Một mạng người Mỹ

10/08/2014 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần rồi, hầu hết các kênh truyền hình ở Mỹ chiếu trực tiếp cảnh người ta đưa một vị bác sĩ người Mỹ bị nhiễm virus Ebola từ Liberia trở về Mỹ để điều trị.

Cuộc đưa rước ấy được thực hiện bằng một chuyến chuyên cơ, thuê riêng với cả tấn máy móc thiết bị y tế phòng khi hữu sự đáp thẳng xuống căn cứ không quân Dobbins rồi lên xe chuyên dụng về Bệnh viện Đại học Emory ở thành phố Atlanta đều ở bang Georgia.

Nơi mà bệnh nhân ấy điều trị cũng là một khu đặc biệt, với hệ thống máy móc thiết bị tạo thành một khu cách ly hoàn toàn. Cả nước Mỹ chỉ có bốn bệnh viện có những khu cách ly như thế.

Bệnh nhân thứ hai cũng đã và đang được lên kế hoạch để đưa từ Liberia về Mỹ theo cách thức tương tự.

Cả hai bệnh nhân nói trên đều là dân thường. Họ là bác sĩ tình nguyện sang Liberia thuộc các tổ chức nhân đạo ở Mỹ. Họ hầu như không được công chúng hay biết. Và họ cũng chẳng có vai trò gì với chính quyền Mỹ. Họ lây nhiễm virus Ebola, mang trong mình thứ bệnh mà khả năng tử vong lên tới 80% (riêng đợt dịch này lên tới 90%) cũng như có khả năng lây lan rất lớn (cả tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp). Bởi khả năng cầm sổ Nam tào cao cũng như nguy cơ lây nhiễm như thế mà ở Mỹ có câu hỏi đặt ra là tại sao lại đưa hai bác sĩ ấy trở về Mỹ.

Lý giải có ba lý do, thứ nhất họ tin rằng cơ sở vật chất và máy móc ở Bệnh viện Emory là đủ kiểm soát virus không thể lây lan ra ngoài, thứ hai là với trình độ y học tiên tiến thì nguy cơ tử vong của cả hai ca bệnh này được giảm xuống khá nhiều, và thứ ba là đối với người Mỹ, các giá trị cốt lõi liên quan tới sinh mệnh của công dân Mỹ là tuyệt đối, đôi khi là vô giá.

Đây cũng chính là lý do cốt lõi cho vụ đổi tù binh tốn nhiều giấy mực ở Mỹ. Một binh sĩ Mỹ bị Taliban bắt giữ đã được đổi ngang lấy năm tù binh từng là quan chức cấp cao của Taliban bị Mỹ giam giữ tại nhà tù Guantanamo.

Vấn đề không nằm ở số lượng (một lấy năm), mà thả năm nhân vật lãnh đạo của tổ chức Taliban tức là thả hổ về rừng, và đặc biệt là Bowe Bergdahl, binh sĩ Mỹ nói trên được cho là một kẻ đào ngũ. Bergdahl không hề bị bắt trong khi tham dự một trận đánh hay trong hoạt động tuần tra nào đó, mà có nhiều dấu hiệu cho thấy anh ta bỏ trốn khỏi đơn vị.

Nhưng cuộc trao đổi tù binh này được phía Mỹ lý giải là việc đưa Bergdahl trở về với việc xác minh lý do tại sao anh ta bị lạc (bỏ trốn hay không?) là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Tổng thống Mỹ, ông Obama thì nói một câu mà người Mỹ vẫn nói lâu nay, là nước Mỹ vẫn đã, đang và sẽ “không bao giờ bỏ ai lại phía sau”. Tức là dù có là tử trận hay mất tích thì người lính Mỹ cũng sẽ sớm muộn được đưa về nhà nếu còn một hy vọng và bằng bất cứ giá nào.

Vâng, bất cứ giá nào cũng có nghĩa là vô giá. Nhưng, người Mỹ chỉ coi mạng của họ là vô giá chứ còn của nhiều dân tộc khác thì chưa chắc. Việc hàng chục người Palestine đang bị thảm sát ở Dải Gaza mỗi ngày trong suốt một tháng có phải chỉ là bởi Nhà nước Israel hay còn là một phần lợi ích nước Mỹ?

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm