Khi Olympic là cuộc hành trình, không phải là giấc mơ

23/02/2024 12:51 GMT+7 | Thể thao

Tại Thế vận hội Tokyo 2020, lực sỹ cử tạ Hidilyn Diaz của Philippines đã làm nên lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên đoạt HCV Olympic cho quốc gia của mình. Điều đặc biệt là cử tạ không phải là môn thể thao phổ biến ở Philippines, và con đường đi đến kỳ tích của nữ VĐV  đã được các nhà báo Philippines phân tích khá kỹ. Họ gọi nó là một cuộc hành trình kỳ diệu…

1. Trong cuốn sách "Giải phu tấm HCV Olympic đầu tiên" nói về hành trình đến vinh quang của Hidilyn Diaz, các tác giả đã lý giải dưới nhiều góc độ, đặc biệt là mối liên hệ giữa thành công Olympic với GDP và nền kinh tế quốc gia, hay dễ hiểu hơn, đó là mức độ đầu tư. Bởi theo nhận định của cuốn sách, chiếc HCV lịch sử ấy không phải là "tình cờ".

Trước khi chiến thắng ở Tokyo 2020, Hidilyn Diaz  đã đoạt HCB tại Rio 2016 ở hạng 53kg, rồi HCV ở Asiad 2018 ở hạng 55kg với thành tích tổng cử tăng dần từ 200kg đến 207kg và cuối cùng là 224kg ở hạng 55kg tại Olympic. Một năm sau, cô cũng lần đầu tiên vô địch thế giới cũng tại hạng cân này. 

Câu chuyện của Hidilyn Diaz cho chúng ta hình dung về cách để chiến thắng huy chương tại Olympic, một đấu trường không những vĩ đại, mà còn có khác biệt vô cùng lớn so với các sân chơi như ASIAD, hay SEA Games, nơi tồn tại những môn thi có chấm điểm dựa trên cảm tính hay mức độ cạnh tranh không lớn.

Với Olympic, chiến thắng thường sẽ thuộc về người giỏi nhất ở môn thi đấu, hạng cân đó và đã được kiểm chứng theo thời gian cũng như các giải đấu thường niên. Nói cách khác, tính ổn định về phong độ đóng vai trò cốt lõi.

Có nghĩa là việc chiến thắng tại Olympic đôi khi không có gì gọi là… kỳ tích, cả dù đó là chiến huy chương lịch sử như của Hoàng Xuân Vinh cho thể thao Việt Nam hay Hidilyn Diaz cho Philippines. Những nhà vô địch này vốn đã là ứng cử viên nặng ký tại nội dung thi đấu của mình trước khi Thế vận hội khởi tranh, chỉ có những bất ngờ trong quá trình thi đấu mới khiến họ vuột mất huy chương mà thôi.

Khi Olympic là cuộc hành trình, không phải là giấc mơ - Ảnh 1.

Từ chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016...

Chính vì thế mà việc "phân chia" huy chương ở các kỳ Olympic cũng tương đối rõ ràng, các đoàn mạnh thì vẫn luôn đứng đầu, chỉ chênh lệch một vài HCV cũng đã tạo ra khác biệt về thứ hạng bởi dù có mạnh bao nhiêu đi nữa thì tổng số HCV mà đoàn đứng đầu Thế vận hội có được cũng chỉ chừng 40-50 chiếc, không có chuyện lên đến cả trăm HCV như SEA Games hay kể cả ASIAD.

2. Một chút phân tích như vậy là nhằm để minh định những khái niệm của thể thao Việt Nam trên con đường chinh phục Olympic. Đầu tiên, không có cái gì gọi là "giấc mơ" cả.

Việc đoạt huy chương Olympic là hoàn toàn có thể, kể cả đoạt HCV. Bởi mọi thứ đều liên quan đến các con số trong tập luyện và thi đấu, rất thực tế, rõ ràng. Nếu có thành tích tiệm cận huy chương, thì chỉ cần thêm chút may mắn thì sẽ được, và ngược lại.

Kế đến, cũng vì thế,  mà việc giành bao nhiêu vé dự Olympic không liên quan gì nhiều đến chuyện giành huy chương. Số lượng "vé" dự Olympic chỉ phản ảnh kết quả của quá trình lập kế hoạch, chưa chắc đã nói lên được nội lực của nền thể thao quốc gia.

Ví dụ như chúng ta có nhiều "vé" ở nhiều môn, nhưng khi vào thi đấu thì lại chẳng có huy chương nào, thì chắc chắn là không thể làm tốt hơn những chiếc huy chương ít ỏi của các đoàn khác, dù họ có số "vé" ít hơn.

Thế nên, trong một chừng mực nào đó, nhiều vé chưa hẳn đã vui mà ít vé thì chưa chắc đã thất bại. Điều quan trọng là chúng ta giành những tấm vé ấy với các thông số chuyên môn nào.

Lấy ví dụ HCV Asiad Phạm Quang Huy ở môn bắn súng cho đến nay vẫn chưa đạt chuẩn để dự Olympic, kể cả khi anh vừa giành HCV ở nội dung 10m súng ngắn… đôi nam nữ cùng ở giải vô địch châu Á hồi tháng 1 vừa qua.

Hiện bắn súng đã có 2 vé, dự kiến sẽ có thêm 1-2 vé nữa, nhưng xét về thành tích lẫn phong độ thì cơ hội có huy chương là rất thấp. Ngoài bắn súng, cho đến nay, các tấm vé dự Olympic Paris 2024 mà Việt Nam đang có đều không đủ khả năng dự báo huy chương.

3. Khi không gọi Olympic là "giấc mơ", chúng ta cần tiếp cận đấu trường này theo cách của một cuộc hành trình để tránh như hụt hẫng từng xảy ra sau chiếc HCB ở taekwondo của Trần Hiếu Ngân, chiếc HCB cử tạ của Hoàng Anh Tuấn và HCV bắn súng của Hoàng Xuân Vinh. Cả 3 môn thi đấu mà chúng ta vươn được đến tầm cao ấy, đều đang không ở sự phát triển tốt nhất thời điểm hiện tại.

Khi Olympic là cuộc hành trình, không phải là giấc mơ - Ảnh 2.

... đến chức vô địch của đô cử nữ Hidilyn Diaz ở Olympic Tokyo 2022 đều là những hành trình kỳ diệu

Bắn súng thậm chí còn trắng tay tại SEA Games 2019, chỉ 3 năm sau lịch sử mà Hoàng Xuân Vinh tạo ra. Điều đáng nói hơn, đây là những môn thi đấu theo hạng cân, hoặc nội dung có liên quan đến hình thể, nghĩa là phù hợp với VĐV Việt Nam.

Vậy nhưng, ngay cả như thế thì chúng ta cũng không duy trì được tính ổn định cả về con người lẫn thành tích ở những môn đã chứng minh khả năng của VĐV Việt Nam.

Tiếp cận huy chương Olympic theo cách của một cuộc hành trình, nghĩa là nói đến câu chuyện đầu tư trọng điểm, chọn lọc. Cử tạ không phải là môn phổ biến ở Philippines nhưng Hidilyn Diaz lại làm được điều mà môn boxing của quốc đảo này không thể làm được.

Trong 14 huy chương Olympic mà thể thao Philippines có được tính từ lần tham gia đầu tiên năm 1924  đến nay, boxing đoạt đến 8 huy chương, nhưng đa số là HCB. Chính nỗ lực cá nhân của Hidilyn Diaz đã giúp cô trở thành người hùng quốc gia, nhưng qua đó cũng thấy việc đầu tư cho một cá nhân, ở nội dung có thể tranh chấp huy chương dựa trên hạng cân phù hợp, cũng là chiến lược mang ý nghĩa quyết định.

Không phải tự nhiên mà các môn thi đấu ở Olympic có phân loại hạng cân, nội dung. Đó là cơ hội gần như duy nhất cho các nền thể thao chịu thua thiệt về yếu tố thể hình.

Đã đến lúc thể thao Việt Nam nghĩ về những cuộc hành trình như vậy. Olympic là một cuộc chơi hoàn toàn khác biệt, mà yếu tố tài năng chỉ là một khía cạnh.

Việc chúng ta tung toàn bộ lực lượng, đi tìm từng tấm vé cho đủ chỉ tiêu, có lẽ cần phải được tính toán lại khi mà nguồn lực của chúng ta trong đầu tư có hạn.

Nghĩa là mọi thứ cần phải thay đổi ngay từ cách ngành thể thao lập kế hoạch hay đưa ra tầm nhìn, định hướng. Có như vậy, thì không phải rơi vào tình trạng cứ đến Olympic lại đi "săn" vé theo kiểu hồi hộp chưa biết có hay không. 

Cho đến thời điểm hiện tại thì thể thao Việt Nam mới chính thức giành 4 suất dự Olympic Paris 2024, bao gồm một suất của xe đạp (Nguyễn Thị Thật), một suất của bơi (Nguyễn Huy Hoàng), 2 suất của bắn súng (Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền). Chiếc vé tham dự Olympic Paris 2024 tiếp theo của thể thao Việt Nam được dự báo sẽ thuộc về Nguyễn Thuỳ Linh nếu như cây vợt này duy trì được một vị trí trong top 20 trên bảng xếp hạng thế giới. Thậm chí, nếu có được kết quả tốt tại các giải đấu quốc tế từ giờ đến trước 30/4/2024, Nguyễn Thùy Linh đứng trước cơ hội trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử cầu lông Việt Nam được xếp hạng hạt giống ở một kỳ Thế vận hội. Hiện tại Thuỳ Linh đang xếp hạng 23 thế giới theo bảng xếp hạng mới nhất được công bố ngày 20/2/2024 của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF).

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm