Châu Âu tính kế truy thuế các đại gia công nghệ Mỹ

09/12/2012 09:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây Coca - Cola Việt Nam, một trong những doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thị phần lớn nhất nhì Việt Nam, đã gây sốc khi liên tục tăng doanh thu nhưng vẫn báo lỗ tới cả ngàn tỉ đồng. Giới quan sát nghi ngờ công ty đã sử dụng các biện pháp tinh vi để trốn thuế trong nhiều năm. Tuy nhiên những hiện tượng này không phải hiếm trên thế giới và châu Âu, sau thời gian dài chịu thiệt hại vì tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia, đã quyết định phải có hành động can thiệp.

Mỗi năm các "ông lớn" trong làng công nghệ Mỹ như Google, Apple hay Amazon có doanh thu lên đến hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng họ vẫn luôn đóng một khoản tiền thuế rất thấp ở khu vực châu Âu.



Google, Starbuck và Amazon đang bị một số nước châu Âu cho là có hành vi trốn thuế một cách tinh vi

Doanh thu "khủng", đóng thuế bèo

Đơn cử như năm 2011, tập đoàn công nghệ Google báo cáo doanh thu đạt hơn 4 tỷ USD tại Anh. Tuy vậy, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà đại gia này tính toán phải đóng chỉ chưa đầy 10 triệu USD. Theo các quan chức sở thuế, nghị sĩ và cả những đối thủ của Google tại châu Âu, đây là điều rất bất hợp lý.

Trong bối cảnh chính phủ hầu ở hầu hết các nước châu Âu phải xoay sở đủ mọi cách để bù đắp lỗ hổng trong ngân sách, họ bắt đầu để mắt tới các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, đặc biệt là những hãng khổng lồ như Google hay Amazon.com, thường chỉ chịu nộp rất ít, thậm chí không nộp thuế ở châu Âu, mặc dù thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Trong cuộc điều trần nóng bỏng tại Hạ viện Anh hồi tháng 11, nghị sỹ Margaret Hodge đã chất vấn thẳng thừng đại diện Google, Amazon và Starburk: “Tai sao các ngài lại tìm cách thao túng báo cáo ở khắp nơi trên thế giới để không chịu trả thêm tiền thuế tại Anh ?”.

Tại Pháp, các quan chức sở thuế còn đi xa hơn. Amazon cho biết đã nhận được một hoá đơn đòi truy thu thuế và tiền phạt liên quan đến “phân bổ thu nhập giữa các vùng lãnh thổ nước ngoài” trong thời gian từ 2006 đến 2010.

Các công ty khác, gồm Google, cũng đã lọt vào trong tầm ngắm của nhà chức trách Pháp. Phát ngôn viên chính phủ Pháp Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố: “Cho dù Interrnet là không gian tự do, nó cũng không thể là khu vực vô luật pháp. Các quy định về thuế cũng phải được áp dụng cho các hoạt động của nó”. Tin từ Pháp cho biết nhà chức trách thuế nước này đang tìm cách truy thu thuế và phạt Google với số tiền phải đóng lên tới 1,7 tỷ euro.

Lách thuế bằng đủ chiêu trò

Google, Amazon, Starbuck và các công ty Mỹ khác nói họ không làm gì sai trái. Thực tế, các tập đoàn này sử dụng chiến lược kiểm toán hết sức phức tạp để khai thác sự chênh lệch trong biểu thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các nước châu Âu, có thể từ 10 đến 30%, và nhiều lỗ hổng chính sách khác, khiến cho mức thuế họ phải trả thấp tối thiểu, thậm chí bằng 0.

Chẳng hạn Google đăng ký tổ chức hoạt động kinh doanh ở khu vực châu Âu tại Ireland, nơi biểu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 12,5%. Khách hàng mua quảng cáo của Google sẽ ký hợp đồng trực tiếp với chi nhánh tại Ireland, chứ không phải từ chi nhánh quốc gia. Chưa hết, Google chỉ trả một phần rất nhỏ trong số thuế doanh nghiệp tại Dublin, nhờ các tính toán tinh vi hơn nữa. Ví dụ như công ty nêu việc họ phải trả chi phí bản quyền cho một đơn vị có trụ sở tận Bermuda để gây khó khăn cho công tác kiểm tra và làm tăng chi phí sản xuất, khiến tiền thuế phải đóng nhẹ hơn.



Giám đốc Google ở Anh Matt Brittin đã khẳng định công ty của ông không có sai trái gì về vấn đề thuế.

Nhờ đó, Google có thể báo cáo lại với Uỷ ban chứng khoán Mỹ rằng, mặc dù doanh thu của họ tại Anh lên đến 4 tỷ USD, nhưng “thực ra” chỉ còn 396 triệu bảng (629 triệu USD) trong bảng kết toán tài chính chính thức cuối năm. Số còn lại chi nhánh Google tại Anh phải “trả” cho Google Ireland để thanh toán chi phí tư vấn, xúc tiến bán hàng và nhiều hoạt động khác.

Chi nhánh Anh chỉ công bố lợi nhuận 31 triệu bảng, tương ứng với nó là số thuế 6 triệu bảng. Nhờ những thủ thuật này, Matt Brittin, Phó giám đốc Google phụ trách Bắc và Trung Âu có thể tuyên bố với quốc hội Anh rằng, họ luôn trả số thuế đúng với mức họ phải trả ở bất kỳ quốc gia nào.

Bà Margaret Hodge, người là Chủ tịch tiểu ban kiểm toán công của Hạ viện Anh cũng phải thừa nhận Google, Amazon và Starbucks có thể không làm gì sai. “Chúng tôi không cáo buộc các ông làm gì bất hợp pháp, mà chủ yếu về vấn đề đạo đức” - bà nói.

Tại Pháp, Amazon đã nhận được trát của sở thuế đòi nộp bổ sung 252 triệu euro, nhưng công ty cho biết đã phản đối và nộp đơn kiện lên một tòa án ở Mỹ. Hãng kinh doanh trực tuyến hàng đầu thế giới này đặt trụ sở cho chi nhánh châu Âu ở Luxembourg, quốc gia có rất nhiều ưu đãi về thuế với các tập đoàn đa quốc gia. Năm ngoái, hãng công bố 9,1 tỷ euro (11,6 tỷ USD) doanh thu trên khắp châu Âu, nhưng chỉ báo cáo lợi nhuận sau thuế 20 triệu euro và nộp 8 triệu euro tiền thuế.

Andrew Cecil, giám đốc phụ trách chính sách quảng cáo của Amazon châu Âu, nói với một ủy ban của Quốc hội Anh rằng khi khách hàng mua sách trên Amazon.com, họ mua từ cơ sở của hãng đặt tại Luxembourg, chứ không phải các chi nhánh địa phương. Nhưng bà Hodge phản đối, vì khi mua sách trực tuyến, khách hàng Anh mua qua trang amazon.co.uk, một trang web Anh, sau đó sản phẩm này lại được gửi đến tay khác hàng qua Bưu điện Hoàng gia Anh.

Châu Âu không phải là khu vực duy nhất đặt câu hỏi về mức thuế mà các đại gia công nghệ Mỹ đóng góp. Nhà chức trách Australia mới đây đã gửi cho Apple hóa đơn 28,5 triệu AUD (29,5 triệu USD) tiền thuế phải nộp thêm.

Loay hoay tìm cách thu thuế

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc xác định nghĩa vụ thuế đối với các công đa quốc gia rất phức tạp. Nhìn chung các thỏa ước quốc tế thừa nhận rằng thuế được thu tại nơi sinh ra lợi nhuận, chứ không dựa vào địa chỉ khách hàng hoặc địa điểm diễn ra giao dịch. Xác định chính xác thẩm quyền thu thuế, nhất là đối với với loại hình kinh doanh trên Internet, đặc biệt khó khăn, do bản chất phi vật thể của hàng hóa và dịch vụ được trao đổi, trong môi trường không biên giới.

Hiện các nhà làm luật châu Âu đang cố gắng đưa ra các biện pháp để thu thuế nhiều hơn từ các công ty đa quốc gia. Đầu năm 2012, Nghị viện châu Âu đã đề xuất một bộ quy tắc kiểm toán thống nhất để tính toán nghĩa vụ thuế thu nhập tập đoàn trong toàn bộ EU. Tuy vậy, các nghị sĩ chưa thống nhất liệu đó là các quy tắc bắt buộc, hay chỉ là biện pháp tự nguyện.

Chính quyền Pháp cho biết nước này đang thảo luận với các nước châu Âu về các biện pháp để chống lách thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Anh, George Osborne và Đức, Wolfgang Schauble, đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để thắt chặt hệ thống thuế đánh vào các tập đoàn lớn.

Ngọc Nhàn (theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm