Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 9): Cùng thợ cả đúc đồng phân loại tượng khối Đông Sơn

07/12/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Trên diễn đàn khoa học, tượng khối Đông Sơn được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Và tôi bám theo tư duy gắn với kỹ thuật của những thợ Đông Sơn để phân thành 2 loại chính, đó là loại A: Tượng khối được đúc gắn liền với hiện vật và loại B: khối tượng là một phần rời của một hiện vật đồng khác.

1. Trước hết, đó là loại A: Tượng khối được đúc gắn liền với hiện vật. Trong trường hợp này là tượng trên cán dao găm, cán muôi nghi lễ, tượng trên khóa thắt lưng, vòng đeo tay, tượng chân đèn và những khối tượng lễ nghi dùng để treo hay lắp vào đế gỗ… Đối với thợ cả Đông Sơn, đây là việc tạo mẫu và chế khuôn để đúc ra một hiện vật dùng ngay cho các chủ nhân đặt hàng.

Bên cạnh đó là loại B: Khối tượng là một phần rời của một hiện vật đồng khác. Thành phẩm đúc xong sẽ dùng để gắn vào khuôn đúc hay đính tán vào hiện vật đúc sẵn.

Thợ cả trong trường hợp này sẽ vẫn tạo mẫu và tạo khuôn như trường hợp A, nhưng có tính đến đúc thêm phần chân đế để gắn vào hiện vật kia. Đây là trường hợp phổ biến đối với các tượng trên đồ đựng như bình, thạp, lồng ấp trầm, quang đèn, hoặc mặt, quai trống đồng. Những cặp đôi trong tư thế giao ái trên nắp thạp Đào Thịnh nổi tiếng và các tượng cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn giai đoạn muộn là thuộc loại này.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 9): Cùng thợ cả đúc đồng phân loại tượng khối Đông Sơn - Ảnh 1.

Dao găm đồng Đông Sơn có tay cầm đúc liền hình đôi rắn cuộn nhau dùng miệng đỡ chân voi trên lưng mang trống đồng (ảnh trái) và dao có đôi rắn quân đỡ hổ (bản vẽ bên phải). Cả hai khai quật ở Làng Vạc (Nghệ An) năm 1972 - 1973

Nhiều khi, chúng ta phát hiện được những tượng rời đó - như tượng người ngồi ở Gò Mun năm 1974, tượng cóc trong cuộc khai quật của tôi tại Gò Ghệ (Thanh Đình, Phú Thọ) năm 1971, tượng người dắt chó ở Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) năm 1987 - và chúng hay bị các nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại tưởng nhầm là nghệ thuật tượng rời độc lập. Nhưng, như tôi đã từng nhấn mạnh ở các bài trước đó: Cư dân Đông Sơn chưa phát triển đến trình độ thẩm mỹ tượng rời, mà chủ yếu là tượng trang trí cho đồ vật, như cách chúng ta vẫn định danh bằng thuật từ "mỹ thuật ứng dụng"  (applied art).

Và trong chuyên mục "rì rầm" hôm nay, tôi muốn bắt đầu với các bạn về hệ thống tượng loại A. Chắc chắn đây sẽ là cả một series dài nhiều tập mới có thể chuyển tải hết hàng trăm hiện vật dạng này trong khối tư liệu tôi đã gom góp được từ các bảo tàng và sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Loạt bài sẽ xoay quanh mấy chủ đề lớn, như: A1- tượng cán dao găm; A2- tượng khóa thắt lưng, vòng đeo tay; A3- tượng muôi đồng; A4- Tượng chân đèn; và A5- các khối tượng lễ nghi…  Riêng hệ thống tượng trang trí trên cán dao găm cũng cần mô tả trong nhiều kỳ, như : tượng thú và tượng người. Trong tượng người sẽ có tượng đơn các thủ lĩnh nam, tượng đơn các thủ lĩnh nữ, tượng đôi hai người, tượng hổ đỡ voi đơn và tượng hổ đỡ voi chở người, và những tượng người cá biệt (thổi kèn, sinh đôi, mẹ cạo tóc cho con...) .

2. Mới "kể lể" xong phần mở đầu phân loại đã hết một phần ba dung lượng câu chuyện dành cho hôm nay. Trong khoảng ngót nghét 1000 chữ nữa, tôi sẽ bắt đầu với nhóm tượng trên cán dao găm đầu tiên: Tượng thú.

Trên thế giới, việc dùng các khối tượng để làm cán dao không phải chỉ có trong nghệ thuật Đông Sơn. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng cư dân Đông Sơn đã đưa nghệ thuật đó trở thành phổ biến và đỉnh cao đương thời. Văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc) là nền văn hóa đúc khối tượng trang trí vào loại nhiều nhất trên thế giới, nhưng khối tượng trang trí trên cán dao găm Điền không nhiều và đa dạng, độc đáo như Đông Sơn.

Về nguồn gốc sâu xa, không ít nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã nhắc đến mối liên hệ với lối tạo tượng trên cán dao găm đồng sớm ở vùng Trung Á. Đúng là có một số bằng chứng về mối liên hệ này, nhưng theo tôi là không trực tiếp mà đã ánh xạ qua nhiều tầng giao lưu văn hóa trước đó.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 9): Cùng thợ cả đúc đồng phân loại tượng khối Đông Sơn - Ảnh 2.

Chi tiết vòng xoắn bên cạnh chắn tay dao găm Đông Sơn, loại dao thường có khối tượng người, thú làm tay cầm. (Sưu tập CQK-California, Mỹ)

Loại dao găm Đông Sơn được chọn để đưa các khối tượng vào tay cầm chủ yếu là loại dao găm có đặc trưng uốn cong hai đầu, phần chắn tay thành dạng xoắn ốc (spiral). Khi đúc, người thợ đã cố tình để một phần râu ăng-ten dài ra rồi uốn cuộn lại, ém gọn vào khe chờ sẵn hai bên lưỡi dao.

Như đã từng nhắc đến trong các bài trước, loại dao găm này ngoài kiểu dùng các khối tượng người thú làm tay cầm còn phổ biến hai kiểu tay cầm đơn giản hơn là đốc hình ngang chữ T và đốc hình củ hành đặc hoặc trổ lỗ. 

Tượng thú được chọn làm cán dao găm Đông Sơn hiện thấy là: rắn, cá sấu, hổ, voi.

"Hầu hết voi thể hiện trên tượng cán dao găm đều là voi nhà, tức voi mang bành dùng trong di chuyển của quý tộc thủ lĩnh Đông Sơn" - TS Nguyễn Việt.

3. Về nhóm cán dao găm tượng rắn, hãy nhắc lại cuộc khai quật tại Làng Vạc (Nghệ An) năm 1972 - 1973. Diễn ra dưới những trận bom rải thảm B52 của Mỹ ra miền Bắc là một cuộc khai quật rất thành công của nền khảo cổ học Việt Nam. Nhiều ngôi mộ chôn trong vò gốm, kè đá mang theo trống đồng, vòng ốp có nhạc và nhất là các dao găm đồng có cán tượng người, thú. Trong đó, hai con dao găm nhỏ có phần chuôi được tạo tác rất nghệ thuật gồm hai con rắn quấn thân nhau, dùng miệng đỡ một con voi, trên lưng con voi mang bành chở một trống đồng đặt ngửa và một dao là hai rắn đỡ hổ.

Quả đây là một sáng tác mang nhiều ý tưởng nghệ thuật tâm linh của thợ đúc Đông Sơn.

Rắn là một vật linh của văn hóa Điền. Rắn thần cũng được dùng làm cán cho dao găm và vũ khí của văn hóa Điền. Trong nền văn hóa láng giềng với Đông Sơn này có nhiều tấm đồng dùng đeo ngực hay khóa thắt lưng, nghệ nhân tạo khuôn rót phù điêu hình tượng trăn, rắn chiến đấu với thú dữ bảo vệ gia súc và người.

4. Tiếp đến là câu chuyện về tượng hổ và voi. Cùng với những khối tượng hình rắn trên vòng tay (mà phần sau sẽ đề cập đến) thì những đôi rắn cuốn nâng voi, hổ trong văn hóa Đông Sơn ở Làng Vạc rất đáng chú ý. 

Ngay ở hai con dao rắn quấn thừng nêu trên thì voi và hổ đã là hai con vật được thợ Đông Sơn lựa chọn tôn vinh. Trong phần nói về thú thiêng Đông Sơn tôi đã nhắc đến hai loài thú này. Hổ còn thấy ở một loại hình mô-típ với chức năng như rắn trên cán dao găm Đông Sơn đó là đôi hổ áp sát bụng vươn đỡ chân voi.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 9): Cùng thợ cả đúc đồng phân loại tượng khối Đông Sơn - Ảnh 5.

Phần cán và toàn thể dao găm Đông Sơn thể hiện đôi hổ đỡ voi mang bành thuộc sưu tập Bảo tàng Barbier - Mueller (Geneva, Thụy Sĩ)

Ta hãy ngắm hình đôi hổ đỡ voi trên cán dao găm Đông Sơn đặc trưng phong cách Làng Vạc: Đôi hổ được nghệ nhân thể hiện những vệt lông vằn đặc trưng và cái đầu hình khối tròn có đủ mắt, tai. Hai chân trước đôi hổ đan chéo hình chữ "X" ôm thân voi trong khi dùng miệng cặp đỡ chân voi. Hai chân sau cùng đuôi làm thành thế kiềng ba chân vững chãi. Đuôi mỗi con hổ kéo dài tạo thành chắn tay cong hình sừng trâu quen thuộc. Hình tượng hổ đỡ voi này rất điển hình. Cho đến nay đã phát hiện hàng chục chiếc, tập trung ở vùng Làng Vạc (Nghệ An).

Voi trong các khối tượng cán dao này luôn ở thế thượng phong, cao quý hơn tất cả, có lẽ bởi nó luôn gần gũi nhất với chủ nhân. Hầu hết voi thể hiện trên tượng cán dao găm đều là voi nhà, tức voi mang bành dùng trong di chuyển của quý tộc thủ lĩnh Đông Sơn. Trên cán dao găm mà tôi vừa mô tả, bành voi thể hiện rất rõ trên lưng. Mà hơn thế nữa lại là một chiếc bành có mái che như một tòa nhà vậy.

Tôi sẽ còn tiếp tục trở lại chủ đề voi, hổ này khi chúng ta quan sát các cán tượng vào loại đẹp nhất, khi thợ cả dồn sức thể hiện cả voi, hổ lẫn thủ lĩnh, shaman (thầy cúng) và quản tượng… 

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm