Không còn cơ hội tha thứ

30/11/2011 10:29 GMT+7

(TT&VH) - 1. Ngày hôm qua, nhiều tờ báo đã đưa tin về 1 sự kiện xôn xao tại Mỹ, đó là cuộc tranh luận về cuốn sách của mục sư Michael Pearl, sau khi nhiều đứa trẻ bị chết do cha mẹ chúng đọc và làm theo các biện pháp “yêu cho roi cho vọt” được hướng dẫn trong sách.

Cuốn sách được phát hành với hơn 670.000 bản. Những biện pháp giáo dục mà vị mục sư tâm đắc và nhấn mạnh được ông rút ra từ “Những nguyên tắc mà người Amish đã sử dụng để dạy những con la cứng đầu cứng cổ nhất”.

Trong sách, vị mục sư hướng dẫn phụ huynh cách đánh một đứa trẻ ngay từ khi nó mới 6 tháng tuổi để sửa chữa những hành vi xấu, nhất là cách thức sử dụng một ống nước dài 35cm, mà như tác giả cuốn sách nêu rõ, là có lợi thế “có thể cuộn tròn lại và bỏ trong túi quần của bạn”. Phương pháp mà ông Pearl đưa ra là “nếu trừng phạt không có kết quả thì chỉ còn một cách là trừng phạt mạnh tay hơn”. Hậu quả đã xảy ra, nhiều đứa trẻ đã chết khi cha mẹ chúng áp dụng cuốn sách về giáo dục kia. Nhiều người đòi trừng phạt, truy tố vị mục sư, tác giả của cuốn sách giết người trên.

Còn tại Pháp, gã đàn ông 33 tuổi là Christophe Champenois ở gần thủ đô Paris, bị buộc tội giết chính con ruột 3 tuổi của mình bằng cách khóa cậu bé trong máy giặt rồi bật máy chỉ “để phạt cậu bé về tội ném bức vẽ của bạn cùng lớp xuống bệ xí nhà trẻ”. Cậu bé đã chết ngày 25/11. Người cha đồ tể đã bị bắt về tội giết con, còn vợ anh ta bị buộc tội không ngăn chặn tội ác và không giúp đỡ người gặp nguy hiểm.

2. Những việc đau lòng xảy ra ở những nơi xa xôi, nhưng nó hoàn toàn không xa lạ. Ở xứ ta cũng đâu thiếu những kẻ làm cha mẹ, nhưng ác hơn cả hổ dữ khi đang tâm “ăn thịt” con mình. Mới tháng 11 đây thôi, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử tên Vũ Văn Quang, hắn đang tâm đổ xăng thiêu sống đứa con trai 3 tuổi của mình. Và còn rất nhiều những vụ bạo hành ở đâu đó…

Những đứa trẻ được lớn lên dưới “bàn tay sắt” thô bạo của chính cha mẹ, nếu các em may mắn không “ra đi” như những đứa trẻ xấu số thiệt phận, thì chúng sẽ là những người như thế nào với sản phẩm giáo dục đầy thù hận này? Tôi chợt nhớ đến đoạn kết Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi”.

Dù Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhắn nhủ: “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Nhưng ở nhiều câu chuyện thương tâm hôm nay, đứa trẻ đã không còn cơ hội để tha thứ cho lỗi lầm của người lớn nữa, bởi em không còn hiện diện trên cõi đời này. Hy vọng ở thế giới bên kia, đứa trẻ đó sẽ không mang tên Hận Thù, dù bố mẹ chúng vĩnh viễn đã là ác quỷ.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm