Mở rộng Hà Nội vì lợi ích quốc gia

27/05/2008 21:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Chiều qua 22/5, Quốc hội đã lùi thời điểm thông qua Nghị quyết về việc mở rộng Hà Nội vào cuối kỳ họp. Trao đổi với TT&VH và báo giới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định việc mở rộng Hà Nội là vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích cục bộ nào.

Ông Quân cho biết, Chính phủ báo cáo QH định hướng để QH thông qua; sau đó Chính phủ giao cho Bộ chủ trì lập quy hoạch Hà Nội mở rộng. Đã là định hướng thì đương nhiên là ngắn. “Dự kiến cuối kỳ họp này đề án sẽ được biểu quyết để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, lịch cụ thể thế nào là do Thường vụ QH quyết định”.

* Vậy, chúng ta có đưa ra quan điểm mới gì không về lộ trình cũng như các phương án mở rộng?
- Chính phủ giao các Bộ thực hiện chứ không phải riêng Bộ Xây dựng.

* Theo ông thì ý kiến của các đại biểu QH vừa qua có xác đáng không?

- Tôi nghĩ nhiều ý kiến của các đại biểu là xác đáng, cần phải được làm rõ. Khi trao đổi với báo chí, Thủ tướng cũng nói có đại biểu phát biểu đúng, có ý kiến chưa đúng.

Mô hình quy hoạch HN với Hồ Tây là trung tâm

* Thưa ông, cách đây 2- 3 năm giới đầu cơ đất đã có những thông tin Hà Tây sẽ nhập về Hà Nội để nâng giá lên, phải chăng nếu đề án được thông qua thì người có lợi đầu tiên là những Cty đầu cơ bất động sản?

- Tôi không biết chuyện này. Còn việc Chính phủ trình QH mở rộng địa giới Thủ đô là trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân và đất nước. Việc xem xét mở rộng Hà Nội là trên cơ sở lợi ích quốc gia, chứ hoàn toàn không phải vì lợi ích cục bộ của một cá nhân hoặc tổ chức nào cả.

* Vậy tại sao Chính phủ không đưa ra 2 phương án để QH lựa chọn mà chỉ đưa ra một phương án duy nhất?

- Chính phủ đã nghiên cứu các phương án và thấy đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn cả.

* Thưa ông, đặt giả thiết QH chưa thông qua đề án mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này, Bộ trưởng lo ngại điều gì sẽ xảy ra?

- Việc thông qua hay không là do đại biểu QH quyết định. Tôi chưa nghĩ đến việc này. Khi QH thảo luận về chuyện mở rộng Thủ đô thì nhân dân, các địa phương đều theo dõi lắng nghe. Thậm chí HĐND đã thấy hợp lý và chấp thuận rồi. Nếu không thông qua thì phải thông báo và giải thích lại cũng như xem xét lại các dự án đầu tư.

Hồ Tây sẽ là trung tâm của Hà Nội

* Liệu có xảy ra tình trạng quy hoạch treo cả một tỉnh không, thưa ông?

- Tại hội trường, có đại biểu cũng nói, nếu như chúng ta không thông qua đề án mở rộng Hà Nội thì đây sẽ là một quy hoạch treo khổng lồ. Tôi nghĩ đây là ý kiến xác đáng. Nếu chưa thông qua thì rõ ràng trong tâm lý sẽ có sự chờ đợi. Tôi nghĩ đây là điều quan ngại cần quan tâm.

* Nhưng nhiều đại biểu băn khoăn diện tích Thủ đô có cần quá rộng như hiện nay không?

- Băn khoăn này là xác đáng. Trên cơ sở thực tế người ta cũng lo lắng khả năng quản lý ra sao. Nhưng phương án 1 đã được so sánh, phân tích cụ thể. Còn nói rộng quá chỉ là cảm tính!

* Nếu đề án được thông qua, thì chúng ta cần bao nhiêu vốn để đầu tư, thưa ông?

- Vốn đầu tư xây dựng sẽ không giống cách làm lâu nay của chúng ta. Không phải cần nhiều tiền để xây dựng. Chúng ta có thể huy động rất nhiều nguồn lực, chủ yếu là từ xã hội. Đối với việc phát triển đô thị thì anh em chúng tôi thường nói “đô thị nuôi đô thị”. Các dự án đô thị của DN đấy, Nhà nước có bỏ ra đồng nào đâu. Nguồn lực quốc gia là từ đất đai và con người. Chủ yếu là cơ chế, chính sách sẽ tạo ra nguồn lực. Quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực, thu hút được nguồn lực.

* Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, việc hợp nhất có tạo điều kiện cho một cơn sốt đất nữa xảy ra?

- Việc mở rộng thủ đô là tính toán cho lâu dài. Còn bài toán chống lạm phát hiện nay là việc khác. Đây là hai việc khác nhau. Còn băn khoăn về thời Đậmđiểm chủ yếu xuất phát từ sự lo lắng về nguồn kinh phí thực hiện, bộ máy, con người. Chính phủ sẽ có giải trình rõ thêm.

* Trong nhiều năm qua thì Hà Tây là điểm nóng về tình trạng nông dân khiếu kiện mất đất, đời sống khó khăn, liệu khi Hà Nội mở rộng có làm tình hình phức tạp hơn?

- Đây là vấn đề Chính phủ luôn quan tâm hàng đầu, không kể mở rộng hay không mở rộng Hà Nội. Trong quá trình phát triển sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn sẽ được giải quyết.

* Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cho rằng mô hình Thủ đô quá lớn, công nghiệp đã lỗi thời, tại sao bây giờ mình lại theo?

- Thủ đô lớn hay không là phụ thuộc vào chức năng. Thủ đô của chúng ta là thủ đô đa năng, có cả chức năng về kinh tế. Điều này đã được xác định từ trước chứ không phải tới bây giờ mới nói. Mình phải tính toán kinh tế Thủ đô như thế nào. Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã xác định điều này.

* Xin cảm ơn ông!

Hà Thành (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm