Nhà văn Ma Văn Kháng: Viết như một cách tồn tại

11/12/2015 06:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng hôm qua (10/12) tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM (91 Trần Quốc Thảo, quận 3) đã diễn ra buổi tọa đàm Nhà văn anh là ai? - đây cũng là dịp giới thiệu tập tiểu luận và bút ký cùng tên của Ma Văn Kháng.

1. Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại làng Kim Liên, Hà Nội. Ở tuổi 80, ông vẫn viết khá bền bỉ, vì mới đây ông vừa cho xuất bản tiểu thuyết Người thợ mộc và tấm ván thiên (NXB Trẻ, 11/2015), dày hơn 310 trang.

Trong gia tài khá đồ sộ (khoảng 30 đầu sách) Ma Văn Kháng nổi tiếng với nhiều tác phẩm như: Mưa mùa Hạ (tiểu thuyết, 1982), Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985), Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989), Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989), Heo may gió lộng (truyện ngắn, 1992), Ngoại thành (truyện ngắn, 1996)…

Cuốn Nhà văn, anh là ai? tiếp nối cách nhìn trong tập tiểu luận và bút ký cùng một tác giả về nghề văn Phút giây huyền diệu (NXB Hội Nhà văn, 2013). Thẳng thắn nhìn nhận thì cả hai cuốn này không có nhiều sức thu hút như mảng sáng tác của Ma Văn Kháng.

Trong Mấy lời thưa cùng bạn đọc!, ông tâm viết: “Tôi không có ý định trở thành một cây bút lý luận phê bình. Làm nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp khó lắm. Đó là một tài năng độc đáo. Thêm nữa anh ta cần được học hành nghiên cứu một cách có bài bản và hệ thống”. Đây là một tâm sự thật, vì hơn 255 trang sách đã chứng minh cho điều đó.


Tác phẩm "Nhà văn, anh là ai?" của Ma Văn Kháng

Tư tưởng then chốt của Ma Văn Kháng trong sách này có lẽ tiếp nối từ một câu nói của nhà thơ Pablo Neruda: “Với tôi, viết là hít thở. Tôi không thể sống mà không hít thở, và tôi không thể sống mà không viết”.

Phần nhiều các bài viết trong Nhà văn, anh là ai? là những ghi ghép vụn, đôi khi là suy nghĩ thoáng qua. Dường như tác giả chẳng muốn khẳng định điều gì, mà chỉ là những gửi gắm, bày tỏ nhẹ nhàng. Và viết ở đây là “không thể sống mà không viết”, viết như một cách để tồn tại, dưỡng sinh. Trong một cuộc trò chuyện, Ma Văn Kháng nói rằng mình không có ý định nghỉ hưu với nghề viết, dù từ lâu đã sẵn sàng đón nhận mọi bất ngờ xảy đến với tuổi tác.

2. Ma Văn Kháng là một cây bút dạt dào nam tính trong văn phong. Nhìn lại hành trình sáng tạo của ông, nhiều nhân vật nam được ông xây dựng sinh động và thành công hơn. Trong Nhà văn, anh là ai? ông cũng ưu tiên trích dẫn, đề cập các cây bút nam, với hàng trăm lượt, riêng các cây bút nữ thì không quá 10 lượt.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Bật mí về

Nhà văn Ma Văn Kháng: Bật mí về "Phút giây huyền diệu"

Mới đây, tác giả cuốn sách "Phút giây huyền diệu" – nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng đã có buổi giao lưu, chia sẻ chuyện văn chương với các sinh viên khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa HN).


Trong một bài phỏng vấn trước đây, Ma Văn Kháng tâm sự: “Tất cả những nhân vật trong tác phẩm của tôi đều có nguyên mẫu ngoài đời. Họ là những đồng nghiệp hàng ngày sống ngay cạnh tôi, là một lớp bạn bè giáo viên vừa ra trường sẵn sàng rời thành phố lên “cắm bản” trên vùng núi còn lạc hậu, nghèo đói. Một phần trong đó cũng chính là tôi”. Có lẽ vì quan niệm về hiện thực như vậy mà cuốn sách Nhà văn, anh là ai? (NXb Văn hóa - Văn nghệ, quý 3//2015) cũng được tiếp cận ở khía cạnh tương đương.

Ông kể rằng mình đến với việc viết lách hết sức tình cờ, khi đang là hiệu trưởng một trường cấp 3 và là trưởng ty giáo dục (năm 1965), thì được điều về làm thư ký cho một bí thư, thành ra phải viết, rồi yêu việc viết lách luôn từ đó. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông vẫn cho rằng “dẫu viết cả trăm cái truyện ngắn thì cái 101 cũng vẫn là một nỗi vui hân hoan. Nghề văn có cái thú vị ấy, sản phẩm văn chương vốn chỉ độc bản”.

Nhưng với ông: “Nhà văn, kẻ có ích và cần thiết cho cuộc sống! Nhà văn, người đem văn đến cho cuộc đời. Nói thế là bởi vì, cái gọi là văn ấy chỉ nhờ có nhà văn mới trở thành hiện thực. Vì nó vô hình vô ảnh, nó không tồn tại ở đời thực”.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm