Trước thềm Cánh diều 2010:Chuyện bất ngờ

05/03/2011 07:25 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Lễ trao giải Oscar 2011 vừa khép lại, các fan điện ảnh Việt Nam lại đang hướng tới lễ trao giải “Oscar Việt Nam” - giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, sẽ diễn ra vào ngày 13/3 tới. Chưa biết lễ trao giải sẽ hoành tráng tới đâu, kết quả giải thưởng năm nay làm thỏa mãn người trong nghề và công chúng tới đâu, nhưng một cuộc họp bất thường đã được tổ chức ngay trước thềm lễ trao giải vì một chuyện bất thường của Cánh diều năm nay, đó là trường hợp của Giao lộ định mệnh, bộ phim được dư luận cho là “đạo y chang” một bộ phim Mỹ sản xuất cách đây 20 năm.

Xuất hiện giờ chót

Các diễn viên chính của Giao lộ định mệnh trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Vào thời điểm sắp khóa sổ phim dự thi chiều 18/2, danh sách phim tranh giải Cánh diều chỉ có 10 phim mà không hề có tên Giao lộ định mệnh. Nhà sản xuất phim này dù đã gửi bản đăng ký Giao lộ định mệnh tranh giải nhưng không hiểu vì lý do gì mà bản phim vẫn chưa đến tay Hội Điện ảnh. Những tưởng bộ phim bị dính nghi án đạo phim ấy sẽ rút êm để tránh chuyện ầm ĩ như nó từng gặp phải hồi tháng 10/2010 nhưng vào phút chót, Giao lộ định mệnh trở thành bộ phim thứ 11 tranh giải Cánh diều 2010.

Khi được hỏi về trường hợp dự thi bất thường của bộ phim này, trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên về giải Cánh diều 2011 ngày 23/2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Hội Điện ảnh, giải thích rằng Giao lộ định mệnh đáp ứng đủ tiêu chí dự giải là phim nói tiếng Việt, có chủ sở hữu là người Việt Nam. Thêm nữa nghi án đạo phim mới chỉ được nói đến trên báo chí và Hội chưa nhận được một đơn kiện nào của các bên liên quan về vấn đề này nên vẫn cho phép bộ phim tham gia.

Cứ chiểu theo quy chế thì phim nào mang quốc tịch Việt Nam được sản xuất và cấp giấy phép phát hành trong năm thì đều được tham dự, do vậy việc cho một bộ phim có nhiều điều tiếng như Giao lộ định mệnh vào danh sách tranh giải đẩy Hội Điện ảnh vào thế khó xử. “Đến giờ mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Công luận lên tiếng là như thế nhưng chưa có gì rõ ràng về mặt pháp luật cả nên cũng khó xử cho ban giám khảo (BGK) và ban tổ chức”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thành viên BGK hạng mục Phim truyện video của giải Cánh diều năm nay cho biết.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, thành viên BGK hạng mục Phim truyện nhựa của giải Cánh diều 2010 cũng có chung quan điểm: “Cho đến giờ phút này, không ai có thể khẳng định Giao lộ định mệnh là một phim nhái. Chẳng có một hội đồng thẩm định nào làm việc đó cả. Không ai kiện cáo, không một tác giả nào, một nhà sản xuất nào khiếu nại… Vì vậy xem ra dư luận lại khiến cho chính nhà sản xuất cũng như các thành phần sáng tác bộ phim này bị thiệt thòi. Chính họ đang bị một cái án thị phi treo lơ lửng trước mặt. Theo tôi, lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, Cục Điện ảnh và cả Hội Điện ảnh nên giúp họ làm rõ vấn đề này. Cũng là cách để trấn an dư luận cho khỏi ảnh hưởng đến kỳ liên hoan phim tới”.

Nghệ sĩ không chỉ hành nghề một lần!

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng nhà sản xuất Giao lộ định mệnh đã hơi vội vàng và nôn nóng gửi phim tranh giải: “Bản thân tôi là người ưa giật lùi hơn là chiến đấu nên nếu có điều tiếng không hay về mình trong trường hợp đó thì tôi sẽ chờ sự phân minh của pháp luật. Khi đã rửa được tiếng oan cho mình thì tôi mới gửi phim đi tranh giải, còn nếu không, tốt nhất là im lặng cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ. Tôi nghĩ đã là nghệ sĩ thì không chỉ hành nghề một lần”.

Trước câu hỏi: “Là một đạo diễn, anh nhìn những đồng nghiệp ăn cắp ý tưởng của một bộ phim khác để biến thành phim của mình thế nào?”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho hay: “Biết nhìn nhận thế nào bây giờ. Đó thực sự là hành vi đáng xấu hổ. Nó làm cho khán giả cảm thấy bị coi thường, và các nhà làm phim đôi khi cũng phải cúi mặt vì những hành vi của đồng nghiệp. Tóm lại, theo tôi, nếu thấy một tác phẩm hay thì nên học hỏi thay vì copy. Anh có thể bắt chước về kỹ thuật, bắt chước phương pháp thực thi nhưng nghệ thuật thì không thể bắt chước, không thể copy. Người đạo diễn có thể ảnh hưởng bởi một dòng phim nào đó chứ không nên để một bộ phim tên tuổi hay chẳng tên tuổi nào đó bao phủ lên tác phẩm của mình. Hãy sáng tạo trên cái gốc văn hóa của mình, dù khiêm tốn nhưng vẫn đáng trân trọng”.

Liên hệ với nhà phê bình lý luận điện ảnh, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Giám khảo phim truyện nhựa giải Cánh diều 2010 để hỏi về trường hợp Giao lộ định mệnh, ông cho hay khi xem phim, BGK lưu tâm đến dư luận xung quanh bộ phim. Khi được hỏi về việc liệu BGK có dự định tìm xem bản phim Mỹ sản xuất năm 1991 được cho là nguyên mẫu của Giao lộ định mệnh để có thể đưa ra kết luận chính xác, vị cựu Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết: “BGK không đánh giá một bộ phim trên tiêu chí phân xử xem nó có ăn cắp bản quyền hay không vì nếu xử lý theo tiêu chí đó thì thành phần xem phim sẽ khác, cách thẩm định cũng khác. BGK chỉ xem giá trị nghệ thuật, nội dung tư tưởng của bộ phim. Nhưng vì phim này đã có một dư luận như vậy nên hội đồng sẽ bàn”.

Theo bạn, "Giao lộ định mệnh" có nên dự tranh giải Cánh diều?

Những tranh luận trên báo chí và phản ứng nhiều chiều của giới người làm nghề về chuyện Giao lộ định mệnh dù dính scandal động trời nhưng vẫn đường hoàng tranh “Oscar của Việt Nam” nóng đến mức ngày 3/3, Ban Thường vụ Hội Điện ảnh đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn để giải quyết sự việc. Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh khẳng định với TT&VH Cuối tuần rằng nếu Giao lộ định mệnh bị xác định là đã đạo phim thì Hội sẽ không cho phép phim tranh giải.

Thiết nghĩ, đáng lẽ, với vai trò của mình, Hội Điện ảnh cần phải thẩm định những phim tham gia giải trước, thậm chí là ngay khi có dư luận xung quanh bộ phim để tỏ thái độ rõ ràng ngay từ đầu với những tác phẩm điện ảnh méo mó (nếu có) hoặc bảo vệ danh dự, quyền lợi cho hội viên. Điều này không chỉ đảm bảo uy tín của giải thưởng điện ảnh Cánh diều thường niên mà còn là cách để thể hiện sự tôn trọng với những người làm phim có phim tham dự khác. Rất tiếc, việc làm này được tiến hành quá chậm, khi Giao lộ định mệnh đã đặt mọi chuyện vào tình thế đã rồi.

Hoàng Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm