Nhà báo Hoài Linh: Tôi đã có trong đầu tác phẩm giải Nhất

13/11/2014 09:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh, Trưởng phòng ảnh báo Tuổi trẻ là một trong ba thành viên ban giám khảo Cuộc thi “Giải thưởng Tài năng 2014 – Biến đổi khí hậu qua ảnh”. Bằng góc nhìn của một nhà báo chuyên mảng nhiếp ảnh, nghệ sĩ Hoài Linh có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa.

* Với đề tài “Biến đổi khí hậu qua ảnh”, ông nhận thấy các tác phẩm trong cuộc thi này đã đạt được thông điệp mà chủ đề đưa ra?

- Cuộc thi đã quy tụ được nhiều tay máy trẻ có tuổi đời từ 18 – 35. Tất nhiên, người trẻ có các góc nhìn tươi mới theo cảm quan riêng của họ. Nhiều tác phẩm dự thi đã đạt được thông điệp của đề tài. Câu chuyện biến đổi khí hậu có tầm nhân loại chứ không riêng một quốc gia nào. Đây là vấn đề lớn mà con người sẽ đối mặt trong tương lai. Do đó, các tay máy được thoải mái sáng tạo, cũng như ghi nhận lại thực tiễn đang diễn ra về môi trường sống xung quanh.


Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh

* Trong các cuộc thi, ban giám khảo thường bị áp lực, nhất là người làm nghề nhiếp ảnh lại đi chấm ảnh của đồng nghiệp. Ông có bị áp lực bởi các tên tuổi cùng nghề dự thi không?

- Khi chấm ảnh, chúng tôi không hề bị chi phối bởi tên tuổi của bất cứ ai. Đây là cuộc thi của người trẻ tuổi dưới 35, nên hình như có rất ít tay máy chuyên nghiệp tham gia. Ban giám khảo chỉ tập trung vào chất lượng ảnh là chính. Chúng tôi chấm ảnh qua mạng internet và cả ba giám khảo đều có sự thống nhất cao khi chọn ra những tác phẩm chất lượng. Ngày 19/11 tới đây, ba giám khảo chúng tôi mới gặp mặt trực tiếp để quyết định những tác phẩm đoạt giải. Hiện chỉ có 50 tác phẩm được chọn triển lãm. Giữ bí mật kết quả đến phút chót cũng là nét mới ở một cuộc ảnh.

* Được biết, cuộc thi này chỉ nhận có 120 tác phẩm dự thi, số lượng như thế là quá khiêm tốn không, thưa ông?

- Đề tài cuộc thi này rất thú vị về môi trường sống đang thay đổi hàng ngày. Tôi nghĩ, cuộc thi “Giải thưởng Tài năng” diễn ra hàng năm nên mở rộng các đề tài có tính chất xã hội như cuộc thi lần này, như thế sẽ rất hữu ích trong việc nâng cao nhận thức của nhiều người về cuộc sống quanh mình. Tuy nhiên, trong thời đại ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia với các loại máy chụp hình, và kể cả điện thoại cũng giúp người ta chụp được hình đẹp, thì kết quả chỉ có 120 tác phẩm dự thi là quá khiêm tốn. Có lẽ, Ban tổ chức cần quảng bá hơn nữa để càng nhiều người biết dự thi càng tốt. Bởi, càng có nhiều người dự thi thì tự thân hành động dự thi của họ cũng tạo thành một ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường.

* Với kinh nghiệm cầm máy lâu năm, theo ông tác phẩm đoạt giải cuộc thi này cần những yếu tố gì?

- Tác phẩm đoạt giải như thế nào phải đợi đến phút chót ban giám khảo chúng tôi họp với nhau mới quyết định. Tuy nhiên, tác phẩm tốt luôn đọng lại trong đầu người xem dù chỉ là xem qua một lần. Với cá nhân tôi, tác phẩm đoạt giải nhất đã có trong đầu tôi rồi, tác phẩm này xem một lần là ấn tượng ngay. Tôi tin rằng, người xem triển lãm cuộc thi này sẽ ấn tượng với tác phẩm sẽ đoạt giải như các thành viên ban giám khảo chúng tôi. Còn cụ thể thế nào phải chờ đến phút chót theo “luật chơi” đã đưa ra.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm