Hoàng Trầm vẹn cả hai vai: dạy và vẽ

20/11/2010 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng nay, 20/11, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức lễ chúc mừng họa sĩ Hoàng Trầm cùng các họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng và Huỳnh Văn Mười (họa sĩ Uyên Huy) - 3 nhà giáo của trường vừa được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Cũng trong dịp này, triển lãm cá nhân đầu tiên của lão họa sĩ 82 tuổi có tên Hội họa Hoàng Trầm khai mạc lúc 10h30 ngày 20/11/2010 tại Applied Arts Center (5 Phan Đăng Lưu, TP.HCM).

Triển lãm giới thiệu 194 tác phẩm, gồm 31 sơn dầu và sơn mài, 5 khắc gỗ, còn lại là ký họa vẽ từ 1957 đến nay. Hoàng Trầm là một họa sĩ tâm huyết, một người thầy tài năng và gương mẫu của nhiều thế hệ.

Người thầy gương mẫu



Hoàng Trầm sinh ngày 18/6/1928 tại xã Hướng Thọ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An (bây giờ là tỉnh Long An). Ông là sinh viên CĐ Mỹ thuật Việt Nam khóa 1. Tác phẩm tốt nghiệp hạng ưu là Hợp tác xã người Mường, sau này chuyển thành sơn mài, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc đời Hoàng Trầm gắn liền với học và dạy, từ năm 1964 đến 1975 là giảng viên ĐH Mỹ thuật Hà Nội (sau này là ĐH Mỹ thuật Việt Nam); từ 1975 đến 1988 là giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Nghỉ hưu năm 1988; năm 1988 được phong tặng Nhà giáo ưu tú; năm 2001, nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.


“Những sinh viên mỹ thuật thế hệ chúng tôi khi nói về một người thầy với cái từ tiêu biểu nhất, đều nghĩ đến thầy Hoàng Trầm - họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Hiệu phó ĐH Mỹ thuật TP.HCM thổ lộ - Ở thầy, toát lên lòng nhân hậu, sự đam mê, tình yêu nghề, những vốn quý nhất mà một người sinh viên mỹ thuật mong muốn có được trong đời làm nghệ thuật của mình. Thầy nói ít, nhưng sâu, hiểu đến những điều sâu nhất mà học trò của mình còn khúc mắc. Thầy không chỉ giảng bài, mà bằng công việc sáng tác cụ thể của mình, thầy đã truyền tải được kiến thức cùng với ngọn lửa của lòng yêu nghề cho sinh viên. Thầy thường nói, mình không thể làm được hai việc một lúc, điều đó có thể đúng. Nhưng trong cuộc đời của mình, họa sĩ Hoàng Trầm đã làm được hai việc tuyệt vời, đó là dạy và vẽ. Tranh của thầy đầy tính nhân hậu, với cái đẹp duyên dáng, thuần nhất cùng với sự điêu luyện của kỹ thuật, khó có ai có thể làm được. Thầy không chỉ là tấm gương trong việc dạy và vẽ, mà còn là nhân cách sống cho thế hệ sinh viên chúng tôi”.

Ngoài mảng ký họa rất phong phú về đề tài, bút pháp, triển lãm cá nhân lần này công bố nhiều tác phẩm quan trọng của ông, bằng chất liệu sơn mài, sơn dầu... Nhìn rộng hơn triển lãm này, giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá ông có những tác phẩm tiêu biểu như Mẹ kháng chiến, Hoa trái, Lính kể chuyện, Lũ, Qua sông, Đi chợ sớm, Rừng sác, Ông cháu, Chị em, Tình đồng đội, Tình quân dân, Trận địa mới... Ông nhận nhiều giải thưởng từ Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Các tác phẩm Hát bội, Lũ (sơn mài), Mèo, Kênh (lụa), Lính kể chuyện (sơn dầu) được sưu tập bởi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.


Tác phẩm Tình đồng đội, sơn dầu, 100x130cm, 1997

Nghệ sĩ đích thực

Nhiều người cho rằng, trong số những họa sĩ Nam bộ kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, đi theo con đường chính thống, tài năng nhất là Nguyễn Sáng, nhì là Hoàng Trầm.

Hoàng Trầm có một điểm đặc biệt mà ít họa sĩ Việt nào với tới là ông luôn trăn trở tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện cho hội họa Việt Nam, cụ thể là chất Nam bộ. Ông chống lại việc bắt chước nước ngoài, dù đó là những nền hội họa lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Điều này cũng giải thích tại sao Hoàng Trầm ít vẽ sơn dầu, dù sự am hiểu của ông về chất liệu này rất sâu sắc, vài tác phẩm sơn dầu rất tiêu biểu. Những tác phẩm mà ông để nhiều tâm huyết thường được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, lụa và khắc gỗ - những kỹ thuật gắn bó lâu đời với người Việt.

Nói như nhà nghiên cứu - phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, tranh của Hoàng Trầm tiêu biểu cho giai đoạn nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vẽ tả thực chân thành, lấy cái mộc mạc, cái chân tình làm sức sống, lấy lòng yêu nước làm động lực, lấy chiến thắng vì cái thiện của lý tưởng làm mục tiêu. Sống với những con người bình dị, những tập thể công nông binh nhẫn nại, kiên cường. Các ký họa của ông là nhân chứng cảm động, chân thực của một thời gian khó ấy. Ngay ở các trực họa kỹ càng, điêu luyện, tài hoa của ông đã làm hiện hình sinh động những bà má miền Nam, những o du kích Nam Ngạn, tự vệ Ngư Thủy, những cô gái Mường, những anh chị công nhân và nhất là những anh bộ đội chống Mỹ... Có thể nói đó là “các nhân vật điển hình, trong hoàn cảnh điển hình”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm