Ngôi sao 'Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên' Hersha Parady qua đời ở tuổi 78 vì u não

25/08/2023 15:38 GMT+7 | Giải trí

Hersha Parady, nữ diễn viên đóng vai Alice Garvey trong bộ phim truyền hình Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Little House on the Prairie), đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 78 sau cuộc chiến với căn bệnh u não.

Hersha Parady đã qua đời tại nhà con trai ở Norfolk, Virginia (Mỹ), theo The Hollywood Reporter. Trước đó, bà mắc căn bệnh u não và con trai là Jonathan Peverall đã kêu gọi mọi người quyên góp để có tiền trang trải viện phí.

Nguồn tin cũng cho biết trong khi chống chọi với căn bệnh này, Hersha Parady "bị cướp đi sức mạnh, trí nhớ và cả tính cách sôi nổi của bà".

Vai diễn cô giáo Alice đáng nhớ

Ngôi sao 'Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên' Hersha Parady qua đời ở tuổi 78 vì u não - Ảnh 1.

Hersha Parody bị bệnh nặng trước khi qua đời

Hersha Parady, còn được biết đến với tên thật là Betty Sandhoff, sinh năm 1945 tại Berea, Cuyahoga County, Ohio. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Berea vào năm 1963, Parady đã bắt đầu sự nghiệp diễn xuất tại Cleveland Play House và các nhà hát khu vực. Sau đó, bà di chuyển đến Los Angeles và được trao vai diễn đối đầu với Jon Voight trong vở kịch A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng).

Hersha Parady nổi tiếng nhất với vai diễn trong loạt phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên vào cuối những năm 1970. Trong phim, bà thủ vai cô giáo Alice Garvey, hàng xóm của gia đình Ingalls. Bà đóng đôi cùng cựu ngôi sao bóng bầu dục NFL Merlin Olsen.

Vai diễn này được coi là thành công nhất trong sự nghiệp của Parady. Bà xuất hiện trong 35 tập phim. Nhân vật Alice Garvey đã trải qua một kết cục đáng thương. Alice Garvey qua đời trong một vụ cháy tại trường học khi cố gắng cứu con trai sơ sinh của hai nhân vật Mary và Adam (do Melissa Sue Anderson và Linwood Boomer đóng).

Trong suốt sự nghiệp của mình, Parady đã tham gia vào nhiều dự án điện ảnh và truyền hình khác nhau, bao gồm các phim Mannix, Unsolved Mysteries, Second Noah, The BreakCourage.

Parady kết hôn với nhà sản xuất John Peverall - từng giành giải Oscar cho Phim hay nhất vào năm 1979 với tác phẩm The Deer Hunter (Kẻ săn hươu). Cặp đôi chỉ có một người con trai là Jonathan Peverall.

Loạt phim đình đám một thời

Ngôi sao 'Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên' Hersha Parady qua đời ở tuổi 78 vì u não - Ảnh 2.

Hersha Parady đảm nhận vai Alice Garvey trong ba mùa của loạt phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"

Trong thập kỷ 1970, thế giới đã chứng kiến giai đoạn hậu cách mạng công nghiệp, khi truyền thông đại chúng và nghệ thuật bắt đầu cảm nhận những rối loạn tâm lý xã hội mà chưa có đủ phương pháp tiếp cận và miêu tả. Đặc biệt, với sự chuyển biến mạnh mẽ của Chiến tranh Lạnh từ xung đột vũ khí sang sự phá hoại dần các giá trị đạo đức xã hội, đặc biệt là trong gia đình và các mối quan hệ bạn bè.

Ở Bắc Mỹ thời điểm đó, giới trẻ mất đi lòng tin vào cuộc sống. Những người Mỹ sinh sau Thế chiến II đã trải qua sự thay đổi từ việc theo đuổi trào lưu Beatlemania (khái niệm để nói về hiện tượng hâm mộ The Beatles), cuồng nhiệt với phong cách hippie, cho đến rơi vào vết xe đổ của ma túy và băng đảng, dẫn đến sự suy tàn của tiêu chuẩn gia đình kiểu Mỹ.

Trước thực trạng này, nhà sản xuất truyền hình Ed Friendly đau đáu thực hiện một bộ phim thể hiện chân thực nhất bản chất xã hội Mỹ đương thời, chí ít về khía cạnh tâm lý. Theo sự gợi ý của vợ và con gái nhỏ, ông bèn thử loạt tiểu thuyết Ngôi nhà nhỏ của tác giả Laura Ingalls Wilder - một trong những ấn phẩm bán chạy nhất ở thập niên 1930. Cuối cùng, ông quyết định tiến hành chuyển thể tác phẩm này thành phim truyền hình.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên khởi chiếu từ tháng 3/1974 cho đến tháng 3/1983, với 204 tập phim, chia làm 5 mùa. Tại Việt Nam, phim được phát sóng trên VTV3 từ năm 1996-1997.

Thành công của bộ phim không chỉ đơn thuần là một nguồn lợi phi thường cho nhà sản xuất và đài NBC, mà còn trở thành một hiện tượng giải trí gây chấn động xã hội Mỹ trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ 20, đồng thời mang theo sự tiến hóa mạnh mẽ trong phong cách làm phim truyền hình trên toàn cầu.

Phim cũng được coi như một "liều thuốc" hiệu quả nhất để an ủi những vết thương tinh thần trong xã hội Mỹ từ sau Thế chiến II, và trở thành chương trình truyền hình được người Mỹ mong chờ nhất hàng ngày trong suốt giai đoạn cuối của thế kỷ 20.

Thành Quách (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm