Hiểm họa khôn lường từ buôn bán, chế tạo pháo trái phép

15/01/2024 15:25 GMT+7 | Tin tức 24h

Dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng hàng năm những con số thương vong vì chế tạo pháo nổ trái phép vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm, mà nạn nhân đa phần lại là những người trẻ. Vào dịp gần Tết nguyên đán, các bệnh viện liên tục ghi nhận sự gia tăng số vụ tai nạn liên quan đến pháo tự chế.

Tình trạng sản xuất, buôn bán pháo nổ diễn biến rất phức tạp

Lợi nhuận từ việc bán pháo nổ rất lớn, chính vì vậy bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu vẫn còn tràn lan các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng, các hóa chất sử dụng làm nguyên liệu chế tạo pháo vẫn có thể mua bán dễ dàng, và ý thức của người dân chưa được nâng cao thì những cái chết thương tâm do pháo vẫn còn tiềm ẩn.

Trong thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán pháo nổ có những diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cháy nổ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra trên cả nước.

Hiểm họa khôn lường từ buôn bán, chế tạo pháo trái phép - Ảnh 1.

Bắt đối tượng buôn bán pháo nổ, thu giữ hơn 4.200 quả pháo. Ảnh: TTXVN phát

Từ ngày 15/12 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 20 vụ buôn bán, vận chuyển, tang trữ, sản xuất pháo trái phép; thu giữ hơn 1 tấn pháo nổ các loại. Đây là hoạt động đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thành phố.

Còn trong năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000kg pháo. Nhiều loại pháo bị thu giữ do các đối tượng tự chế tạo theo công thức học được trên mạng. Cũng vì trào lưu này mà chỉ trong vòng vài tháng cuối năm đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ. Hầu hết các vụ tai nạn pháo nổ đều có nạn nhân là các em học sinh - đối tượng rất dễ học theo các clip hướng dẫn chế tạo pháo vốn tràn lan trên mạng internet.

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Chỉ với từ khóa pháo nổ tự chế, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo từ A đến Z trên các trang mạng xã hội. Mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và trực quan. Dễ dàng đến mức một học sinh lớp 5 cũng có thể chế tạo thành công nếu làm theo đúng hướng dẫn. Thế nhưng điều quan trọng nhất là các quy tắc an toàn thì không có bất cứ khuyến cáo nào. Thậm chí, đối tượng này còn sẵn sàng đốt thử thuốc pháo vừa trộn xong ngay trong phòng.

Bất chấp nguy hiểm, mỗi ngày vẫn có vô số loại pháo nổ, pháo hoa nổ được tạo ra từ các phòng ngủ, gian bếp, gác xép, bằng các loại thuốc pháo tự chế.

Hiểm họa khôn lường từ buôn bán, chế tạo pháo trái phép - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe tải có 522 hộp pháo các loại và 9 bao tải có chứa pháo với tổng trọng lượng 843kg. Ảnh: TTXVN phát

KCL03 và bột nhôm - những hóa chất được mua rất dễ dàng trên mạng - nhưng khi trộn chúng với nhau sẽ tạo ra một hỗn hợp chất nổ cực mạnh. Bằng cách cho vào những ống giấy, các đối tượng đã tạo ra những dây pháo để bán ra thị trường kiếm lời.

Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân…

Điển hình là vụ nổ kinh hoàng do chế tạo, đóng gói pháo trái phép xảy ra tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Ninh Bình vào ngày 8/12/2023. Một căn nhà cấp 4 bị phá sập hoàn toàn, bán kính 50m xung quanh không có bất cứ thứ gì còn nguyên vẹn. Hai công nhân được thuê đóng gói thuốc nổ tử vong ngay tại chỗ, 1 cháu bé bị thương. Chỉ vì học công thức chế tạo pháo trên mạng, sau đó chia nhỏ thuốc pháo bán kiếm lời, đối tượng này đã gây ra đau thương tang tóc cho cả một vùng quê nghèo.

Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Linh - người đã đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng để chế tạo pháo nổ nhằm bán kiếm tiền. Hai người thiệt mạng là 2 người Linh thuê về lắp ráp ngòi nổ, đóng gói pháo và đơn hàng để bán cho khách.

Không chỉ tại Ninh Bình, thời gian qua, Công an nhiều địa phương trên cả nước cũng liên tiếp phát hiện học sinh, thanh thiếu niên mua tiền chất trên mạng xã hội về tự học cách chế tạo pháo. Thậm chí đã có em phải nhập viện với vết thương nghiêm trọng.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 14 vụ với 94 em học sinh vi phạm về pháo. Lực lượng Công an đã tiến hành thu giữ gần 72 kg pháo, hơn 400 quả pháo và khoảng 10 kg thuốc pháo và tiền chất thuốc pháo. Đáng chú ý, Công an đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn một nhóm 36 em học sinh của một trường trung học cơ sở đang chuẩn bị chế tạo pháo nổ.

Tại Đắk Nông, một thiếu niên 17 tuổi học trên mạng xã hội, tự chế tạo pháo nổ bán kiếm lời. Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thu giữ 20 quả pháo nổ tự chế và 81 quả pháo bi tự chế với tổng trọng lượng 4kg.

Công an huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cũng đã phát hiện, bắt quả tang 3 thiếu niên chế tạo, tàng trữ pháo nổ trái phép. Các thanh thiếu niên này khai nhận đã lên mạng xã hội học và đặt mua vật liệu, công cụ về tự chế tạo pháo nổ.

Còn tại Hà Nội, tự ý mua thuốc pháo trên mạng về tự chế, một em 14 tuổi ở huyện Thanh Oai đã phải nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải và tổn thương nhiều vùng trên cơ thể.

Tại Lục Ngạn, Bắc Giang, trong đầu tháng 12/2023, một nam sinh lớp 11 nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu, chấn thương mặt, dập nát bàn tay và nhiều bộ phận khác.

Quy trình chế tạo pháo, đặc biệt là pháo nổ đòi hỏi dây chuyền công nghệ cũng như những nguyên tắc an toàn vô cùng nghiêm ngặt. Hiện nay chỉ có duy nhất Nhà máy Z121 được phép sản xuất pháo hoa không tiếng nổ và pháo hoa nổ. Mặt hàng pháo hoa không tiếng nổ được sản xuất theo những quy tắc an toàn do Bộ Công an quy định, người dân được phép sử dụng. Còn pháo hoa nổ chỉ có các đơn vị quân đội được phép sử dụng trong những dịp lễ Tết trọng đại của đất nước và các địa phương.

Phương Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm