Người dân khổ vì ô nhiễm KCN

24/09/2011 10:38 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Người dân sống quanh khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, họ phải hứng chịu cảnh ô nhiễm do các nhà máy thải ra. Đa số các nhà máy nằm trong 2 KCN này đều thuộc diện sản xuất gây ô nhiễm ở nội thành di dời đến đây, nhưng xem ra “căn bệnh” ô nhiễm mãn tính vẫn chưa chữa được.

Công ty thuộc da Hào Dương nằm trong KCN Hiệp Phước là doanh nghiệp đầu tiên xây dựng nhà máy trên mảnh đất sình lầy của huyện Nhà Bè từ gần 10 năm trước. Thời kỳ đó TP.HCM đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như thuộc da, dệt nhuộm, vật liệu xây dựng… vào khu vực này, bởi nó xa trung tâm TP.

Thực tế ô nhiễm

Sau này TP.HCM lại tiếp tục quy hoạch xây dựng nơi đây thành KCN Hiệp Phước với quy mô diện tích giai đoạn 1 là trên 300 ha, trong tổng quy hoạch 2.000 ha để đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở nội thành ra đây.

Chủ trương này là rất đúng đắn, nhưng có điều về quy hoạch tổng thể của cả khu vực, huyện Nhà Bè thì còn nhiều bất cập. Các khu dân cư vẫn tiếp tục được tái định cư ngay gần KCN, nhiều cụm dân cư riêng lẻ vẫn ở sát các nhà máy, nên vấn đề ô nhiễm không khí, nước… vẫn làm đảo lộn cuộc sống người dân nơi đây.



Nhà máy thuộc da trong KCN Vĩnh Lộc

Công ty Hào Dương đã từng xả thải ra môi trường khiến dư luận báo chí lên tiếng cuối năm 2009. Đến ngày hôm nay, tình trạng ô nhiễm vẫn khiến người dân bức xúc, người dân ở xã Hiệp Phước, Long Thới liên tục kêu cứu vì ô nhiễm môi trường. Một số hộ dân nuôi tôm cho chúng tôi biết, khu vực họ sống chưa có nước máy, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu vẫn là nước mưa, nhưng ô nhiễm khói bụi khiến người dân không dám hứng nước. Nhiều người nuôi tôm ở đây bị chết hàng loạt khi lấy nước vào ao nuôi. Thiệt hại trước mắt người dân chỉ biết ngậm đắng, nuốt cay.

Trường hợp khác ở Công ty TNHH Huynh đệ thuộc da Hưng Thái, năm 2010 cũng liên tục bị người dân phản ánh, thậm chí còn căng lều bạt trước cổng công ty (trong KCN Vĩnh Lộc) để phản ứng. Họ cho rằng công ty này thuộc da khiến không khí nông nặc mùi thối, con kênh chảy qua khu dân cư cũng đen ngòm khiến nhiều người mắc bệnh.

Theo ông Lý Ngầu, Giám đốc công ty, họ đã đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải và khí thải, nhưng trong quá trình sản xuất vẫn khó tránh được mùi hôi thoát ra ngoài.

Cần xây dựng KCN tách biệt

Một thực tế là tại một số KCN, KCX hiện này vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Người dân sống xung quanh các KCN kiểu này là nạn nhân chính gánh chịu thảm họa kép, đó là thiệt hại về kinh tế và mắc bệnh tật hiểm nghèo.

Vấn đề xây dựng KCN kết hợp với đô thị như hiện nay ở các tỉnh, trong đó có TP.HCM đang làm đã không còn phù hợp. Hiện TP.HCM đang xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước với quy mô hơn 3.911 ha ở huyện Nhà Bè. Trong đó: Diện tích KCN Hiệp Phước giai đoạn 1 (311 ha); KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (611 ha); KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (428ha); diện tích khu cảng hạ lưu Hiệp Phước 3 cộng với đất dự trữ và các loại đất khác (354 ha)… và diện tích dành cho khu đô thị là 1.206 ha. Như vậy, đây là khu đô thị cảng hay khu đô thị, công nghiệp?

Hơn 70 doanh nghiệp hoạt động trong KCN Hiệp Phước hiện nay đều là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như xi mạ, thuộc da, hóa chất, vật liệu xây dựng… nên nguy cơ gây ô nhiễm là rất cao.

Ông Nguyễn Đức Thuấn (Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam) cho rằng rất cần thiết để Chính phủ quy hoạch một KCN tập trung dành cho ngành sản xuất da giày. Theo ông Thuấn cái lợi ích lớn nhất là giải quyết gánh nặng ô nhiễm ở các thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai….Cái nữa là KCN dành cho sản xuất da giày tập trung sẽ giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn, trong khi không làm tăng áp lực đô thị hóa nhanh ở các thành phố, cũng như làm giảm căng thẳng về hạ tầng đô thị như giao thông, nhà ở…

Ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, nếu Chính phủ sớm quy hoạch xây dựng KCN da giày như thế thì ông là người đầu tiên đưa nhà máy sản xuất đến, cho dù nó ở miền Trung hay Tây Nguyên. Theo ông Thuấn thì các doanh nghiệp trong ngành da giày cũng có cùng quan điểm như ông khi nói về vấn đề này.

Thái Nguyên



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm