Lễ khai mạc SEA Games 31: Sẽ khắc họa thông số văn hóa của người Việt Nam

12/05/2022 15:54 GMT+7 | Văn hoá

“Những xử lý đặc biệt, cộng cùng sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng hiện đại cũng giúp chương trình khắc họa được thông số văn hóa của người Việt Nam: Mặc dù đã hiện đại hóa và tiếp nhận các yếu tố khác, nhưng chúng ta vẫn giữ được căn cơ của nền văn hóa nông nghiệp từng có” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ về lễ khai mạc SEA Games 31.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đạo đức khó 'đong đếm' nhưng không mơ hồ

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đạo đức khó 'đong đếm' nhưng không mơ hồ

'Dù không phải giảng viên dạy môn Đạo đức học, nhưng tiêu chí giảng dạy đại học của tôi là dạy chuyên môn phải song song với đạo đức nghề nghiệp, nhất là nghề báo. Đó là hai yếu tố không thể tách rời' - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Trong vai trò cố vấn nghệ thuật và truyền thông của chương trình, bà có cuộc trò chuyện với Thể thao&Văn hóa (TTXVN)

*Ở cương vị cố vấn, bà đã có những quan điểm gì để chia sẻ với ê kip dàn dựng lễ khai mạc?

- Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng Đông Nam Á là khu vực rất quan trọng của văn hoá phương Đông, và nó cũng kết đọng đầy đủ những đặc điểm chung của khu vực, với những quốc gia lấy trồng lúa làm nghề cơ bản nuôi sống toàn thể dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên,Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á đều thiết kế cái sống của quốc gia mình, trên ba hằng số văn hoá: Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn.Chính vì thếý nghĩa văn hoá nông nghiệp của các kì SEA Games bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.

Cũng đừng quên, Việt Nam là nước có đường bờ biển rất dài, nghĩa là mang đậm yếu tố văn hóa biển như một phần các đảo quốc khác trong khu vực. Theo cách nhìn ấy, Việt Nam không chỉ là một phần quan trọng của Đông Nam Á, mà còn là một hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ khu vực. Đó là yếu tố đầu tiên cần được nhấn mạnh trong lễ khai mạc.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

*Vậy còn những yếu tố khác là gì?

- Cũng như các quốc gia trên thế giới, khu vực Đông Nam Á vừa trải qua 2 năm chao đảo dữ dội bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Và tất cả đều muốn thoát ra khỏi quán tính từ đại dịch để trở về với cuộc sống bình thường. Đó là nhu cầu, là khát khao của mọi quốc gia. Trong bối cảnh ấy, SEA Games là một giải pháp, là cơ hội tìm ra sức mạnh thể chất và cả tinh thần để các nước Đông Nam Á dìu nhau cùng vượt qua đại dịch.

Rồi, trong sự gắn bó ấy, SEA Games không chỉ là dịp để quốc gia đăng cai chia sẻ tinh thần thể thao trong sáng, vô tư mà còn là dịp để chúng ta sự thân thiện, của mình. Du khách cần tới Việt Nam để thấy con người nơi đây nhân ái, hiếu khách, để thấy đời sống văn hóa Việt Nam đang phát triển và từng bước tự chữa lành những vết thương do dịch bệnh mang lại. Có nghĩa, đó là câu chuyện gợi mở về du lịch và văn hóa.

Nhìn chung, khi chia sẻ những suy nghĩ ấy với đạo diễn Trần Ly Ly và các bạn trong ê-kíp dàn dựng, tôi nhận được sự tán đồng. Và quá trình dàn dựng lễ khai mạc cũng phần nào khiến tôi yên tâm về những thông điệp ấy.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong buổi tổng duyệt lễ khai mạc SEA Games 31 tối 10/5. Nguồn: Internet

* Bà có thể nói thêm về việc thể hiện những ý tưởng này bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong lễ khai mạc?

- Trần Ly Ly là một biên đạo múa, nên có sở trường trong việc thể hiện các ý tưởng bằng ngôn ngữ của hình thể và các khối diễn viên. Ở đó, nhiều biểu tượng của văn hóa Việt Nam thể hiện bằng những động thái nghệ thuật, chẳng hạn như các tiết mục múa nón, múa trống, múa chèo, múa sen.... Những xử lý đặc biệt, cộng cùng sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng hiện đại cũng giúp chương trình khắc họa được thông số văn hóa của người Việt Nam: Mặc dù đã hiện đại hóa và tiếp nhận các yếu tố khác, nhưng chúng ta vẫn giữ được căn cơ của nền văn hóa nông nghiệp từng có.

Chú thích ảnh

Tất nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng bàn bạc để điều chỉnh, bổ sung thêm phần lời bình hoặc lời dẫn dắt của MC, để các thông điệp được mạch lạc và xuyên suốt trong chương trình.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại một điều mà cố học giả Đào Duy Anh từng nói tới trong cuốn Việt Nam Văn hóa sử cương năm 1938, đại ý rằng nếu nước mình không có một sinh lực mạnh mẽ thì đã không thể chiếm lĩnh, tồn tại và phát triển trên một vùng đất cực kì khắc nghiệt về địa lý, khí hậu và từ đó xây dựng một quốc gia phát triển. Sinh lực mạnh mẽ ấy là điều rất phù hợp với slogan Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn của SEA Games 31 năm nay (cười).

* Cuối cùng, bà có thể tự so sánh những khác biệt về lễ khai mạc SEA Games lần này, so với lễ khai mạc đã từng được đánh giá rất cao tại Hà Nội năm 2003?

- Mỗi câu chuyện đều cần được đặt trong bối cảnh của nó. SEA Games 2003 gắn với lần tổ chức đầu tiên của Hà Nội, gắn với sự tò mò, háo hức của tất cả chúng ta, giống như câu chuyện tình yêu lần đầu (cười). Ở lần yêu thứ hai này, sự háo hức ấycó thể bớt đi phần nào, nhưng mọi thứ lại khắt khe và khó hơn rất nhiều, bởi chúng ta không thể phạm bất cứ sai lầm nào với lý do “lần đầu bỡ ngỡ”.

Chú thích ảnh

Áp lực với các nghệ sĩ và ê-kíp thực hiện chương trình là rất lớn. Nhưng với những gì đã thực hiện, tôi thấy yên tâm và tin ở họ.

* Xin cám ơn bà!

"Cùng tỏa sáng" trên sân Mỹ Đình

Cùng tỏa sáng là chủ đề chính của lễ khai mạcSEA Games 31 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào 20h tối nay, với ê-kíp thực hiện bao gồm tổng đạo diễn, NSƯT Trần Ly Ly, các cố vấn PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái và PGS-TS Trần Đức Cường, đạo diễn và biên kịch Phan Huyền Thư, đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường, nhạc sĩ Huy Tuấn...

Lễ khai mạc gồm phần mở màn mang tên Việt Nam thân thiện, phần giữa Đông Nam Á mạnh mẽ và phần kết Đông Nam Á tỏa sáng, tất cả gắn với thông điệp Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a stronger South East Asia.

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm