Hiện tượng sương mù dày đặc kéo dài đến ngày 5/2

02/02/2024 15:11 GMT+7 | Tin tức 24h

Đêm 1 và sáng 2/2, khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội xuất hiện sương mù dày đặc, thời tiết ảm đạm khiến nhiều phương tiện lưu thông trên đường bị hạn chế tầm nhìn, phải di chuyển rất chậm. 

Nhiều phương tiện như ô tô, xe máy khi lưu thông trên đường phải bật đèn, riêng ô tô khi di chuyển phải bật cả đèn cảnh báo. Đến 10 giờ ngày 2/2, sương mù vẫn tiếp tục bao phủ nhiều tòa nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, tình trạng sương mù dày và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2 tại các khu vực trên và tập trung vào thời điểm tối, đêm và sáng sớm. Từ ngày 5/2, sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống khu vực Bắc Bộ.

Hiện tượng sương mù dày đặc kéo dài đến ngày 5/2 - Ảnh 1.

Cầu Long Biên chìm trong sương mù dày đặc. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Lý giải về nguyên nhân hiện tượng này, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, sự xuất hiện của sương mù dày đặc là do những ngày qua, khu vực Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ liên tục có mưa nhỏ, mưa phùn nên độ ẩm cao. Ngày 2/2, thời tiết khá lặng gió nên không khí xáo trộn ít. Trong 1 tuần trước đó, xuất hiện đợt không khí lạnh mạnh, tuy nhiên lớp không khí lạnh lại rất mỏng nên chỉ làm lạnh ở một lớp lạnh mỏng sát bề mặt.

Qua đo đạc cho thấy, nhiệt độ không khí ở sát bề thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.

Hiện tượng sương mù dày đặc kéo dài đến ngày 5/2 - Ảnh 2.

Các phương tiện di chuyển khó khăn trong lớp sương mù dày đặc trên phố Hoàng Diệu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa Đông. Đây là hiện tượng bình thường và mang tính quy luật.

Hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, có khả năng gây nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ và các khu vực sân bay và lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.

Để hạn chế tác hại của sương mù, khi người dân ra đường cần sử dụng khẩu trang y tế để ngăn ngừa khí độc trong sương, giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt, không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm. Trước khi mặc, người dân cần là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên quần áo, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch, tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng…

Thắng Trung/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm