Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký

15/05/2024 07:22 GMT+7 | Văn hoá

Tạp chí Nam phong tồn tại 17 năm (1917 - 1934), với rất nhiều đóng góp tiên phong về quốc văn mới, về phổ biến học thuật, về giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử… từ Đông sang Tây. Mảng du ký trên Nam phong cũng rất đáng lưu ý, phản ánh nhiều phương diện của một thời đại.

Bộ Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí (2 tập, gần 1.800 trang) do PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu, vừa tái bản, với nhiều chỉnh lý, bổ sung, có thể phác họa được một phần nào sự đa diện của tạp chí này.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn thì vẫn có thể mở rộng tuyển thêm vài ba tác phẩm nằm ở đường biên thể loại du ký, pha trộn và in đậm phong cách ký sự, biên khảo, du khảo, du ký công vụ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn tặng “Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí” cho Thư viện quốc gia Pháp, tháng 3 - 2024. Ảnh: TL

* Thưa anh, ý tưởng thực hiện tuyển tập các bài du ký đến với anh như thế nào?

- Trên thực tế, tôi chuyên về nghiên cứu 10 thế kỷ văn học trung đại. Qua 20 năm, đặc biệt từ khoảng năm 2000 tới nay, tôi chuyển mạnh sang hoạt động sưu tầm, biên soạn, giới thiệu văn học giai đoạn đầu thế kỷ 20. Bên cạnh di sản Thơ mới, tôi thấy dòng văn du ký có sức hấp dẫn riêng, hướng tới khám phá những miền đất mới, thiên về đặc tính tao nhã, "vị nghệ thuật", tạo nên sự cân bằng với dòng văn học hiện thực phê phán vốn nghiêng về "tố khổ", phản kháng, tranh đấu...

Có thể coi tâm thế văn chương du ký như một phương diện biểu cảm cái đẹp, phẩm chất giá trị tinh thần và sức sống con người ngay cả dưới chế độ phong kiến, thực dân. Thêm nữa, việc khôi phục dòng văn học du ký chính là góp phần bù lấp khoảng trống văn hóa - văn học sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 mà một thời chúng ta từng xem nhẹ, thậm chí phê phán một chiều…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 2.

Bộ “Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí” vừa phát hành

* Vậy thì dung lượng, vai trò, vị thế của du ký so với các chuyên mục, chuyên đề, chủ đề khác trên "Nam Phong tạp chí" ra sao?

- So với các chuyên mục, chuyên đề, chủ đề khác, mới xem qua dễ tưởng bộ phận văn học du ký không thật nổi bật, thậm chí khá nhẹ đồng cân, theo quan niệm một thời.

Lý do bởi tác phẩm thường gắn với đội ngũ tác giả trí thức bậc cao, giới thượng lưu, "nhà có điều kiện"; gắn với các cuộc du ngoạn, du lịch, khám phá những vùng đất mới mang màu sắc hưởng thụ, nhàn tản, "vị nghệ thuật", có phần cách biệt với cuộc sống đời thường đói nghèo, dân dã, lầm than.

Dòng văn học du ký lại chịu thêm những thành kiến từng coi Nam phong tạp chí chỉ phục vụ lợi ích chế độ thực dân, mà không chú ý đến hoàn cảnh lịch sử, tinh thần "thổ nạp Âu - Á" cũng như những nỗ lực hướng về dân tộc và tiến bộ xã hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền

* Nếu xét về đặc điểm thể loại và nội dung tiếp cận, thì có những điều gì đáng lưu ý, hoặc nổi bật?

- Mặc dù chỉ tồn tại 17 năm (1917 - 1934) nhưng du ký trên Nam phong tạp chí đã tạo lập được cả một "thời đại du ký", ghi nhận sự vận động, biến đổi, phát triển về mặt thể loại.

Quan sát theo chiều lịch đại có thể thấy du ký ngày càng gia tăng tính văn chương, tính thời sự, cụ thể, phổ cập, đại chúng và giản lược dần phong cách khảo cứu địa - văn hóa, trích dẫn truyện danh nhân, lịch sử, thơ ca cổ kim (kể cả dẫn thơ của chính mình)...

Nhận diện đồng đại thì thấy có 3 thế hệ tác giả đan xen nhau gắn với 3 phương thức thể loại: 1) Lớp Nho học thiên về du ký khảo cứu, nặng về phân tích đạo lý (Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, Thiện Đình Đặng Xuân Viện, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim…); 2) Lớp trí thức văn sĩ tiếp nhận Tây học thiên về nhận diện xã hội, hướng đến thước đo văn minh, tiến bộ, cải cách (Phạm Quỳnh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đông Hồ…); 3) Lớp văn sĩ trẻ đậm chất lãng du, nghệ sĩ (Nguyễn Văn Kiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Mộng Tuyết, Trúc Phong…).

Nhìn rộng ra, đặc tính thể loại du ký trở nên đa diện, sinh động nhờ sự xuất hiện cả du ký đoản thiên và trường thiên, trong nước và nước ngoài, có sự đan xen đậm nhạt các phong cách diễn ngôn ghi chép, tường thuật, ký sự, nhật ký, khảo cứu, du ngoạn, công vụ, hồi tưởng và nhiều phương diện liên quan du lịch học, xã hội học, dân tộc học, địa phương học…

Đến đây cũng cần nhấn mạnh sự phân biệt giữa đặc tính thể loại (thiên về hình thức diễn ngôn, sự giao thoa, kết hợp giữa các thể thức văn xuôi, thơ ca và trữ tình ngoại đề…) với đặc tính thể tài (chú trọng hơn ở phía đề tài, chủ đề, chủ điểm, phía nội dung, vai trò chủ thể tác giả và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết…). Cần ghi nhận thực tế sự tồn tại thể loại - thể tài như là những hệ quy chiếu khác nhau về cùng một dòng văn du ký…

"Du ký xưa lưu giữ chứng tích và ký ức văn hoá dân tộc bằng ngôn từ nghệ thuật" - PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn.

* Chúng có gì khác với du ký thời nay không?

- Có thể thấy tốc độ trình diễn của du ký giai đoạn đầu thế kỷ 20 chậm hơn, trực diện hơn, chi tiết cụ thể hơn, xác định điểm tựa đạo lý đậm hơn.

Du ký thời nay mở rộng cả biên độ không gian và thời gian, trở nên đa dạng và sinh động hơn, coi trọng sự trải nghiệm, thưởng ngoạn và tận hưởng cá nhân nhiều hơn, hướng tới giá trị tinh thần "vị nghệ thuật" nhiều hơn.

Tất nhiên, cần chú ý rằng, con người thời nay "du ngoạn", tiếp cận các thắng tích bằng nhiều phương tiện truyền thông hiện đại nên nguồn cảm hứng và cách viết văn du ký cũng khác xưa nhiều…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 5.

* Du ký thường "né" được phần nào tính thời sự, đây có phải là điều thú vị cho độc giả sau cả thế kỷ đọc lại?

- Như tôi đã nói trên, dòng văn du ký nói chung (kể cả du ký thời nay) có phần nghiêng về tầng lớp trên, cách biệt cuộc sống đời thường lầm than. Điều này thể hiện rõ ở tác giả dòng văn du ký thường thuộc tầng lớp khá giả, có điều kiện du ngoạn (du lịch) hoặc hoạt động công vụ (việc quan, việc nước, sự vụ, nhiệm vụ), đặc biệt phải có vốn tri thức sâu rộng và trên hết là sự yêu thích, ham thích, đam mê viết du ký. Vậy nên họ thường là các ký giả, trí thức, nhà giáo, văn sĩ, bác sĩ, quan chức có viết văn và yêu văn chương.

Trong điều kiện giao lưu giữa các vùng miền còn nhiều khó khăn, người đọc du ký đầu thế kỷ 20 thực sự được hân hoan thụ hưởng tác phẩm trong tâm thế "Ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm"…

Người đọc thời nay đọc lại du ký 100 năm trước chí ít có thêm 2 sự thú vị. Thứ nhất, du ký xưa lưu giữ chứng tích và ký ức văn hóa dân tộc bằng ngôn từ nghệ thuật, trong đó còn tàng trữ nhiều hoành phi, câu đối, thơ ca, thư tịch Hán - Nôm ở nhiều di tích lịch sử, nơi danh lam thắng cảnh, đình, đền, chùa, miếu (nhất là những nơi sau này đã bị phá bỏ). Thứ 2, đọc du ký rồi đến thăm các điểm di tích và thắng cảnh sẽ có điều kiện so sánh, đối chiếu, chiêm nghiệm cảnh quan thời nay với 100 năm xưa…

Cần nói thêm, loại văn liệu này đặc biệt hữu ích với tất cả các nhà du lịch học, các chuyên gia, giới nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa và hướng dẫn viên du lịch. Họ không chỉ cần thuộc những bài học giáo trình về định hướng phát triển du lịch chung chung mà rất cần hiểu biết cội nguồn và nền tảng tri thức lịch sử, văn hóa, cảnh quan ở từng điểm di tích, thắng cảnh cụ thể.

Tôi đã gặp nhiều hướng dẫn viên am hiểu cổ kim, đọc rộng biết nhiều (trong đó có đọc tác phẩm du ký thời trung đại và cận - hiện đại), song cũng gặp rất nhiều hướng dẫn viên tào phào (pha trò tào phào, kể chuyện tào phào, tiếu lâm tào phào và hát hò tào phào)… Phải chi các nhà quản lý, cơ sở đào tạo và từng hướng dẫn viên ngành du lịch quan tâm nhiều hơn đến dòng văn du ký và nền tảng tri thức tích hợp trong di sản văn du ký.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 6.

* Riêng anh thì thích những bài hoặc tác giả du ký nào trên "Nam phong tạp chí"? Vì sao?

- Tôi thích các du ký trường thiên nhiều hơn, vì bản thân dung lượng tác phẩm đã cho thấy bút lực cũng như khả năng phản ánh, bao quát đời sống hiện thực rộng lớn của tác giả. Đọc du ký trên Nam phong có thể gặp nhiều trang viết thể hiện sự hào sảng khi được thưởng ngoạn những miền đất mới biển rộng sông dài nhưng cũng đau đáu nỗi niềm dân nước của Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Đông Hồ…

Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được những trang du ký trải đời, đau đời, thương đời, thương nước như Nguyễn Bá Trác kể lại "cuộc đi chơi phiếm", bôn ba suốt hơn 6 năm từ Sài Gòn - Nam bộ qua Bangkok (Thái Lan) - Hương Cảng (Trung Quốc) - Đông Kinh (Nhật Bản) - Thượng Hải - Nam Kinh - Quảng Tây - Quế Lâm - Bắc Kinh - Tứ Xuyên - Quảng Đông (Trung Quốc) và trở về nước (Hạn mạn du ký, 1920 - 1921)…

Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được cây bút du ký đạt tới tầm cao tri thức, xuất sắc cả về số lượng và chất lượng như nhà hoạt động xã hội, nhà báo,  học giả Phạm Quỳnh với những Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, Trẩy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Du lịch xứ Lào, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng… Đến nước Pháp và tham dự một buổi thảo luận về chính sách giáo dục, Phạm Quỳnh rút ra kết luận: "Ở một nước tự do có khác, bất cứ việc gì cũng có thể đem ra công chúng mà nghị luận được". Ông coi trọng nền văn hóa Pháp nhưng vẫn đặc biệt đề cao truyền thống lịch sử ngàn đời "dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi". Ông quyết đoán đề xuất việc học thành thục tiếng An Nam "nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài"; kể cả việc ông trung thực, mạnh bạo và cũng khá tự do khi viết về đức vua: "Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tầu, kèn trống thổi mừng, quân quan đứng tiễn. Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ hai giờ đến bốn giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài mà không dứt" (Pháp du hành trình nhật ký, 1922-1925)...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn: 17 năm tạo lập cả một thời đại du ký - Ảnh 7.

Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được những trang viết tâm huyết, am hiểu quê hương xứ sở như thi sĩ Đông Hồ gắn bó với thắng tích vùng duyên hải và biển đảo Kiên Giang trong chuyến khởi hành từ Hà Tiên đi qua Cần Giọt, Hòn Ráng rồi chuyển tàu thủy đi Phú Quốc. Tại Phú Quốc, trải suốt mười ngày, đoàn nhà giáo làm việc và qua thăm Dương Đông - Giếng Tiên - Suối Đá - Suối Mây - Cửa Cạn - Cửa Dương - miếu Lăng Ông - chùa Sùng Hưng - chùa Quảng Tế - Hàm Ninh - Bãi Bổn - Ghềnh Gió rồi lên tàu trở về… Đây là lời kết cho một chuyến du ngoạn: "Rạng đông, tàu về đến cửa Kim Dữ, mười ngày trải qua như trong chớp mắt, khách lữ hành mơ màng như người trong mộng" (Cảnh vật Hà Tiên, 1930)...

* Được biết anh cũng đang làm các tuyển tập hoặc các bộ du ký khác, có thể tiết lộ vài nét không?

- Tính đến nay tôi đã cho xuất bản gần 10 tập sách du ký và đang trên đường hoàn thành tiếp hơn 10 tập du ký mới. Sách du ký gồm nhiều loại: Tuyển tập, toàn tập, biệt tập và hợp tập theo loại báo và tạp chí, tác giả và kiểu tác giả, vùng miền và quốc gia, khu vực và thế giới… Tôi đặc biệt kỳ vọng sẽ phối hợp với ngành du lịch xuất bản bộ tổng tập du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, ước tính nhiều ngàn trang…

Tôi nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói, một nền văn học chỉ chăm chăm lo toan về cái bụng, cái đói thì khó có tư tưởng và tác phẩm lớn được. Trong điều kiện xã hội phát triển, văn du ký hướng đến phát hiện cái đẹp, cái mới, cái khác nên có thể góp phần khơi gợi, bồi dưỡng phẩm chất chân, thiện, mỹ cho mọi con người…

* Cảm ơn anh.

Vài nét về PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn

Sinh năm 1959 tại Trường Sơn, Lục Nam, Bắc Giang. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập tạp chí Văn học… Hiện làm việc tại Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các tác giả trong "Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí"

Tập 1 gồm: Phạm Quỳnh, Nguyễn Phan Lãng, Đạm Phương nữ sử, Nguyễn Mạnh Bổng, Phan Tất Tạo, Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Bá Trác, Lê Đính Thắng, Vũ Khắc Tiệp…

Tập 2 gồm: Đông Châu, Tùng Vân, Nguyễn Mạnh Hồng, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Viện, Nguyễn Thế Xương, Nguyễn Trọng Thuật…

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm