Với tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, báo Thể thao và Văn hóa là một cơ duyên thú vị. Anh vừa là “người trong cuộc” khi đang giữ một chân phát hành tại TTXVN ở thời điểm báo ra đời, vừa là đồng nghiệp vừa là độc giả kiêm cộng tác viên khi trở thành một nhà báo trong hàng chục năm sau đó và cuối cùng, là chủ nhân của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2012.

Nhà văn, nhà 'Hà Nội học' Nguyễn Ngọc Tiến: TT&VH cho thấy sự chuyển dịch của báo chí từ thời bao cấp

Với tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, báo Thể thao và Văn hóa (TT&VH) là một cơ duyên thú vị. Anh vừa là “người trong cuộc” - khi đang giữ một chân phát hành tại Thông tấn xã Việt Nam ở thời điểm báo ra đời; vừa là đồng nghiệp vừa là độc giả kiêm cộng tác viên - khi trở thành một nhà báo trong hàng chục năm sau đó; và cuối cùng, là chủ nhân của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2012.

Dù là sáng tác hay khảo cứu, phần lớn những trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến đều gắn với Hà Nội, bởi thế anh được coi là một “nhà Hà Nội học”. Và bởi thế, một cách tự nhiên, cũng khó trách anh - khi trong cuộc trò chuyện, anh luôn có những góc nhìn “rất Hà Nội” về TT&VH của 4 thập niên qua.

Một cuộc “đồng hành” đặc biệt qua 4 thập niên

* Chúng ta hãy cùng quay lại năm 1982, khi TT&VH ra đời. Như từng kể, lúc đó anh đi bộ đội về và tìm được một chân phát hành tại TTXVN để vừa kiếm sống, vừa dùi mài kinh sử cho giấc mơ đại học?

- Tôi làm ở bộ phận phát hành tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Thời điểm đó, tuần nào tôi cũng qua sân bay Nội Bài để làm 2 việc chính: Gửi những tờ báo của TTXVN như Tuần Tin tức, TT&VH vào TP. HCM và ngược lại, lấy những bản phim thiết kế trang in của TT&VH đưa về Nhà in Thông tấn để in.

Lúc đó, TT&VH được chế bản tại phía Nam, chứ không phải ở ngoài này như tờ Tuần tin tức.

Chú thích ảnh

Nhà văn, nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến

Đến giờ, tôi vẫn nhớ về quãng thời gian đầu tiên mà TT&VH xuất hiện trên thị trường. Độc giả ngay lập tức quan tâm và hào hứng, còn các đại lý bán báo cũng rất nhạy. Tuần một lần, đúng ngày báo ra, họ vẫn kéo tới nườm nượp ở số 5 Lý Thường Kiệt - mà khi ấy quen gọi là khu góc vuông - để lấy báo mang về. Chen lấn, cãi cọ, rồi dằn dỗi nhau vì chuyện lấy trước, lấy sau đều có cả.

Lượng phát hành của TT&VH trong thời gian đó tăng khá nhanh, nếu tôi nhớ không nhầm chỉ sau vài năm đã chạm tới con số khoảng 6,5 vạn. Tôi cũng có quen biết nhiều bè bạn làm phát hành, nên có thể tự tin để nói: Nhiều chủ sạp báo khi ấy sống ổn định nhờ vào các ấn phẩm của TTXVN như TT&VH, Tuần Tin tức hay Khoa học, Công nghệ và Kinh tế thế giới...

Có lẽ, trong đời sống báo chí, chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại cảnh ấy nữa - cũng như cảnh những dòng người xếp hàng trước các sạp báo để đến lượt mình cầm một tờ TT&VH trên tay. Tôi nghĩ, theo một nghĩa nào đó, TT&VH là tờ báo cho thấy sự manh nha thay đổi của báo chí ngay từ thời bao cấp.

Chú thích ảnh

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (giữa) nhận giải “Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội” của báo TT&VH năm 2012 cho 2 tác phẩm “Đi dọc Hà Nội” và “Đi ngang Hà Nội”

* Anh có thể nói rõ hơn về góc nhìn này?

- Chúng ta hãy hiểu, độc giả khi đó không có nhiều lựa chọn trong đời sống báo chí. Nhìn chung, các tờ báo khi đó thường khá mỏng, thông tin đơn giản, cách viết cổ xưa và nặng tính tuyên truyền. Nội dung các bài báo thì thường cũng khá hiền lành. Có lẽ, chuyên mục duy nhất thu hút độc giả lúc bấy giờ là mục tranh vui trên nhiều tờ báo, bởi tính phản biện xã hội của nó.

Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của độc giả là có thật. Hà Nội là điển hình. Tôi vẫn tin, xét về văn hóa đọc, Hà Nội luôn là số 1 trên cả nước ngay từ thời Pháp thuộc. Giai đoạn chiến tranh rồi bao cấp, người Hà Nội vẫn xếp hàng ùn ùn mua sách báo, bởi đó là thói quen được tạo dựng trong nhiều năm. Rồi thể thao - mà cụ thể là bóng đá cũng vậy. Ở miền Bắc, Hà Nội và Hải Phòng luôn là 2 thành phố yêu bóng đá nhất, và cũng có nền bóng đá phát triển mạnh nhất cho tới thập niên 1980.

Trong bối cảnh ấy, TT&VH ra đời và mang lại cho người đọc những món ăn họ đang cần nhất. Nói cách khác, đó cũng là một trong những tờ báo đầu tiên hướng tới việc cung cấp tri thức và kiến thức cho độc giả.

2 tác phẩm “Đi dọc Hà Nội” và “Đi ngang Hà Nội”

TT&VH mở ra một thế giới phong phú hơn nhiều

* Là độc giả của TT&VH ngay từ những ngày đầu tiên, anh có nhớ về những “món ăn” ấy không?

- So với những mẩu tin quốc tế - phần lớn lấy từ các báo của Liên Xô - theo kiểu muối bỏ bể của một số tờ báo khác, TT&VH mở ra một thế giới phong phú hơn nhiều. Chúng tôi được đọc các tin bài vê văn hóa nước ngoài, không chỉ của khối Xã hội chủ nghĩa mà còn của các nước phương Tây. Chúng tôi được biết câu chuyện về lịch sử và đời sống của các ban nhạc mà người Hà Nội trước đó chỉ biết say mê đơn thuần qua băng cát xét như Beatles, ABBA, Scorpion hay Bee Gees. Rồi nữa, chúng tôi được mở mang về những thành phố khi đó vẫn xa lạ với người Việt như Barcelona hay Lisbon, về những sự kiện lớn của văn hóa thế giới như các Liên hoan phim tại Cannes, Berlin hay Venice...

Bóng đá cũng vậy. Độc giả khi đó ít biết về các cầu thủ quốc tế, và cái sự biết ít ỏi đó cũng chỉ giới hạn trong những gì họ thể hiện trên sân cỏ. Còn với TT&VH, mọi thứ được mở ra thêm về lịch sử các câu lạc bộ, về cuộc đời cầu thủ và cả những chuyện đằng sau sân cỏ - vốn cũng hấp dẫn vô cùng.

Nhớ lại, suốt thập niên 1980 cho tới giữa những năm 1990, mỗi giải bóng đá vô địch thế giới hoặc châu Âu luôn là những ngày hội thật sự với người dân Hà Nội. Buổi sáng, sau mỗi trận bóng, từ quán nước tới công sở luôn chỉ có bóng đá và bóng đá. Đời sống của cả thành phố bị cuốn theo giải đấu - và trong bối cảnh đặc thù ấy, TT&VH lại càng mặc sức “làm mưa làm gió” với những bản tin nhanh World Cup hay tin nhanh EURO của mình (cười).

Công nhân khối nhà in TTXVN làm việc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Trong bối cảnh bao cấp và không thể có những quán cà phê để ngồi thưởng thức cùng tờ báo như sau này, anh và các độc giả mua báo, rồi đọc TT&VH theo cách nào?

- Trong thập niên 1980, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng chưa đến nỗi khiến người ta không dám bớt một gói xôi sáng để mua báo nếu cần (cười). Và TT&VH khi ấy là tuần báo, nên luôn được người xem ngóng đợi. Như quan sát, tôi thấy độc giả có 2 kiểu mua. Hoặc là mua và lập tức mở ra, cắm cúi vừa đi vừa đọc, có khi gặp tin nóng thì đứng đọc luôn tại chỗ không buồn bước. Hoặc bỏ tờ báo vào túi, để về nhà nhấm nháp thưởng thức rồi truyền tay lại cho mọi người.

Tôi thuộc kiểu thứ hai. Khi ấy, sau vài năm làm phát hành tại TTXVN, tôi thi đỗ Đại học. Nhưng thói quen mua báo ở “góc vuông” Lý Thường Kiệt không bỏ được. Đều đặn trong tuần, tôi vẫn qua đó, mua một tờ mang về nhà, nhấn nhá đọc rồi lưu lại như một tài liệu cho mình. Thật ra, mỗi tờ TT&VH khi đó cũng có thể coi là một bản tài liệu chuyên môn, với các thông tin khá sâu và chuẩn. Tôi biết bạn bè mình có những người hào hứng lưu lại đủ các số báo TT&VH trong giai đoạn ấy đến mãi sau này...

Tờ báo đứng đắn về văn hóa

* Trong tư cách một độc giả, và cũng là một người đồng hành đặc biệt với TT&VH, anh có thể chia sẻ gì với tờ báo trong dịp tròn tuổi 40?

- Đến giờ, tôi vẫn gọi TT&VH là một tờ báo đứng đắn về văn hóa. Nói vậy, bởi đây là tờ báo không đi sâu vào yếu tố giải trí - hoặc nếu có thì vẫn nhìn ở góc độ chuyên môn về nghệ thuật giải trí, chứ không chạy theo những chuyện đời tư hay giật gân rẻ tiền. Với các vấn đề lớn, TT&VH vẫn cho thấy sự nghiêm túc, phản ánh các tồn tại vướng mắc, các xu hướng nghệ thuật, khơi gợi những vấn đề để người yêu văn hóa cùng nhìn nhận và tự vấn bản thân.

Trong sự tràn ngập của mạng xã hội và các thông tin chạy theo lượt view, làm được như TT&VH là không dễ. Và tôi mong các bạn vẫn tiếp tục con đường ấy, vẫn trung thành với những cái đã tạo nên bản sắc của mình - bởi chắc chắn, vẫn sẽ có một bộ phận độc giả muốn tìm tới các bạn.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Học thuật nhưng lại không hề xa lạ”

Suốt quãng đời làm báo, là một người viết về văn hóa, tôi vẫn đều đặn đọc TT&VH. Nhìn chung, về các vấn đề văn hóa, tờ báo luôn giữ được chiều sâu và sự sắc sảo, bao quát từ những cây bút, những chuyên gia có uy tín - mà tôi nhớ nhất có Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Xuân Tiệp, Dương Trung Quốc, Trần Chiến... Báo hấp dẫn bởi tính chất học thuật nhưng lại không hề xa lạ, cứng nhắc với bạn đọc phổ thông. Hoặc, TT&VH ít viết về gương mặt nghệ sĩ, nhưng những người có dịp được lựa chọn để “xuất hiện” trên mặt báo đều vô cùng xứng đáng. Thậm chí, bài viết về chân dung những cây đại thụ trong làng văn hóa như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài cũng vừa có sự tươi mới, vừa có sự già dặn, điềm đạm đúng với tầm vóc của họ (Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến).

Cúc Đường (thực hiện)