Kỷ niệm 100 năm sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022): 'Tôi viết trường ca này tưởng nhớ bác Sáu Dân'

22/11/2022 07:45 GMT+7 | Văn hoá

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), báoThể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của nhà thơ Thanh Thảo - tác giả trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân (NXB Hội Nhà văn, 2014).

1. Ngày 23/11này là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người luôn được gọi với tên thân mật, thân thiết là bác Sáu Dân. Một con người đã suốt đời vì dân vì nước, đúng như bí danh hoạt động cách mạng của mình.

Trong đời tôi, chỉ có may mắn được gặp bác Sáu Dân có 1 lần, giữa đường rừng chiến khu Tây Ninh thời chiến tranh, và chỉ gặp đúng 15 giây.

Nhưng 15 giây tình cờ gặp gỡ ấy đã găm vào tâm hồn tôi suốt 40 năm, cho tới khi tôi viết được bản trường ca về bác Sáu Dân-Võ Văn Kiệt. Gặp nhau giữa rừng, chỉ 15 giây, hồi đó cũng chả có gì từ bác Sáu cho tôi để nhớ, ngoài một cử chỉ: Bác xuống xe đạp, bắt tay tôi và bạn tôi, 2 thằng lính trẻ, với thái độ rất thân mật, rồi lên xe đạp đi tiếp.

Chỉ thế thôi, nhưng tôi nhớ. Không chỉ nhớ, cử chỉ ấy của một người lãnh đạo (hồi ấy bác Sáu Dân được Trung ương Cục phân công phụ trách Ban Binh vận), khiến tôi xúc động và suy nghĩ. Vì đó là một cử chỉ rất tử tế, rất văn hóa. Và rất con người.

40 năm sau, khi bắt tay vào viết bản trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân, tôi có điều kiện xâu chuỗi lại những dấu ấn thời gian mà  bác Sáu Dân, sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã chịu đựng bao đau khổ của bản thân và cả gia đình mình, và đã làm được, đóng góp được những điều lớn lao cho đất nước, nhất là cho nhân dân mình.

Kỷ niệm 100 năm sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022): 'Tôi viết trường ca này tưởng nhớ bác Sáu Dân' - Ảnh 2.

Trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân” của nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết

2. Trong những điều lớn lao mà bác Sáu Dân-Võ Văn Kiệt làm được cho đất nước, có một điều lớn lao Bác làm được cho Quảng Ngãi quê hương tôi. Đó là, sau những lần về thăm, làm việc, thị sát cặn kẽ tại Quảng Ngãi, tại Dung Quất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất, Quảng Ngãi.

Những năm cuối thế kỷ 20, kinh tế Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, và Quảng Ngãi đang còn là một tỉnh vừa mới chia tách ra từ tỉnh ghép Nghĩa Bình nên khó khăn bội phần, nhân dân rất khổ.

Nếu dự án lớn lao về đường dây cao thế 500KV xuyên Bắc - Nam của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay ban đầu đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều phản biện gay gắt, thì việc quyết định sẽ đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi ngay từ đầu cũng không được đại đa số ý kiến tán thành. Nhiều lý do được đưa ra, chủ yếu là đặt nhà máy lọc dầu tại Quảng Ngãi không thuận lợi về giao thông, về đường vận chuyển dầu thô trên biển quá dài, về cơ sở hạ tầng Dung Quất còn quá hoang sơ.

Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy ở Dung Quất, qua tư vấn của những nhà khoa học - những chuyên gia đáng tin cậy và có tầm nhìn - rằng đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất sẽ mở ra triển vọng công nghiệp hóa cho cả miền Trung vốn chịu quá nhiều khó khăn thiếu thốn có thể vươn lên trong kinh tế nhờ "đòn bẩy" này.

Kỷ niệm 100 năm sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022): 'Tôi viết trường ca này tưởng nhớ bác Sáu Dân' - Ảnh 3.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày khánh thành đường dây tải điện 500 KV năm 1994

Nhiều lần về Bình Sơn, Dung Quất, gặp gỡ trực tiếp với nhân dân Quảng Ngãi anh hùng nhưng đang vô cùng thiếu thốn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi thị sát toàn cảnh Dung Quất đã thấy ở đây chứa đựng một tiềm năng lớn: Nếu xây dựng nhà máy lọc dầu tại đây sẽ tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Quảng Ngãi, mà cho cả miền Trung. Giữa nhiều ý kiến trái chiều, bác Sáu Dân chỉ một nỗi niềm day dứt: làm sao cho dân Quảng Ngãi, cho dân miền Trung mình bớt khổ, có cơ hội vươn lên:

Tôi Sáu Dân như một lẽ thường tình
"Thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ"
Câu thơ Đồ Chiểu mãi đinh ninh

Phía đầm xa con bói cá
Kiên nhẫn chờ phút giây vĩnh cửu

Những cây quít dại
Thở thoang thoảng mùi biển giã 

Đàn bò nhẩn nha gặm cỏ
Lặng yên một đám mây vàng

Tôi yêu đất nước mình chứa chan
Chua xót

Không làm được gì cho đất nước
Là có tội với tổ tiên ông bà.

(Trích trường ca "Dạ, tôi là Sáu Dân")

3. Những câu thơ chạy suốt bản trường ca này của tôi đều mộc mạc như vậy. Nó là những độc thoại của một người thiết tha với đất nước, yêu thương tới xót xa nhân dân mình. Và muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân, cho đất nước.

Có một câu chuyện rất nhỏ bé, rất thân tình được tôi đưa vào trường ca, đó là chuyện khi bác Sáu Dân về Quảng Ngãi, bác đã gặp một người nấu bếp rất bình thường nhưng giỏi nghề, biết chế biến những món ăn ngon dân dã từ những vật liệu rẻ tiền. Đó là anh Hai Văn. Vị Thủ tướng và người nấu bếp đã thành bạn tâm tình, tâm giao khi bác Sáu Dân được ăn những món "ngon mà rẻ" từ tay người nấu bếp Hai Văn của Quảng Ngãi:

Có anh bạn tâm giao
Ở một nhà hàng mậu dịch Quảng Ngãi
Hai Văn lúi húi làm bếp đãi tôi món siêu rẻ
Siêu ngon
Hai anh em chén tạc chén thù
Trăng trên đầu như đang vào Thu
Bên một cầu thang gỗ
Đời tôi chưa phút nào nhẹ nhõm thế
Chúng tôi nói với nhau toàn chuyện tầm phào
Ăn với nhau một món tào lao
Uống rượu đế
Cười ha hả
Không nghị quyết không chỉ đạo
Chỉ một bát cháo trắng với hột vịt muối
Lúc hừng đông
Trăng đã lặn về Thạch Bích tà dương
Ánh mờ như tiếng vọng

Là nhà thơ rất yêu thương bác Sáu Dân, tôi thật vui khi viết được đoạn thơ này trong trường ca. Đó là nét đẹp hồn nhiên của một nhà cách mạng người quê Nam Bộ, của một người "từ nhân dân mà ra", giản dị, dễ gần, yêu thương, lành sạch.

Kỷ niệm 100 năm sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022): 'Tôi viết trường ca này tưởng nhớ bác Sáu Dân' - Ảnh 4.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Những nỗi lòng của bác Sáu Dân mỗi lần về Quảng Ngãi đã được tái hiện trong bản trường ca, như một leimotiv (nét chủ đạo) trong âm nhạc:

Quê tôi ở Vĩnh Long
Không biết vì sao mình yêu Quảng Ngãi
Có lẽ tổ tiên từng ở đó
Hay không phải?
Nhưng tổ tiên tôi là lưu dân
Không lang thang từ Bắc vào Trung rồi vào Nam
Thì còn đường nào đi nữa?

Và đây, khi bác Sáu trong một lần về Dung Quất, ngồi trên tảng đá ven biển làng muối Tuyết Diêm:

Ngày tôi về Dung Quất
Nơi ấy còn mang tên "Vũng Quít"
Ngồi trên hòn đá bãi Tuyết Diêm
Lắng nghe làng nghèo ngày xưa làm muối
Tôi để ý một cây xương rồng
Mọc chật vật đơn thân bên đá cội
Hoa cháy đỏ niềm trông đợi

Như cái khổ cộng sinh cái đẹp
Như cái đẹp thoát ra từ vất vả khôn cùng
Cây xương rồng miền Trung

Về đây mới thấu hiểu nhân dân
Mới day dứt làm điều gì đó
Cho miền Trung bay lên

Có thể từ cây xương rồng làng Tuyết Diêm
Một nhà máy lọc dầu hoài thai cực nhọc
Hoa xương rồng ngọn lửa lọc dầu đỉnh tháp
Cháy khôn nguôi khao khát đổi đời
Và đường dây 500KV đường Hồ Chí Minh chiến lược
Cái khó nhất khi nhìn thấy trước
Rồi thuyết phục anh em nhìn cùng một hướng với mình
"

4. Những tình cảm và đóng góp của bác Sáu Dân cho Quảng Ngãi là rất lớn, và đời bác đã có nhiều những đóng góp to lớn như thế và hơn thế.

Nhưng bản trường ca này không nhằm kể công một con người, mà muốn vẽ lại cuộc đời nhiều đau khổ, xót xa, mất mát của một nhà lãnh đạo đất nước, một người đã vượt lên những đau khổ mất mát của gia đình mình, của bản thân mình để hướng tới số phận hàng triệu hàng triệu người dân Việt qua chiến tranh.

Bác Sáu Dân-nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là một người như vậy. Và nhân dân Quảng Ngãi biết ơn ông, tự hào về ông như một người yêu thương nhân dân Quảng Ngãi với tất cả tấm lòng mình.

"Nhiều năm nay, tại khuôn viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã xây dựng một công viên nhỏ với bức tượng bán thân bác Sáu Dân để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của người dân Quảng Ngãi trước công tích vị Thủ tướng tuyệt vời của mình" – chia sẻ của nhà thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm