"Ông giáo" viết kịch Phạm Văn Quý: Kỷ lục kịch bản về Thăng Long

29/08/2009 11:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có thể coi như một phát hiện trong các đề cử Giải Tác phẩm năm nay là 10 kịch bản về Thăng Long - Hà Nội của nhà viết kịch Phạm Văn Quý. Sinh năm 1942, vốn là giáo viên trường kỹ thuật thông tin của Bộ Tư lệnh Thông tin (về máy quân dụng) nhưng ông lại nổi tiếng với nghề tay trái là viết kịch bản sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương, kịch… đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hoan Truyền hình toàn quốc… Vở diễn khá đình đám do ông viết kịch bản gần đây là Tả quân Lê Văn Duyệt (đạo diễn Doãn Hoàng Giang; NH Kịch TP.HCM) gây tiếng vang tại TP.HCM vào năm ngoái.


 Nhà viết kịch Phạm Văn Quý
Trong gia tài các tác phẩm đồ sộ của mình có 10 vở ông đã viết về Thăng Long - Hà Nội, trong đó có 7 vở đã hoặc đang được dàn dựng như: Kỳ tích Thăng Long, Thái tổ Lý Công Uẩn, Đám cưới người anh hùng, Tình sử Thăng Long, Thái úy Lý Thường Kiệt, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long . Ngoài ra còn 3 vở kịch vừa hoàn thành: Lê Thái Tổ vào Thăng Long, Duyên kiếp Thăng Long, Danh sĩ Thăng Long.


TT&VH có cuộc trò truyện với ông:

* Ông là một thầy giáo dạy kỹ thuật, điều gì khiến ông lại có bước “chuyển mình” để trở thành một “lão làng” viết kịch bản lịch sử?

- Tôi là một người yêu văn chương từ nhỏ, đặc biệt là sân khấu. Lúc chưa thành giáo viên tôi đã có kịch in ở tạp chí Thái Nguyên (1962). Khi làm việc trong quân đội tôi vẫn tiếp tục sáng tác, viết thơ, kịch... Tính đến thời điểm này tôi đã có hơn 100 vở kịch và phim truyền hình được dựng trên sân khấu truyền hình Trung ương, TP.HCM và sân khấu chuyên nghiệp.

* Kịch bản của ông xoay quanh ba mảng đề tài: Lịch sử, tâm lý xã hội và hài kịch. Nhưng dường như chính đề tài lịch sử mới thực sự “thuyết phục” các nhà hát “đặt hàng” ông viết?

- Tôi viết mạnh nhất là mảng đề tài lịch sử. Có người hỏi tôi vì sao tôi lại chọn đề tài “khó” như vậy? Tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, kỷ niệm về Hà Nội rất thân quen, tôi yêu Hà Nội và thấu hiểu Hà Nội.

Tôi thuộc và hiểu lịch sử bằng cách đọc nhiều, mày mò nghiên cứu nhiều sách tư liệu về lịch sử. Khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Sân khấu Hà Nội phát động cuộc tìm hiểu và sáng tác về Hà Nội - nghìn năm Thăng Long, tôi như có động lực hơn khi phát huy đam mê và thế mạnh về đề tài lịch sử của mình.

* Viết gần 10 kịch bản lịch sử hoành tráng như vậy, ông tâm đắc với kịch bản nào nhất?

- Tôi tâm đắc với 2 kịch bản: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (Nhà hát Cải lương Trung ương) sẽ dàn dựng năm 2009 để đi dự Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2009. Ngoài ra là Tình sử Thăng Long (tiết mục đi hội diễn - 2009) của Đoàn Cải lương Nam Định do NSND Mạnh Tưởng đạo diễn.

Vở Tình sử Trần triều (Đoàn Cải lương Nam Định)
do Phặm Văn Quý viết kịch bản


* Còn 3 kịch bản lịch sử đã “ráo mực” rồi, ông định khi nào sẽ tìm đạo diễn để “hóa thân” cho những tác phẩm lịch sử đó?

- Dự kiến kịch bản Lê Thái Tổ về Thăng Long sẽ được dàn dựng ở Truyền hình trung ương. Duyên kiếp Thăng Long sẽ đưa dựng tại Đoàn Cải lương Quảng Ninh, Danh sĩ Thăng Long và một vài kịch bản khác, đang tìm đoàn dàn dựng trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Là “cha đẻ” của những tác phẩm kịch bản lịch sử trên, tôi mong muốn các đạo diễn sẽ đón nhận và dàn dựng vào năm 2010.

* Viết kịch bản lịch sử đòi hỏi phải trăn trở với lịch sử. Ông có bí quyết nào để trở thành một tác giả viết kịch lịch sử thành công như hiện nay, nhất là về đề tài Thăng Long - Hà Nội?

- Tôi nghĩ có mấy yếu tố quyết định thành công của một kịch bản lịch sử: Phải có kiến thức dày dặn về lịch sử và thực sự yêu mảnh đất, con người mà mình định tái hiện... Hà Nội là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nên tôi yêu và gắn bó với Hà Nội như máu thịt của mình. Phải biết cách viết đề tài lịch sử, tuyên dương lịch sử, không được bôi xấu lịch sử, với tinh thần trọng thị, hiếu nghĩa với tổ tông dân tộc.

Kịch bản lịch sử là một đề tài khó viết cần phải hư cấu có tình người thì vở kịch mới hấp dẫn. Bởi vậy cũng có một số người viết về Thăng Long - Hà Nội nhưng không nắm được cách sáng tác lịch sử nên khó dựng được ở sân khấu chuyên nghiệp.

* Xin cảm ơn ông

Các giải thưởng

- Vở Thái úy Lý Thường Kiệt được giải vở diễn xuất sắc nhất năm 2006, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trao cho Đoàn Chèo Hà Nội. Đồng thời giành thêm giải nhì Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

- Vở Thái tổ Lý Công Uẩn do Đài Truyền hình Đà Nẵng và Đoàn Tuồng Đà Nẵng cùng dựng - HCV Liên hoan sân khấu truyền hình năm 2007, trao cho Đài Truyền hình Đà Nẵng.

- Vở Đám cưới người anh hùng (Đoàn Cải lương Nam Định) - Giải ba Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2005.

 - Tình sử Thăng Long, Giải ba Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2008.

Thủy Anna (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm