Nhà thơ Dick Gebuys: Tại sao các bạn cứ nghe những bài hát hạng hai của Mỹ?

03/02/2015 12:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dick Gebuys là một giảng viên văn học và ngôn ngữ Hà Lan. Ông đồng thời là người tổ chức và điều hành các sự kiện giao lưu văn hóa và văn học Việt Nam - Hà Lan.

Ngoài sáng tác thơ,
Dick Gebuys còn viết truyện ngắn và kịch sân khấu. Kể từ năm 2004, ông bắt đầu sang Việt Nam, một đất nước mà ông không ngần ngại bày tỏ lòng yêu mến bằng cách viết cả một tập thơ về nó với nhan đề Giống như bạn vừa chạm vào.

* Tất cả những người ngoại quốc tôi gặp ở nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam đều chỉ nghĩ ngay đến chiến tranh. Tôi cũng cảm thấy điều đó trong bài thơ Cuộc chiến với người Mỹ của ông. Có lẽ đó là những cảm nhận đầu tiên của nhà thơ về đất nước chúng tôi khi ông mới đến Việt Nam?  

- Đúng và sai. Khi cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đang diễn ra thì tôi còn rất nhỏ. Tôi chỉ chứng kiến cuộc chiến này qua truyền thông phương Tây, mà tin tức chủ yếu được cung cấp từ Nhà Trắng. Nhưng năm 16 tuổi (1970) thì tôi có gặp một cậu thanh niên người New York ở Bỉ, gốc da đỏ. Steve từng đến Việt Nam, là lính chiến ở đó, bị thương bởi một viên đạn và nằm lại ở Bệnh viện Bangkok. Cậu ấy là một nạn nhân chiến tranh. Tôi sững sờ vì câu chuyện của cậu ta. Và khi tôi đến Việt Nam, cảm giác đó chính là nơi tôi đã biết mình sẽ đến.

Tôi không đến đây để xem một đất nước đã trải qua cuộc chiến tranh lớn như vậy sẽ như thế nào, nhưng dù sao tôi không nén được mình quan sát và tìm kiếm những tàn tích sau chiến tranh. Rất tiếc là tôi đành phải thú nhận như vậy. Tôi đã nói chuyện với những nhân chứng của cuộc chiến, tôi đọc nhiều sách về cuộc chiến tranh này, đến thăm địa đạo Củ Chi. Tôi làm tất cả để cố gắng hiểu được những ảnh hưởng của chiến tranh còn lại như thế nào. Nhưng cái mà tôi nhìn thấy bây giờ là nhiều người Việt lại sùng bái những gì được Mỹ hóa. Tôi chỉ viết lại cảm nghĩ của mình trong bài thơ này. Các bạn có rất nhiều ca sĩ hay và những bài hát thú vị như Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Cẩm Ly..., tại sao lúc nào cũng phải nghe những bài hát hạng hai trong bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ?

Tôi nghĩ các bạn không nên phá bỏ truyền thống giàu có của mình. Các bạn trẻ chí ít cũng nên đọc cuốn sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam của Hữu Ngọc, một cuốn sách tuyệt vời giống như tấm gương soi chiếu văn hóa Việt vậy.

* Trong lúc lãng du trong văn hóa Việt thì tôi cũng được đọc hai bài thơ Tự do trong Công viên Tao Đàn và Phố ở Sài Gòn của ông. Rõ ràng là quan điểm của ông đã thay đổi so với lúc ban đầu đến đây. Ông đã miêu tả một Sài Gòn rất hiện đại và ồn ào trong những bài thơ này?

- Ông bạn tôi, nhạc sĩ Quốc Bảo, đã chỉ cho tôi cách thưởng thức một thành phố năng động là Sài Gòn. Mọi thứ đang đổi thay hàng ngày, nhưng dưới lớp áo mới này thì những nhịp đập của trái tim và sự nóng ấm của tâm hồn vẫn nguyên như vậy. Tôi chỉ lo lắng rằng những ngôi nhà cao tầng và các trung tâm thương mại khổng lồ sẽ dần xóa lấp đi hồn Việt. Tôi thích Công viên Tao Đàn vì nó mang tinh thần tự do theo đúng nghĩa của từ này. Thật tuyệt vời khi đi dạo ở đó dù là lúc sáng sớm hay chiều muộn, đặc biệt là lúc chạng vạng ngắn ngủi, khoảnh khắc vô cùng quý giá ở những miền nhiệt đới.

* Tôi rất thích cách mà ông miêu tả về nước trong bài Sông Hồng. Có vẻ như những người Hà Lan, một quốc gia luôn “nổi” trên mặt nước, có một sự mẫn cảm đặc biệt về nước, có phải vậy không, thưa nhà thơ?

- Ồ đúng vậy. Đúng là tôi sinh ra ở một thành phố thấp hơn mực nước biển là Rotterdam. Cuộc sống của chúng tôi tồn tại là nhờ cuộc đấu tranh vĩnh cửu với sức mạnh của nước. Những người Rotterdam cũng sống nhờ nước vì chúng tôi có hải cảng lớn nhất thế giới thu hút những con tàu đến từ khắp mọi nơi trên Trái đất này. Mong ước lớn nhất của tôi là được sống trong một ngôi nhà bên bờ nước. Thực không may mắn là tôi chỉ có thể thực hiện được điều này trong một thời gian ngắn khi còn là sinh viên ở Amterdam. Hồi đó tôi sống cạnh dòng sông Amstel. Tuy nhiên ngôi nhà thuê đó cũng chật chội kinh khủng và không có cửa sổ nên chẳng có gì liên quan tới sông hồ cả. Vì vậy mỗi lần đến Sài Gòn tôi rất thích chiêm ngưỡng sông Sài Gòn từ khách sạn Riverside. Tôi cũng đã đến sông Hồng và trong khoảnh khắc đi qua cầu, tôi nhớ lại chuyến đi thời ấu thơ cùng cha mẹ, ông bà tôi ở cầu Moerdijk.

* Tại sao ông lại viết nhiều về Việt Nam đến thế mà không phải là về chính quê hương ông?

- Tôi luôn bị hấp dẫn bởi tất cả những gì tôi nhìn thấy trên thế giới này, mọi thứ ở Nga, ở Ucraina, Lithuania, Estonia, Latvia... Bất cứ nơi nào tôi đến, mọi thứ xung quanh đều là một thách thức khiến tôi phải viết về chúng. Thậm chí cả những điều xảy ra ở nơi tôi chưa bao giờ tới. Tỷ dụ như tôi được tiếp xúc với nhiều người Nam Tư ở Hà Lan, tôi cũng đọc nhiều về Thế chiến I và II, từ đó tôi viết một bài thơ về cuộc chiến ở bán đảo Balkan từ năm 1914 đến thập niên 90 thế kỷ trước. Tôi yêu mến Việt Nam kể từ lần đến đầu tiên năm 2004, từ đó tôi coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở nơi nào có tình yêu thì ở nơi đó ta có lý do để viết về những gì ta nhìn thấy và cảm nhận, những gì ta quan tâm và yêu mến.

* Ông còn muốn viết thêm những gì về Việt Nam nữa trong các cuốn sách sắp tới?

- Trong tất cả những chuyến đi đến Việt Nam, mọi thứ xung quanh đều mang đến những ý tưởng mới cho các bài thơ của tôi. Cho nên tôi sẽ tiếp tục viết thơ về Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc và vinh dự vì những bài đó đã được dịch (một số bài đã được in trên báo Văn Nghệ - PV). Tôi đang viết một cuốn ký sự về Việt Nam, viết hàng ngày, đó là những gì sau khi tôi tiếp xúc với văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Cả một số truyện ngắn về Việt Nam nữa. Đây là một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng và nghiêm túc. Cho đến giờ thì tôi đã viết được 400 trang rồi, viết bằng tiếng Anh và đang đi tìm nhà xuất bản.

* Còn về bức tranh của văn học Việt Nam mà ông nhìn thấy?

- Tôi đã đọc một số tác phẩm văn học Việt Nam với điều kiện đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Hà Lan. Còn thì tôi không thể đọc văn học Việt Nam theo cách mà người Việt đọc. Nhưng nói chung tôi đọc bất cứ thứ gì mà tôi tìm thấy về Việt Nam, đặc biệt là hay mua từ hiệu sách ưa thích của tôi ở Hà Nội là Bookworm. Tôi thích đọc các tác phẩm cổ điển như Kim Vân Kiều, Chinh phụ ngâm... Tôi cũng sưu tập các chuyện kể dân gian rồi dịch chúng sang tiếng Hà Lan. Tôi thích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, một tấm gương tuyệt vời phản ánh xã hội Việt Nam vào thập niên 30 thế kỷ trước.

Tôi cũng đã đọc Bảo Ninh, cả Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh và nhiều cuốn sách tiểu sử về Người như Búp sen xanh của Sơn Tùng. Một trong những cuốn sách ưa thích nhất của tôi là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra của Hồ Anh Thái, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp.

Về những cuốn sau này thì tôi thích Ngọc Viễn Đông của Nguyễn Thị Minh Ngọc, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Viên kim cương đen của Di Li với những câu chuyện hài hước. Còn nhiều cuốn sách khác nữa mà tôi đã đọc nhưng có thể quên mất tên, tuy nhiên có một cuốn tôi vừa tìm mua được ở Bảo tàng Hồ Chí Minh hồi năm ngoái thì tôi không muốn bị quên hay bỏ sót, cuốn sách ấy dạy cho tôi nhiều điều về sự sáng tạo, trí tưởng tượng và nghệ thuật viết. Đó là cuốn Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo.

* Rất cảm ơn nhà thơ Dick Gebuys.

Nội Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm