Mỹ tiêu diệt nghi phạm đánh bom Boston: Hiện hình nguy cơ "khủng bố nội địa"

20/04/2013 07:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cảnh sát Mỹ vừa nổ súng tiêu diệt một nghi phạm đã thực hiện vụ đánh bom khủng bố Boston và tiến hành săn lùng nhân vật thứ hai có liên quan tới sự kiện. Việc tìm thấy nghi phạm khủng bố ở trong lòng nước Mỹ đã tiếp tục củng cố cho nhận định của các chuyên gia rằng trong thời gian tới, mối đe dọa từ những đối tượng này mới thực sự nghiêm trọng và công tác chống lại chúng là vô cùng khó khăn.

Với một quả bom gài vào ngực với quyết tâm tử chiến, một trong những nghi phạm thực hiện vụ đánh bom tại giải marathon Boston đã bị tiêu diệt vào sớm ngày 19/4.

Vụ đấu súng như trong phim

Nhưng trước khi bị bắn gục, Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, cùng đồng phạm, chính là người em trai, đã bắn chết một viên cảnh sát, cướp một cửa hàng 7 Eleven, cướp một chiếc xe SUV và ném thuốc nổ vào lực lượng cảnh sát truy đuổi.

Một nhân chứng tên Andrew Kitzenberg, 29 tuổi, người vùng Watertown, nói rằng anh đã được chứng kiến màn đấu súng giữa cảnh sát và hai nghi phạm ở ngay bên ngoài căn nhà của mình. Vụ nổ súng chấm dứt khi một trong những nghi phạm chạy về phía cảnh sát Watertown và đã ngã xuống đất. Kitzenberg không biết nhân vật này đã bị vấp ngã hay bị bắn. Tên còn lại tiếp tục lái xe chạy xuyên qua một hàng các viên cảnh sát ở cuối phố và tẩu thoát.

Tamerlan sau đó đã được đưa vào Trung tâm Y tế Trợ tế Beth Israel ở Boston, nơi y được tuyên bố đã chết. Richard Wolfe, trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện, nói rằng Tamerlan đã bị nhiều vết thương trên người. Có vẻ như đây là kết quả từ việc quả bom gài trên ngực y phát nổ và từ vết đạn xuyên của cảnh sát.

Gã em trai Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, hiện đang lẩn trốn và cảnh sát đã mở cuộc truy đuổi khổng lồ để bắt giữ nhân vật này. Hơn 1 triệu người ở Boston và vùng ngoại ô đã được yêu cầu ở trong nhà, khóa chặt cửa. Nhiều hoạt động tại Boston đã tạm ngưng để phục vụ cho cuộc săn lùng.


Đặc nhiệm Mỹ săn lùng Dzhokhar tại Boston

Không quen với văn hóa Mỹ

Ngay sau đó, chân tướng về hai nghi phạm khủng bố đã được báo chí Mỹ làm rõ. Cả hai đều được xác định đã sinh ra tại Chechnya hoặc Thổ Nhĩ Kỳ và đã tới Mỹ sống cách đây cả thập kỷ. Nhưng có vẻ như chúng đã không phù hợp với văn hóa Mỹ.

"Tôi chẳng có người bạn Mỹ nào cả. Tôi không thể nào hiểu họ" - Tamerlan từng nói với một nhiếp ảnh gia hồi năm 2009.

Theo một phóng sự ảnh về anh em nhà Tsarnaev xuất hiện và lan truyền nhanh trên mạng internet, Tamerlan đã từng mơ tới việc gia nhập đội tuyển đấm bốc Olympic của Mỹ.

Phóng sự ảnh này, với tác giả chưa được làm rõ, nói rằng Tamerlan đã rời khỏi Chechnya cùng gia đình sau cuộc xung đột diễn ra ở đây vào những năm 1990 và đã sống tại Kazakhstan khoảng 3 năm trước khi tới Mỹ. Tamerlan từng theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Bunker Hill với mơ ước trở thành một kỹ sư. Anh ta sau đó đã tạm ngưng học cả một học kỳ để luyện đấm bốc tại Trung tâm Võ thuật Wai Kru ở Boston.

Người em trai Dzhokhar Tsarnaev đã giành được một khoản học bổng trị giá 2.500 USD vào năm 2011 từ thành phố Cambridge. Hãng tin AP đã liên lạc được với cha của hai nghi phạm này là Anzor Tsarnaev, hiện đang sống ở Makhachkala, Nga. Ông nói rằng đứa con trai út của mình rất thông minh và được giáo dục. "Con trai tôi là một thiên thần thực sự" - ông Anzor nói - "Dzhokhar đang là sinh viên y năm thứ hai ở Mỹ. Nó thật thông minh. Chúng tôi đang chờ nó về nghỉ phép ở Nga".

Theo báo chí Mỹ, cả hai anh em nhà Tsarnaev đều theo Hồi giáo và khả năng đã được huấn luyện quân sự ở nước ngoài. Nhưng điều gì đã khiến chúng ra tay tiến hành vụ khủng bố làm 3 người chết và 176 người bị thương, hiện vẫn chưa được làm rõ.

Dzhokhar (phải) và anh trai Tarmelan

"Hiện tượng tự cực đoan hóa bản thân"

Có điều rõ ràng rằng vụ tấn công khủng bố do anh em nhà Tsarnaev gây ra đã cho thấy việc chống lại những kẻ cực đoan hình thành từ trong lòng nước Mỹ là công việc vô cùng khó khăn.

“Mối đe dọa từ Al Qaeda và nguy cơ cuộc khủng bố quy mô lớn nhằm vào Mỹ đã được giảm thiểu. Nhưng phong trào Hồi giáo cực đoan lại được truyền bá rộng rãi hơn" - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói hôm thứ 5 tuần này trong một cuộc điều trần tại Quốc hội - "Những kẻ ác tâm đơn độc,  những kẻ cực đoan nội địa và các nhóm lấy cảm hứng Hồi giáo cực đoan vẫn quyết tâm tấn công các lợi ích phương Tây".

Sự tiến bộ về mặt công nghệ và viễn thông đã khiến nhiều kẻ cực đoan đã có thể kết nối thành một tổ chức chung qua internet. Chúng được nhồi sọ tư tưởng cực đoan mà thậm chí còn không cần phải rời khỏi máy tính và rất manh động trong việc thực hiện các vụ khủng bố, nhằm gây chú ý tới thông điệp của mình.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có phải anh em nhà Tsarnaev đã có liên quan tới các tổ chức khủng bố? Nhà chức trách hiện vẫn đang tìm hiểu xem cả hai đã tự ý thực hiện vụ khủng bố hay đang chỉ thực hiện sự chỉ đạo từ một bộ máy lãnh đạo cao hơn.

Được biết Dzhokhar gần đây đã xem các đoạn video trên YouTube, mô tả hoạt động diệt chủng trong cuộc nội chiến Syria và còn xem các thông tin tuyên truyền của lực lượng phiến loạn Chechnya.

Neil Doyle, một chuyên gia về hiện tượng cực đoan hóa qua mạng internet, cho trang tin CBSNews.com biết hôm 19/4 rằng cách tiếp cận với thế giới của thanh niên này đã "cho thấy các bằng chứng về hiện tượng tự cực đoan hóa bản thân". Tuy nhiên, ông không phủ nhận khả năng nhân vật này đã chịu sự ảnh hưởng từ một lãnh đạo Hồi giáo hoặc từ các lực lượng cực đoan khác, bởi trên mạng không thiếu các nội dung tuyên truyền cho Al Qaeda và các tổ chức khủng bố tương tự. 

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm