Nhạc sĩ Tôn Thất Lập không còn được 'Hát cho dân tôi nghe'

27/07/2023 14:31 GMT+7 | Văn hoá

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào đấu tranh "Hát cho đồng bào tôi nghe" trong thập niên 1960 - vừa qua đời sáng ngày 26/7/2023, tại TP Hồ Chí Minh.

Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người yêu nhạc nhớ ngay đến các ca khúc nổi tiếng: Hát cho dân tôi nghe, Tiếng gọi sinh viên, Xuống đường, Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Tình yêu mãi mãi, Mưa thì thầm, Cô bé dễ thương, Oẳn tù tì… Nhạc sĩ từng chia sẻ: "Với tôi, âm nhạc là lẽ sống và là cách để bản thân mỗi người tự giải thoát mình. Bởi âm nhạc có thể xoa dịu nỗi đau và cũng có thể giúp con người thêm thăng hoa sau mỗi niềm hạnh phúc..."

Hạt nhân chính của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe"

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (có các bút danh là: Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, Nguyễn Xuân Tân) sinh ngày 25/2/1942, tại Đà Nẵng. Năm 1954, gia đình ông trở về Huế. Ngay từ năm 18 tuổi, chàng trai trẻ Tôn Thất Lập đã được nhiều người yêu âm nhạc biết đến qua những bản tình ca, như: Những con đường nhỏ, Tiếng hát về khuya… trong tập "Phố ca". Những ca khúc của ông viết về tình yêu, về số phận con người trong thời kỳ chiến tranh, đã mang đến cho công chúng sự đồng cảm và được phổ biến sâu rộng trong đông đảo thanh niên, sinh viên, học sinh ở Huế.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng chia sẻ, ba ông kể: "Không biết cụ Phan Bội Châu hay tiền nhân nào từng nói đại để: Tay bẩn lấy gì rửa? Lấy nước. Thế còn nước mà bẩn? Nước mà bẩn chỉ lấy máu mà rửa". Và cũng từ đó, nhạc sĩ tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Là nhạc sĩ sống giữa lòng địch, ông đã chọn âm nhạc, một phương tiện nghệ thuật có sức lan tỏa và hiệu triệu mạnh mẽ để đấu tranh.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập không còn được 'Hát cho dân tôi nghe' - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

"Hát cho đồng bào tôi nghe" ban đầu là một phong trào tự phát của học sinh, sinh viên vào những năm 1960 của thế kỷ XX. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào dần dần lan rộng, với mục đích chính là góp phần tranh đấu vì hòa bình và thống nhất đất nước. Trong mấy năm đầu, nòng cốt của phong trào là Đoàn Văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn, thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Trong những ngày hừng hực khí thế đấu tranh đó, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cho ra đời bài Hát cho dân tôi nghe, được phổ biến rộng rãi trong học sinh, sinh viên: "Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu, lửa cháy bên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân, xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân, bỏ cày theo tiếng loa vang…".

Năm 1968, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, trên cương vị Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác, thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, cùng với các nhạc sĩ sinh viên, gồm: Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên... đã thổi bùng phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", qua nhiều hoạt động nổi bật, như: biểu diễn văn nghệ trong Hội Tết Quang Trung Sài Gòn năm 1967; Đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại học Dược khoa Sài Gòn (1967), do Tạp chí Đất Mới của sinh viên Luật khoa Sài Gòn tổ chức tại trường Đại học Khoa học Huế; Đêm thơ nhạc ở trường Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12/1967... Trong thời kỳ này, những ca khúc, như: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng… của nhạc sĩ Tôn Thất Lập được cất cao trên các nẻo đường tranh đấu của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam.

Trong đêm văn nghệ Vì hoà bình tổ chức tại trường Đại học Nông-Lâm-Súc sản Sài Gòn vào tối 27/12/1969, tên gọi phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" chính thức ra mắt và bài Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập được hàng nghìn sinh viên đồng thanh hát vang, khiến cảnh sát ngụy quyền tức tối và đàn áp dữ dội. Gần 180 sinh viên (trong đó có Tôn Thất Lập) bị bắt giam tại Sài Gòn. Những sinh viên này cùng nhau tuyệt thực và bài Hát cho dân tôi nghe lại vang lên trong các khu nhà giam của địch.

Và cứ thế, phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đã lan ra nhiều nơi khác, như: Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết... Tiếng hát tranh đấu tiếp tục vang lên tại các giảng đường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Huế (1970), Hội quán Thanh niên Phan Thiết (1972)... Nhà văn Trần Bạch Ðằng từng nhận xét: "phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" làm run rẩy cả một chế độ. Nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù".

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập không còn được 'Hát cho dân tôi nghe' - Ảnh 1.

Hàng đầu: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (đeo kính) và nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh tư liệu

Sự lan tỏa giục giã và cháy bỏng của ca khúc Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã bay cao bay xa vượt ra khỏi Việt Nam, cuốn hút thanh niên trí thức tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới. Trên báo Le Monde của Pháp số ra ngày 11/2/1972, tác giả Mireille Garnel nhận định: "Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ người này đến người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống còn. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ được biết gương mặt của Hòa Bình".

Viết bằng cả tâm huyết và trái tim

Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được Chính phủ cử đi tu nghiệp tại Pháp. Ông vừa học nâng cao trình độ, vừa tham gia hoạt động cùng phong trào sinh viên tại thủ đô Paris. Trong thời gian này, nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc, như: Không thể ngồi yên, Tiếng gọi sinh viên, Thanh niên ơi phố phường gọi ta đó, Nhớ về miền Nam… với tình cảm tha thiết, nhớ mong quê hương, đất nước đang chìm trong khói lửa.

Năm 1974, tại Đại hội Sinh viên Việt Nam ở hải ngoại, tuyển tập ca khúc Những cánh chim từ vùng lửa đỏ của ông được chính thức phát hành, góp phần phát huy sức mạnh của những người con xa Tổ quốc.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập không còn được 'Hát cho dân tôi nghe' - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập thời trẻ, giai đoạn sáng tác ca khúc "Hát cho dân tôi nghe". Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng chia sẻ: ngày 30/4/1975, khi đang ngắm hoa tại vườn nhà (lúc này bên Pháp trời còn rét) lại thấy nụ hoa quỳnh hé nở. Lạ thế! Đúng lúc ấy, ông có điện thoại của bà Francoise Vandermeerch báo tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thế là ông tức tốc tới nhà bà ở Paris 7. Vừa ra khỏi tàu điện ngầm, nhiều em bé, cụ già… chạy về phía ông chúc mừng. Và đây là hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Trưa hôm đó tôi cùng bạn bè, anh em đang ở Paris và dòng người diễu hành hát vang bài Giải phóng miền Nam và Tiến quân ca giữa đường phố Paris tráng lệ. Niềm vui cứ tràn ngập…

Tối ngày 30/4/1975, tại buổi dạ hội mừng chiến thắng do Hội Người Việt Nam ở Pháp tổ chức, nhạc sĩ đã song ca cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo bài hát Hướng về quê hương độc lập, do ông vừa sáng tác vào buổi sáng. Bài hát này được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25/5/1975, với lời dẫn: "Chúng tôi vừa nhận được sáng tác nhạc dưới đây của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ Paris gửi về": "Chúng ta hướng về Tổ quốc thân yêu/ Và sáng nay ta thấy lòng phơi phới/ Phút giây rộn ràng Tổ quốc hoàn toàn độc lập/ Từ bao năm bao anh hùng nằm xuống/ Nhớ ơn Người từ thuở khai sinh… Miền Nam ơi miền Nam/ Giờ núi sông hòa ca bài ca kết đoàn…".

Đất nước thống nhất, nhạc sĩ Tôn Thất Lập trở về nước và công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh. Ông từng giữ chức: Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa III, IV; Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa V; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa VI; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa III, IV, V, VI và VII; Phó Tổng Thư ký khóa VI, Phó Chủ tịch khóa VII; Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi… Nhạc sĩ cũng xuất bản các tuyển tập, như: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân… Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều nhạc múa, nhạc phim.

Nhạc sĩ từng chia sẻ về quan niệm làm nghề: "Đối với tôi, sáng tạo là tự giải phóng bản thân. Ngay cả những tác phẩm đặt hàng cũng phải tìm tòi, lấy đó làm cơ hội để tìm cái mới. Sự sáng tạo phải đặt lên hàng đầu… Mỗi tác phẩm đều được viết bằng cả tâm huyết và trái tim tôi. Đây chính là điều mà tôi tâm đắc nhất trong suốt gần 50 năm sáng tác…".

Năm 2007, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II cho các ca khúc: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Người đợi người, Trị An âm vang mùa xuân, Chiều trên sông Sài Gòn.

Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm