BLV Lý Chánh: Joachim Loew thành công nhờ dám thay đổi

16/07/2014 06:28 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi World Cup 2014 khai mạc, ông Joachim Loew, HLV tuyển Đức đã nói về vai trò quan trọng của cầu thủ dự bị trong điều kiện thời tiết oi bức của Brazil. Nhưng thay ai, và thay vào lúc nào mới là điều đáng nói.

1. Và ông Loew rất thành công vì đã có những lần thay người hiệu quả: Miroslav Klose ghi bàn san bằng tỷ số 2-2 trong trận đấu quan trọng ở vòng bảng với Ghana, và sau đó là bàn mở tỷ số ở hiệp phụ của Andre Schuerrle khi anh được tung vào sân trong trận gặp Algeria. Mới nhất, trong trận chung kết với Argentina, Mario Goetze là người ghi bàn quyết định sau khi vào sân thay người.

Đáng nói nhất vẫn là những lần thay người mang lại hiệu quả tức thì của Luis van Gaal. Ít ai dám quyết định thay con át chủ bài của mình vào lúc dầu sôi lửa bỏng như van Gaal khi ông thay Robin van Persie bằng Klaas-Jan Hunterlaar, để cầu thủ này tạo cơ hội cho đồng đội san bằng tỷ số trước khi ghi bàn quyết định từ chấm 11m trước Mexico. Chưa dùng lại ở đó, ông còn khiến chính đối thủ của mình ngạc nhiên khi thay thế thủ môn Jasper Cillessen bằng Tim Krul trước loạt sút luân lưu 11m với Costa Rica. Kết quả như thế nào thì mọi người cũng đã biết.

Cũng như van Gaal, HLV Marc Wilmots là người đã có những lần thay người rất xuất sắc khi những cầu thủ dự bị ghi bàn quyết định đến 3 trong 4 trận thắng của Bỉ tại World Cup lần này (Fellaini, Mertens trận thắng Algeria 2-1, Origi trận thắng Nga 1-0, Lukaku trận thắng Mỹ 2-1).

2. Ngoài ra, việc Loew kéo Philipp Lahm về vị trí hậu vệ phải quen thuộc cũng đã cho thấy sự nhạy bén trước tình thế của ông. Trong khi đó, thuật dùng người của van Gaal trong trận thắng ngược Mexico rất đáng được tán dương khi ông lần lượt sử dụng Dirk Kuyt rất hiệu quả ở các vị trí từ hậu vệ phải, rồi đẩy sang trái, và cuối cùng là đá ngang với Hunterlaar ở những phút cuối cùng. Nên nhớ, ở Nam Phi 2010, Kyut là người chơi cao nhất trên hàng công của Hà Lan!

Nhưng sai lầm cũng là điều không thể tránh khỏi.

Ngay cả van Gaal cũng có thể đã sai, tôi cho là thế, khi ông vẫn để van Persie đá từ đầu trong trận bán kết. Lẽ ra, ông có thể để Hunterlaar xung trận, dành van Persie cho thời điểm quan trọng hơn. Hoặc, ông đã có thể “tiết kiệm” hơn trong 3 lần thay người của mình vì một lần đưa Krul vào loạt sút luân lưu 11m nữa có thể giúp Hà Lan giành được lợi thế về tâm lý trước Argentina.

Trong khi đó, Wilmots và Didier Deschamps lại quá thụ động và thiếu quyết đoán trong cách ứng phó với Argentina và Đức. Cả Bỉ và Pháp đều vào trận tứ kết với tâm thế kẻ dưới cơ và nhắm đến lối chơi phản công bằng cách lần lượt để Origi (Bỉ) và Griezmann (Pháp) đá từ đầu. Tuy nhiên, kế hoạch của cả hai đều phá sản vì những bàn thua sớm, và cả Wilmots và Deschamps đều không nhận ra rằng những con người dùng cho lối đá phản công không thể phù hợp cho thế trận đi tìm bàn gỡ hòa trước các đối thủ giàu kinh nghiệm hơn.

3. Felipe Scolari và Vicente Del Bosque là những điển hình của việc quá tin dùng các ngôi sao cựu binh của mình. Del Bosque không dám thay Iker Casillas – thủ môn bị sốc nặng sau trận thua Hà Lan 1-5, còn Scolari như bị “tẩu hỏa nhập ma” với những con bài không những cũ rích của mình mà còn mất thêm con bài tẩy Neymar. Đến bây giờ, người ta vẫn thắc mắc không biết Scolari đã làm gì cho đến khi Brazil bị dẫn 5-0 trong vòng chưa đầy nửa tiếng mà chẳng có một động thái thay đổi nào.

Có lẽ, đã đến lúc huấn luyện viên cũng cần phải có sự sáng tạo trong thuật sử dụng người như cách cầu thủ trình diễn kỹ thuật trên sân.

Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm