Memphis Depay: Old Trafford là đôi cánh để bay cao

10/07/2015 07:01 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1999, bộ phim Fight Club ra rạp. Trong phim có cảnh ở một căn bếp tối đầy bụi đen, luộm thuộm như chuồng ngựa, máu và mồ hôi lẫn lộn. Diễn viên Brad Pitt hóa thân vào nhân vật ngông nghênh Tyler Durden, sau khi đánh nhau với người bạn Edward Norton đã nói: “Chỉ khi mất tất cả, chúng ta mới tự do làm tất cả mọi điều”.

Memphis Depay khi đó mới 5 tuổi, sống ở một thị trấn nhỏ tại ngoại ô Gouda, Hà Lan. Như nhiều đứa trẻ khác, anh dành phần lớn thời gian chơi bóng với lũ bạn. Một ngày nọ, khi chạy vào trong nhà, cậu vấp vào chiếc sofa cạnh ông và ngã ra đó. Chiếc TV bên cạnh đang chiếu bóng đá. Danh hiệu Eredivisie mùa 1998-99 được trao cho đội bóng cách xa nhà cậu 20 km: Feyenoord. Cậu bé Depay quay sang nói với ông: “Một ngày nào đó ông có thể xem cháu đá bóng trên TV, ông ạ”.

Những câu tương tự như vậy được nói ở những căn phòng khác nhau trên khắp thế giới mỗi ngày, nhưng khác biệt là Depay, như đoạn hội thoại của Tyler Durden, đã đánh mất những thứ tốt đẹp nhất để tự giải phóng con quỷ trong mình, trở thành một cầu thủ bóng đá thành công vừa gia nhập Manchester United hồi mùa Hè.

Depay sinh năm 1994, có cha người Ghana, tên Dennis, và mẹ người Hà Lan tên Cora. Mối quan hệ của ba mẹ bắt đầu rạn nứt năm Memphis lên 4 tuổi, và cha anh rời bỏ gia đình. Nhìn người cha bỏ mặc hai mẹ con trong nỗi đau nhức nhối, Depay bị tổn thương. Cậu bé chỉ mới bắt đầu đi học và gia đình tan vỡ.

Bà Cora nhanh chóng tìm được bạn trai mới nhưng người đàn ông này khiến cuộc sống của hai mẹ con càng khổ sở, dù Depay đã cố gắng dùng bóng đá để trốn chạy.

Những giáo viên cũ kể rằng anh là một cậu học sinh rất khó kiểm soát, với nguồn năng lượng vô tận. Giáo viên tiểu học Jeanet de Jong kể lại cảnh Depay đã nhào lộn trong lớp học. Đó có thể là khi Depay tự hỏi tại sao những “người cha” trong cuộc đời mình lại không thể mang lại hạnh phúc đến hai mẹ con.

Mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, khi bà Cora và Memphis rời bỏ người bố dượng thường xuyên chửi bới họ để chuyển đến sống với ông bà, Kees và Jans. Cuối cùng họ cũng ổn định. Ông Kees trở thành một người cha mới của Depay. Tâm lý cậu nhóc vẫn bất ổn, tự nhủ rằng mình luôn ở trạng thái không an toàn, có nhiều thứ phải vượt qua, nhưng ít nhất, cậu được dạy dỗ và yêu thương.

Ông Kees là một CĐV cuồng nhiệt của bóng đá, đã khuyến khích Depay gia nhập đội bóng địa phương VV Moordecht năm cậu lên 7 tuổi. Chủ tịch CLB, ông Ton Redegeld làm việc với Depay ở đội trẻ, nói với Marco Gerling của tờ Algemeen Dagblad rằng, Depay nổi trội so với bạn bè đồng trang lứa. “Nó nhanh, hoạt bát, mạnh mẽ và tôi đã nghĩ: chẳng bao lâu nữa thằng bé rồi sẽ rời khỏi đây thôi”, ông nói. “Khi chúng tôi ghi được 7 bàn trong cả trận đấu, thì đảm bảo nó đóng góp 5 bàn trong số đó và kiến tạo 2 bàn còn lại. Tôi không phóng đại đâu”.

Năm 2003, Sparta Rotterdam gọi Depay, mẹ anh và người ông để đạt thỏa thuận chiêu mộ cậu nhóc tài năng, xóa đi khoảng cách địa lý tưởng là xa giữa Rotterdam với Moordreht.

Depay gây ấn tượng từ những lần chạm bóng đầu tiên. Ngoài sân, anh trở thành con người khác. Kevin Valkenburg, HLV đội trẻ của Depay nói: “Hành vi của nó có vấn đề. Nó vẫn thường đi cạnh bạn bè nhưng rất xa cách mọi người, như thể có một bức tường bao quanh nó”.

Năm Depay 12 tuổi, một số tuyển trạch viên theo dõi cậu. Người ông ưng thuận ngay với một vài lời đề nghị. Ông, dù là một CĐV của Ajax, vẫn cảm thấy tự hào dù Depay khoác áo PSV Eindhoven.

Valkenburg nói rằng ở Rotterdam, Depay vẫn được sống trong môi trường quen thuộc, nơi giúp anh vượt qua những rắc rối và nói thêm: “PSV là sự cứu rỗi”.

Người bố nuôi Olaf Heijnlom trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Prive nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ban đầu của Depay: “Tôi nhớ lúc đó là vài tuần sau khi nó đến ở với chúng tôi”, ông nói. “Chúng tôi ngồi ở sân sau và ngay lúc đó tôi nghe tiếng Depay khóc trong phòng ngủ ở tầng một. Ngay lập tức tôi đến cạnh nó. Nó vẫn đang nức nở rồi chậm rãi kể lại chuyện của mình. Tôi thương nó vô cùng, và trong quá trình chung sống, chúng tôi cố cho nó thấy rằng đây là một gia đình, có niềm vui và đáng tận hưởng”.

PSV tìm ngay một gia sư tên Joost Lenders để kèm cặp Depay. Erik ten Hag là trợ lý HLV tại PSV, nói: “Nó rất tự tin vào bản thân mình. Thỉnh thoảng nó hơi khó tính. nhưng tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với nó cả. Memphis cũng có mối quan hệ hòa nhã với HLV Fred Rutten, người mà nó rất tin tưởng. Ông ấy dành rất nhiều thời gian bên cạnh Memphis để có thể giúp đỡ nó. Bởi vì với tuổi thơ của Memphis, nó cần được quan tâm”.

Với những người tốt bụng, hành vi của Depay dần thay đổi và anh đá ngày càng hay hơn. Anh gây ấn tượng ở giải trẻ châu lục, cho thấy tương lai hứa hẹn và đi qua giai đoạn học việc ở đội trẻ PSV.

Rồi năm 2009, ông anh, Kees, qua đời. Tin tức khiến Depay đau đớn. Đó là người đàn ông mà Depay đã hứa sẽ chơi bóng trên TV cho ông xem, đã không bao giờ được thấy Depay ra mắt ở đội 1 PSV hoặc được chọn vào đội tuyển Hà Lan. Hè năm ngoái, sau khi ghi bàn thắng ra mắt đội tuyển trong trận gặp Australia ở World Cup, Depay hôn lên cổ tay, nơi có hình xăm để tưởng nhớ ông Kees, người vẽ ra một bầu trời, thông qua chiếc màn hình TV mà cậu bé ngày nào tình cờ thấy được.

Trong cuộc phỏng vấn năm ngoái với Hart van Holland, mẹ anh, khi được hỏi niềm cảm hứng của con trai mình, đã nói: “Nó muốn chơi cho Manchester United rồi sau đó sẽ đến một CLB ở Tây Ban Nha”.

Một phần giấc mơ của Depay đã thành hiện thực. Sau mùa giải đại thành công với PSV mà Depay ghi 22 bàn sau 30 trận ở giải VĐQG, giúp đội bóng vô địch lần thứ 22, anh gia nhập Manchester United với giá 27,5 triệu euro (25 triệu bảng), và cái giá có thể tăng lên 32 triệu.

Anh là hình mẫu của những cầu thủ trẻ, cuộc sống dạy anh những bài học từ gian khó. Anh dành dụm tiền mua một căn hộ lộng lẫy ở Rotterdam, mua xe hơi sành điệu và nhiều vật dụng khác… Nhưng trái tim anh vẫn đặt ở một nơi đúng đắn.

Depay trở về Moordrecht gần đây và ngạc nhiên khi được mẹ tặng cho một chiếc Mercedes. Món quà đắt tiền nhưng tình cảm thì không đo đếm được. Depay up video của khoảnh khắc ấy lên Facebook, trích dẫn lời bài hát Heym Mama của Kanye West và viết thêm: “Và con yêu mẹ, mẹ ơi. Con sẽ cố để luôn khiến mẹ tự hào”.

Bác sĩ tâm lý người Áo Viktor Frankl có lần nói: “Khi chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh của mình, chúng ta sẽ tự thử thách chính mình”, và đó là việc Depay đã hoàn thành. Trên ngực anh có hình xăm từ “Theo đuổi giấc mơ”, với hai cánh, biểu trưng cho cánh chim, mà hiện giờ có cơ hội dang rộng để bay cao.

Ở Moordrecht bây giờ, Depay đã là một huyền thoại. Rất nhiều cậu bé dán hình Depay lên bức tường phòng ngủ, để luôn thấy “Memphis của họ”.

Người theo đuổi giấc mơ. Tại Nhà hát của những giấc mơ.

Gia Hưng (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm