để vươn tới sự quốc tế hóa của Liên hoan trong những kì tới.

* Ở cương vị "2 trong 1" hiện tại của anh, đều là ở vị trí hàng đầu, dù là chuyên môn cũng như quản lý. Anh chia sẻ thế nào về sự song hành này trong công việc của mình ?

- Quả thật để hoà hợp hai công việc trên không phải là điều dễ dàng bởi là người quản lý thì khó có thể nghệ sỹ tính, không được phép bay và quá tự do còn khi bước lên sân khấu thì chỉ có âm nhạc mà thôi.

Tất nhiên, chỉ huy dàn nhạc cũng là một công việc vừa đầy nghệ thuật nhưng cũng đòi hỏi sự khoa học và chuẩn mực nên tôi nghĩ mình vẫn tìm được tiếng nói chung giữa 2 vai trên.

* Mọi người đều nhìn nhận ở anh là một nghệ sĩ tài năng và đầy nhiệt huyết với nghề. Với anh 2 yếu tố này đã đủ làm hành trang để gắn bó với con đường âm nhạc cổ điển?

- Tôi nghĩ ngoài 2 yếu tố trên, tôi may mắn có được sự sẻ chia và đồng hành của gia đình, ba mẹ, vợ và các con .. Thực sự, con đường làm nghệ thuật vốn đã nhiều khó khăn, làm âm nhạc cổ điển còn nhiều gian truân gấp bội và những nguồn yêu thương lớn lao từ phía gia đình đã luôn giúp tôi vững tâm hơn mỗi khi len lỏi ý nghĩ dừng chân và tìm tới một con đường khác bằng phẳng và dễ đi hơn.

Bên cạnh đó, tôi hay bất cứ người làm nghệ thuật nào chắc chắn sẽ hưng phấn hơn, nhiệt huyết hơn nếu có được sự yêu thương và trân quý từ khán giả. Tình cảm đó sẽ là nguồn động viên lớn lao đối với những người làm nghệ thuật..

nhạc trưởng Lê Ha My, Giai điệu mùa thu lần thứ 13
Nhạc trưởng Lê Ha My trên sân khấu

* Cũng ngần ấy thời gian công tác, anh có thấy sự chuyển biến nào trong việc đón nhận âm nhạc cổ điển của khán giả về sự cởi mở và phá bỏ khoảng cách của định kiến : “Nhạc bác học thì phải hiểu mới nghe được” chưa ? Hay thực tế, âm nhạc cổ điển muốn thấy hay trước hết, vẫn phải thực sự hiểu ?

- Có chuyển biến chứ mà còn là chuyển biến tích cực đấy. Những người làm nghề chúng tôi nhận thấy rất rõ là khán giả yêu và trân trọng âm nhạc cổ điển đang ngày một lớn lên. Điều này tôi nghĩ có nhiều lý do nhưng cơ bản là môi trường tiếp cận với âm nhạc cổ điển ngày nay đã rất rộng mở với công chúng. Nhờ thế, khán giả đến với âm nhạc cổ điển đã chủ động hơn.

Mặt khác, các chương trình âm nhạc cổ điển cũng chịu khó “nâng cấp” hơn khi biết cách chạm vào khán giả bằng những chương trình có chất lượng, hấp dẫn lôi cuốn hơn cũng như biết cách lan toả nó đến cộng đồng nhanh hơn. 

Và ngày nay, các bạn trẻ cũng được tiếp cận với các môn nghệ thuật ngay từ nhỏ nên các giá trị thẩm mỹ cũng sớm được chăm chút hơn.

Còn có cần hiểu âm nhạc cổ điển mới thấy hay không? Tôi nghĩ, là không. Như tình yêu sét đánh, bạn hoàn toàn có thể chết điếng người vì ánh mắt của đối phương ngay cả khi chưa biết người ấy là ai, đúng không?

nhạc trưởng Lê Ha My, Giai điệu mùa thu lần thứ 13
Nhạc trưởng Lê Ha My hiện là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM

* Ở một góc cạnh khác, với nhận định hiện nay các chương trình âm nhạc cổ điển (trong đó có cả HBSO) bị vắng khán giả còn là bởi nhiều người nghệ sĩ trẻ tài năng đã không về Việt Nam sau khi thành danh ở quốc tế. Đây cũng không phải là câu chuyện mới về hiện tượng chảy máu chất xám nhưng nhìn lại những đêm nhạc cháy vé của dàn nhạc tổ chức thời gian qua, anh có muốn “phản biện” lại điều này ?

- Sòng phẳng mà nói, các đêm diễn âm nhạc cổ điển diễn ra ở những trung tâm văn hóa lớn của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tăng lên nhiều, bao hàm cả tần suất diễn cũng như chất lượng các đêm diễn.

Điều chị nói "chảy máu chất xám" gây ảnh hưởng đến sự đón nhận của khán giả chắc chắn là một vấn đề đáng bàn. Nhưng theo góc nhìn của tôi, vấn đề cần quan tâm hơn ở thời điểm này đó là sau khi có được những nghệ sĩ có triển vọng, có tài.. làm sao để phát huy được họ, tạo ra nhiều sân chơi cho họ, hỗ trợ và chắp cánh cho họ phát triển ngày một hoàn thiện hơn và nhất là cần có những điều kiện thoả đáng để nghệ sĩ có thể yên tâm hơn để làm nghề, tập trung tối đa để ngày một hoàn thiện bản thân mình hơn thay vì phải đối mặt với nhiều khó khăn để mưu sinh. 

Chú thích ảnh

* Ở tuổi 46 có thể gọi là lúc đang vừa chín vừa sung của nghề, anh mong muốn và sẽ có những đóng góp như thế nào trong tương lai với âm nhạc cổ điển nói riêng và âm nhạc Việt nói chung?

- Một câu hỏi nghe thật "đồ sộ" ! Nếu nói sẽ đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam tôi thấy lớn lao quá. Mỗi một người nghệ sĩ chúng tôi chỉ biết yêu và sống với đam mê âm nhạc của mình và luôn lắng nghe và đón nhận những phản hồi từ khán giả và người yêu nhạc để chúng tôi được hoàn thiện hơn.

Từ khi về Việt Nam hoạt động, tôi cùng các ê kip nghệ thuật luôn cố gắng tạo ra những chương trình nghệ thuật có chất lượng để tiến gần hơn nữa đến với khán giả. Khi đảm nhiệm vai trò một người quản lý, tôi chỉ mong muốn cùng với tập thể các nghệ sĩ của Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch thành phố, ngày một tạo ra những chương trình nghệ thuật hấp dẫn hơn nữa, như chuỗi Liên hoan “Giai điệu mùa thu”.

Chắc chắn rằng lớp nghệ sĩ chúng tôi sẽ giữ gìn những thành quả mà nhiều thế hệ nghệ sĩ trong gần 30 năm qua ở HBSO đã đạt được và tiếp tục phát huy những giá trị quý báu đó.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đêm diễn bế mạc Liên hoan Giai điệu mùa thu lần thứ 13 diễn ra lúc 20h ngày 17/9

Với sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời NSƯT Bùi Công Duy, Nguyễn Trinh Hương, Dmitry Feygin (Nhật Bản), chương trình biểu diễn các tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại L.v.Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov.

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm