Làm ra vẻ bận rộn, nhiều lao động trẻ tất bật một cách vô nghĩa

16/08/2023 14:22 GMT+7 | GenZ

Nhiều người lao động thường xuyên tỏ ra bận rộn trong văn phòng, thế nhưng hiệu quả làm việc và thời gian làm thực tế lại ít hơn những gì họ thể hiện.

Thông thường người lao động sẽ có 8 tiếng để làm việc tại văn phòng công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tập trung 100% tinh thần để giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không ít nhân sự dành nhiều thời gian để tỏ vẻ họ rất bận rộn nhưng thực tế lại không như những gì họ thể hiện. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 1.

Bạn có đang cố tỏ ra bận rộn?

Bận rộn vô nghĩa

Thông tin từ báo VnExpress, hãng nghiên cứu Qualtrics (Mỹ) đã tiến hành khảo sát và chỉ ra, nhân viên văn phòng là nhóm nhân sự dành nhiều thời gian cho sự thể hiện. Nhiều người luôn trong trạng thái bận rộn, họ đến công ty vào mỗi buổi sáng và gần như 8 tiếng tại đây ai cũng thấy họ bận "tối mắt tối mũi" khi tập trung vào màn hình máy tính, hay đôn đáo chạy đi chạy lại. Thoạt nhìn, có thể thấy họ đang dành toàn bộ sức lực, tinh thần của mình cho công việc. Thế nhưng, thực tế, có những nhân sự chỉ đang cố gắng thể hiện sự bận rộn ra bên ngoài để cho cấp trên, đồng nghiệp nhìn thấy. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 2.

Nhiều người tự tạo cho mình vẻ ngoài bận rộn nhất có thể. (Ảnh minh họa: Freepik)

 

Tỏ ra bận rộn thu hút sự chú ý. (Ảnh minh họa: Freepik)

Bất kỳ một lãnh đạo nào cũng đều mong muốn nhân viên của mình chăm chỉ làm việc, vì lý do đó, nhiều nhân sự cố gắng thể hiện bản thân bằng cách cho sếp thấy mình bận đến cỡ nào. Tất nhiên, họ vẫn đang làm việc được giao, thế nhưng khảo sát của Qualtrics cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thời gian làm việc thực sự của nhiều người lao động gần như không thể đạt 100%, thay vào đó, ở Nhật Bản là 63%, Singapore 63% và Ấn Độ 57%, cao nhất tại Hàn Quốc 72%, Australia, Đức, Mỹ 71%, Anh 70%. Tại Việt Nam cũng tương tự. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 4.

Thời gian làm việc thực sự gần như không thể đạt 100%. (Ảnh minh họa: Freepik)


Có nhiều yếu tố trong quá trình làm việc khiến một nhân viên không thể tập trung. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Phải làm việc trong nhiều giờ liên tiếp cũng là lý do khiến người lao động, đặc biệt là nhân sự trẻ khó tập trung. Bước vào một văn phòng, có thể dễ dàng bắt gặp tất cả nhân viên cắm cúi lách cách gõ phím, tiếng click chuột hối hả, ai cũng có vẻ tất bật nhưng thực ra trong số họ, nhiều người tập trung cho một số thú vui khác ngoài công việc như lướt mạng xã hội, chơi game, chat với bạn bè,... 8 tiếng ở văn phòng nhưng thực tế, có những nhân sự "ngâm việc", hay đang làm việc công tranh thủ giải quyết chuyện riêng. 

"Tạo mác" bận rộn để cảm thấy an toàn

Thực chất người bận rộn luôn khoe khoang họ bận như thế nào? "Tôi không đủ thời gian để hoàn thành công việc này", "Tôi bận đến nỗi không có thời gian để nghỉ nghơi", "Tôi đang bận, tôi bận lắm"… Hương Giang (24 tuổi) tạo cho bản thân "cái mác" bận rộn vì cô ấy muốn như thế, cô mong rằng cấp trên và đồng nghiệp sẽ luôn nhắc đến cô là người chăm chỉ, tất bật vì công việc. Tỏ ra bận rộn cũng giúp cô nàng cảm thấy an toàn, thậm chí được xem như bí kíp sinh tồn chốn công sở: "Có những ngày công việc không nhiều tới mức phải vật lộn từ sáng tới tối. Nhưng cũng đâu thể ngồi không và nói với sếp hay đồng nghiệp tôi đã hết việc để làm. Đây xem như thời gian thư giãn một chút trong nhiều tiếng làm việc".

Đối với những nhân sự mới tham gia vào thị trường lao động, sinh viên vừa ra trường đi làm, tỏ ra bận rộn lại được xem là "phao cứu sinh". Người mới chưa có nhiều công việc, cũng chẳng thể ngồi không quá lâu, tỏ vẻ bận rộn giúp các bạn trẻ không cảm thấy mình lạc lõng. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 6.

Vẻ ngoài bận rộn giúp nhiều người cảm thấy an toàn. (Ảnh minh họa: Freepik)

Hiệu quả công việc không chỉ nhìn vào sự bận rộn

Bạn có thể nhìn thấy một ai đó tất bật ở văn phòng nhưng điều đó không có nghĩa hiệu quả lao động của họ luôn đạt chất lượng tốt nhất. Nhiều quan điểm cho rằng nếu đánh giá năng lực của nhân sự dựa trên sự bận rộn mà họ thể hiện là sai lầm. Thay vào đó, lãnh đạo nên nhìn nhận dựa trên kết quả của công việc. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 7.

Sự khác nhau giữa người luôn tỏ ra bận rộn và người làm việc năng suất. (Ảnh minh họa: Brightsight)

Tại Cột sống Gen Z nhiều bạn trẻ đang là nhân viên văn phòng cũng bày tỏ họ mong muốn được đánh giá năng lực theo cách khác thay vì sự bận rộn dễ thấy từ bên ngoài. Đó có thể là hiệu quả công việc, các chỉ số chính xác, đối thoại trực tiếp với cấp trên,... Ngày nay, nhiều công ty cũng áp dụng cách thức đánh giá, trả lương, khen thưởng cho nhân sự dựa trên kết quả làm việc, điều này giúp cho người lao động có động lực thực tế để cố gắng làm việc. 

Nhiều lao động hay ra vẻ bận rộn một cách vô nghĩa - Ảnh 8.

Chú trọng đến hiệu quả công việc thay vì bận rộn bên ngoài. (Ảnh minh họa: Freepik)

Có thể thấy, sự bận rộn chỉ là phương thức giúp nhiều người cảm thấy họ trở nên quan trọng. Tuy nhiên, sự bận rộn ấy sẽ chẳng làm nên tên tuổi, giá trị nếu như hiệu quả công việc và sự thăng tiến chỉ mãi giẫm chân tại chỗ. Hãy giảm thiểu tối đa những yếu tố làm bạn bị sao nhãng và giữ không gian làm việc gọn gàng, đơn giản. Đưa những công việc quan trọng vào thời gian biểu và xây dựng kế hoạch dựa theo chúng.

Trang Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm