Chất thải nguy hại: Hà Nội, TP.HCM đi đầu cả nước

15/07/2008 12:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Chất thải rắn (CTR) nguy hại vô cùng vì chúng dễ cháy nổ, gây ngộ độc và dễ ăn mòn nhiều vật chất khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều chưa có cách xử lý an toàn. Trong khi đó, mỗi năm tổng lượng CTR nguy hại trên địa bàn toàn quốc lên đến 150.064 tấn.

Chiếm gần một nửa số lượng chất thải cả nước

CTR có hai loại chất thải nguy hại (CTNH) và chất thải không nguy (CTKNH) hại. Những loại chất thải này đều có nguồn phát sinh từ chất thải ở các hộ gia đình, các khu chợ, các khu thương mại, công sở, đường phố... TS Võ Kim Long, Nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường nhận định, CTR đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Nghiêm trọng nhất là đối với dân cư khu vực làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải và vùng nông thôn ô nhiễm CTR đã đến mức báo động. Đã có nghiên cứu cho rằng, các bệnh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… thường do CTR gây ra.
 
Rác - "một phần tất yếu của cuộc sống" chưa được xử lý như mong muốn

Hiện chưa có con số thống kê chính xác khối lượng chất thải công nghiệp nói chung và CTNH nói riêng. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ Địa chất cho biết: “Ở các đô thị đang phát triển CTR nguy hại càng nhiều: tổng lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị loại III trở lên là 6,5 triệu tấn/năm và lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi năm là 10%. Trong đó, nguồn phát sinh CTR tập trung chủ yếu ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tại các đô thị này, tuy chỉ chiếm tỉ lệ 24% dân số cả nước, nhưng lại phát sinh hơn 6 triệu tấn chất thải mỗi năm, chiếm gần 50% tổng lượng chất thải sinh hoạt cả nước. Với lượng chất thải từ hai đô thị lớn này lớn gấp hơn 2 lần CTR sinh hoạt tại 14 đô thị loại II và gấp gần 4 lần so với 3 độ thị loại I. Trong khi đó, phần lớn các đô thị, khu đô thị đều chưa có bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh và vận hành đúng quy trình. Bên cạnh đó, các loại CTNH không được phân loại riêng mà trộn chung với những chất thải sinh hoạt, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến suy thoái môi trường đất, nước, không khí...”

Trên 70% đô thị Việt Nam xử lý CTR không an toàn

Hiện đã có khoảng 40 cơ sở được phép hành nghề vận chuyển, xử lý CTNH. Nhưng các cơ sở này chủ yếu là xử lý cuối đường ống, chôn lấp, chế biến rác thành phân vi sinh và sản phẩm nhựa được khá nhiều đô thị áp dụng: Nhà máy xử lý rác Đông Vinh (TP. Vinh) sử dụng công nghệ Seraphin có công suất từ 80 - 100 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (TP. Huế) áp dụng công nghệ ASC, công suất 80 - 100 tấn/ngày.
 
Thùng rác ở Tử Cấm Thành có 2 ngăn phân loại rác để tiện cho tái chế
 
Một số đô thị còn áp dụng công nghệ lò đốt chất thải y tế, chất thải công nghiệp nguy hại như lò đốt CEETIA - CN 150 tại bãi rác Nam Sơn (Hà Nội)… Theo TS. Trần Thế Loãn, Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Cục Bảo vệ Môi trường thì phần lớn các đô thị xử lý CTR bằng chôn lấp, nhưng chỉ có 16/69 đô thị chôn lấp CTR hợp vệ sinh. Việc xử lý CTR trên các địa bàn chủ yếu bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao do các Cty dịch vụ vừa và nhỏ thực hiện bằng các lò đốt thủ công không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, giữa các Cty dịch vụ đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tự ý hạ giá thành thu gom tiêu hủy chất thải, làm giảm chất lượng xử lý. Hơn nữa, việc sản xuất thiết bị, công nghệ còn ở tình trạng cá thể, đơn chiếc, chưa có sản xuất chế tạo công nghệ môi trường hàng loạt hoặc công nghiệp hóa mà phần lớn là do các viện nghiên cứu, trung tâm, Cty tư vấn thiết kế chế tạo theo các hợp đồng cụ thể, chưa có các hãng sản xuất chuyên nghiệp, chưa có thương hiệu công nghệ môi trường Việt Nam. Thậm chí, ngay cả những thiết bị đơn giản nhất là các thùng thu gom rác thải nhiều địa phương cũng không chú trọng đầu tư.
 
Các khu chứa chất thải có quy mô không tương xứng (ảnh minh họa)
 
Theo ThS Vũ Đình Hiếu, phụ trách Trung tâm Tư vấn đào tạo và chuyển giao Công nghệ Môi trường, để có thể xử lý hiệu quả CTR trong các đô thị Việt Nam, công việc cần thiết nhất là phải tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Hiện Nhà nước đã dành tỷ lệ 1% chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và đến 2010 là 2%.
 

Hai loại chất thải rắn cực kỳ nguy hiểm: là kim loại nặng và chất hữu cơ bền. Các chất này có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm cũng như trong mô tế bào động vật, nguồn nước và tồn tại bền vững trong môi trường, gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm đối với con người như vô sinh, quái thai, dị tật ở trẻ sơ sinh; tác động lên hệ miễn dịch gây ra các bệnh tim mạch, tê liệt hệ thần kinh, giảm khả năng trao đổi chất trong máu, ung thư và có thể di chứng dị tật sang thế hệ thứ 3…

Tuy nhiên, trong nguồn vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại cũng cần dành một phần cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, từ thu phí nước thải tiến tới thu phí khí thải, phí chất thải rắn, CTNH; chuyển từ phạt hành chính đối với những vi phạm Luật Bảo vệ môi trường thành phạt kinh tế; thúc đẩy các doanh nghiệp tính toán lợi ích kinh tế để đầu tư lắp đặt trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần khuyến khích giảm giá thuê đất, ưu đãi thuế và vay vốn đầu tư các dự án sản xuất các trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng các kỹ thuật và chuyên gia về công nghệ môi trường ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ... Hiện tại nhân viên làm trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là nữ. Trình độ công nhân ở mức thấp chiếm tỷ lệ cao.

Được biết, Bộ TN&MT đang tiến hành xây dựng và phát triển hệ thống giám sát, đánh giá và thống kê ảnh hưởng xấu của các yếu tố môi trường lên sức khỏe người dân. Đặc biệt, ưu tiên xử lý các loại hóa chất độc hại, bảo vệ nguồn nước ngầm và nước uống, tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân dân sống tại vùng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm, suy thóai môi trường. Và dự kiến sẽ xây dựng 3 trung tâm xử lý CTR nguy hại ở 3 vùng Bắc - Trung – Nam.
 
Tuệ Minh

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm