Hội thảo khoa học quốc tế "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…": Hồ Xuân Hương trong nhà trường

06/12/2022 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Hơn 30 tham luận chọn lọc từ 138 bài nghiên cứu đã được gửi đến Hội thảo khoa học quốc tế nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản, tại Nghệ An ngày 3/12 vừa qua, do tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Nhà phê bình - TS Nguyên An đã có bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về một chủ đề thiết thực hiện nay: Việc dạy và học thơ Hồ Xuân Hương trong nhà trường.

1. Việc đưa tác phẩm của Hồ Xuân Hương vào nhà trường ở ta, nhất là nhà trường phổ thông bậc trung học cơ sở, quả thật không thể coi là dễ dàng. Dẫu có lúc băn khoăn, người ta vẫn phải thừa nhận rằng thơ Hồ Xuân Hương vẫn là hay, là độc đáo.

Chắc là khoảng từ 200 năm trước đây, thơ Hồ Xuân Hương đã được các ông giáo ở kinh đô Thăng Long và các trấn thành quanh đó tấm tắc đọc bình với nhau rồi đem ra dạy cho các nam sinh đang ôn luyện thi Hội, thi Đình. Cùng với họ, tại quê hương Hồ Xuân Hương, các thầy giáo làng cũng làm theo tương tự. Rồi họ - các thầy đồ - đã coi thơ Hồ Xuân Hương là đặc sản. Dẫu biết thứ thơ này rất chi phá cách, phá đạo, họ vẫn đưa ra đọc cùng nhau và giảng cho lớp trẻ đôi ba câu, một hai bài.

Hội thảo khoa học quốc tế "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…": Hồ Xuân Hương trong nhà trường - Ảnh 1.

Một góc triển lãm sách về Hồ Xuân Hương tại hội thảo

Những năm cuối thế kỷ 18 trở đi, như chúng ta biết, các ông giáo trường làng, trường xã thường là các nho sĩ, nho sinh thất bại trên đường khoa cử hoặc là các ông quan thất chí nên quay ra làm việc dạy trẻ. Người thì vì sinh kế, người thì cao vọng hơn, để tự giải thoát những bất mãn của mình với thời cuộc rối ren đang có cơ đồi bại đổ vỡ. Họ tìm đến Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, hoặc xa hơn, là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi… rồi như bỗng nhiên mà gặp lối thơ mới lạ, mới - quả là mới và đặc biệt, có ý tứ thật táo bạo - thậm chí là ngang tàng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì rất kinh ngạc.

Ngày nay có người nói: Thật ra, các ông giáo này đã bắt gặp chính tâm trạng, tâm sự sâu kín của mình mà lâu nay mình không, hay chưa có dịp ngỏ cùng ai, những là "Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son!" với là "Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!".

Thơ Hồ Xuân Hương, quả nhiên, không chỉ là tâm sự của một phụ nữ tài sắc có khí phách, mà thực ra, là tiếng thơ của cả những trí thức chưa gặp thời, của những nông phu hay thợ thủ công và bất cứ ai chuộng một cuộc sống thoải mái giữa trần gian vậy.

"Việc coi tác phẩm Hồ Xuân Hương như là biểu hiện tập trung, duy nhất, đáng kể nhất của con người Hồ Xuân Hương, xem ra đã là quá đà…" - TS Nguyên An

2. Ngót 100 năm gần đây, nhất là khi giáo dục trong nhà trường được thúc đẩy bởi các trí thức tiến bộ, rồi các nhà hoạt động xã hội Việt Nam bắt đầu có vị trí trong diễn đàn học thuật và các phong trào yêu nước, canh tân… thì việc dạy/ học văn chương nói chung, dạy tác phẩm Hồ Xuân Hương nói riêng, đã bắt đầu được cân nhắc và xác định lại. Đã có một quá trình tranh luận về giá trị nội dung - tư tưởng, tình cảm… và hình thức nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương khi giảng dạy.

Thực ra, như chúng ta từng biết, cuộc tranh luận về nội dung tư tưởng, tình cảm… với phương thức biểu đạt nội dung ấy ở các tác phẩm thơ văn luôn luôn diễn ra, không chỉ trong khuôn khổ nhà trường.

Hội thảo khoa học quốc tế "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…": Hồ Xuân Hương trong nhà trường - Ảnh 3.

Triển lãm thơ Hồ Xuân Hương tại hội thảo

Song đối với thơ Hồ Xuân Hương, trong cuộc tranh luận này, ta thấy có 2 hiện tượng, cũng là 2 đặc điểm đáng chú ý:

Một là, đã có sự thiên lệch: Hoặc là quá nhấn mạnh, đề cao 2 nội dung phản phong và nữ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương. Đây là 2 nội dung có thật, 2 xúc động thẩm mỹ khá mạnh làm nên từ trường thơ Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, khi việc tìm hiểu và bình giá thơ Hồ Xuân Hương đã được mở rộng ra xã hội, có nhiều người, nhiều nhà tham gia chứ không chỉ là "độc quyền" của các nhà giáo (dẫu họ cũng có tố chất nghiên cứu), thì xu hướng nhấn mạnh này đã tỏ ra cố chấp và khiên cưỡng.

Tương tự như vậy, sự thiên lệch này lại được biểu hiện ở hướng thứ 2, là quá say sưa đến việc bình tán, rồi đi đến việc xác định cái hay, cái độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương là ở cách sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Những nhà giáo dạy thơ Hồ Xuân Hươngtheo lối này đã chú ý (và hầu như chỉ tập trung chú ý) khai thác cách dùng từ lấp láy, lắt léo, đa nghĩa của Hồ Xuân Hương… mà quên rằng: Từ ngữ trong văn chương của bà không chỉ là "vỏ tư duy", mà chúng - cái đội quân vừa quen vừa lạ ấy của bà - chính là nơi tập trung thể hiện thật rõ tâm sự và tư tưởng, tình cảm của bà.

Hội thảo khoa học quốc tế "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…": Hồ Xuân Hương trong nhà trường - Ảnh 4.

Ngày nay đọc lại thơ Hồ Xuân Hương, ta càng nhận ra không có chuyện đây là vỏ, kia là ruột một cách siêu hình. Ở thơ bà, ở những bài hay nhất, có ý nghĩa đại diện cho một tài năng thơ, thì chữ nào, vần nào cũng có giá trị riêng trong một tư duy rành mạch mà có sự liên kết chặt chẽ, tình tứ.

Hai là, nhiều khi, từ việc phân tích thơ Hồ Xuân Hương, các nhà giáo đã tự nhiên mà bình giá con người Hồ Xuân Hương, cảm thông với thân phận của nữ sĩ… Chúng ta hẳn không mấy xa lạ với con đường này, bởi từ khi chưa có mỗi chúng ta hôm nay, cái nguyên lý "thơ là người" đã sinh ra và trường tồn, đã cắm rễ thật sâu trong tâm thức nhân gian cõi Việt và cả trời Tây rồi!

Và như vậy, chỉ có vậy, thì việc phân giải và bình luận, rồi so sánh và xác định văn tài cùng vị trí của các danh gia (như Hồ Xuân Hương) lại đã sa vào tình trạng coi tác phẩm văn chương, tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương đích thị là con người Hồ Xuân Hương 100%. Trong khi đó, cái nguyên lý "thơ là người" vừa nêu, thực ra nên hiểu: Thơ là một trong những phiên bản của người trực tiếp làm ra nó. Cách hiểu đơn giản 100% trên đã đi đến kết quả phân tích thơ Hồ Xuân Hương dễ dãi, đơn giản… rồi đi đến kết luận rằng quả mít đang bị mân mê kia đã kêu lên "Quân tử có yêu thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay"; còn con ốc nhồi "Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi" nọ, nhăm nhe rằng "Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi"; rồi cả cái quạt "Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa"… ấy, đều là hình ảnh biểu tượng gợi nhục cảm, bởi cuộc đời Hồ Xuân Hương rất khát thèm quan hệ tình dục nên bà phải giải thoát bằng lối thơ vịnh như vậy!

Khi ngộ ra, các nhà nghiên cứu theo hướng cho rằng, muốn chứng minh rằng thơ với đời đích thị là 1=1 tuyệt đối, đã biết là mình nhầm, mình đã phân tích, bình giá thơ Hồ Xuân Hương theo hướng xã hội học dung tục mất rồi.

Hội thảo khoa học quốc tế "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…": Hồ Xuân Hương trong nhà trường - Ảnh 5.

Quang cảnh Hội thảo khoa học Quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản". Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Nếu tạm dừng lại một chút, chúng tôi muốn lưu ý: Thơ (văn) vốn từ đời, từ mỗi người mà nảy sinh, nhưng thành văn bản tác phẩm để thực sự lưu truyền rộng rãi, thì chỉ do một cá thể sáng tạo ra mà thôi. Cá thể sáng tạo ấy là Hồ Xuân Hương (hay Nguyễn Du hoặc Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi…). Họ - những văn nhân kiệt xuất, tạo ra những văn bản trác tuyệt để đời có giá trị lưu truyền qua nhiều hậu thế - quả thực không chỉ để lại con người cá thể của mình trong tác phẩm văn chương một cách khéo léo, tinh tế mà thực ra, còn để lại cho người đời một vài cách hiểu về thực trạng xã hội. Cả 2 sự để lại này đều đòi hỏi người đọc muôn đời phải nghiền ngẫm mới mong hiểu đúng được.

Việc coi tác phẩm Hồ Xuân Hương như là biểu hiện tập trung, duy nhất, đáng kể nhất của con người Hồ Xuân Hương, xem ra đã là quá đà. Và có lẽ, chỉ nên điều chỉnh lại ở mức: Xem tác phẩm của bà là một trong những nơi gửi gắm tư tưởng, tâm sự… và hoàn cảnh sống của bà. Trong đó, phần nào đại diện được cho tư tưởng nhân quyền và hiện thực thời đại, thì ta cố tìm hiểu rồi mang ra dạy. Phần nào là cõi riêng của nữ sĩ, thì cứ cảm thông và trân trọng, hà tất phải tô thêm, suy đoán thêm.

Dạy thơ Hồ Xuân Hương trong nhà trường cần khách quan, khoa học đã đành, và cũng rất nên có chừng mực để đạt tới sự tinh tế và phù hợp nữa.

3. Hồ Xuân Hương trong nhà trường là một phiên bản của Hồ Xuân Hương ngoài đời thực, cũng là một phiên bản của các nhà nghiên cứu về tác phẩm và thân thế của bà.

Phiên bản Hồ Xuân Hương trong nhà trường có sự cô đúc, và dễ nhận biết. Phiên bản này cũng đã và đang có sức sống riêng, sức vẫy gọi thế hệ trẻ vươn tới một lối sống lành mạnh, trung thực (với chính mình và xã hội) mà biết và dám đấu tranh cho nhân quyền, nữ quyền, để góp phần xây dựng một cuộc sống bình đẳng, hướng thiện, hài hòa với tự nhiên.

TS Nguyên An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm