Góc nhìn: Chelsea và Drogba 'yêu' nhau như thế nào?

27/07/2014 19:52 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Những đội bóng lớn luôn cần biểu tượng. Biểu tượng ấy đại diện cho sức sống, tinh thần và tôn chỉ của CLB. Biểu tượng ấy là “hướng dẫn viên” của các cầu thủ mới, tấm gương của các cầu thủ trẻ và chất keo gắn kết trong phòng thay đồ.

1. Alessandro Nesta có thể là một trung vệ huyền thoại, nhưng ở AC Milan, Paolo Maldini mới là biểu tượng. David Beckham hay Cristiano Ronaldo có thể là những ngôi sao nổi tiếng nhất, nhưng họ không bao giờ là biểu tượng của Man United, như Paul Scholes. Tại Barcelona, Lionel Messi là cái tên đáng chú ý nhất không phải bàn cãi, nhưng Carles Puyol hay Xavi mới là linh hồn của đội.

Có rất nhiều cầu thủ giỏi, nhưng rất ít cầu thủ hàng đầu, những người đủ tầm trở thành huyền thoại thì đếm trên đầu ngón tay, và những biểu tượng thì “bói” trong hàng vạn may ra được một người. Biểu tượng còn không thể mua được, mà được tạo ra trong một quá trình rất dài, không chỉ bằng thành tích trên sân của cầu thủ sẽ là biểu tượng, mà còn cả cách anh ta cư xử. Không chỉ được tạo ra bằng sự đồng tâm tương ý, mà còn bởi những mâu thuẫn và sự đau đớn.

2. Năm 2009, The Guardian từng bình luận rằng sau năm năm chơi cho Chelsea, Drogba vẫn chỉ là một “Người xa lạ” ở Chelsea. Các CĐV áo xanh vẫn chưa chấp nhận rằng anh là một phần thực sự của đội bóng này, như những gì đã diễn ra ở Marseille, nơi các fan phát cuồng vì anh, và chính anh cũng đã từng nói trong tiếng nấc rằng “tôi yêu CLB này (Marseille) trước khi tôi gia nhập nó, và chỉ một mùa bóng là đủ để nó chiếm được trái tim tôi”.

Còn Chelsea? Drogba kể lại: “Khi tôi đến Anh, mọi người nói rằng “thằng cha này là ai?” Họ mong đợi một tên tuổi lớn và tôi thì đến từ Marseille. Họ giễu cợt: ‘Marseille? Tôi chỉ nghe nói về Marseille từ năm 1993’. Tôi có một chút buồn, tôi đã chơi trận chung kết Cúp UEFA, giành danh hiệu Cầu thủ của năm, và người ta nói ‘Didier là ai?’”

Mourinho thì sao? Ít ai biết rằng trước khi trở nên thân thiết, họ vốn chẳng ưa gì nhau. Mourinho từng chỉ trích Drogba thậm tệ vì “sở thích” ăn vạ và cách xử lý bóng lóng ngóng vụng về, thậm chí ích kỷ của anh. Trước khi Chelsea chạm trán Liverpool ở trận tranh Community Shield 2006, Mourinho còn chỉ đạo các cầu thủ của mình chỉ chuyền bóng cho Andriy Shevchenko vì “Drogba có vấn đề về khả năng giữ bóng”. Mùa thu năm ấy, Mourinho buộc tội Drogba là “kẻ phản bội” khi tiền đạo người Bờ Biển Ngà bị bắt gặp ngồi với Phó Chủ tịch Milan trong một nhà hàng ở Italy.

Drogba cũng từng có ý định rời Chelsea, sau khi Mourinho bị sa thải vào tháng 9/2007: “Tôi muốn rời khỏi đây. CLB vừa đấm vào mặt tôi. Tôi cảm thấy mình như trẻ mồ côi”.

3. Nói thế để thấy rằng Drogba đã vượt qua những gì để nhận được sự thừa nhận của Chelsea, và đội bóng áo xanh cũng đã băng qua rất nhiều khó khăn và định kiến để coi anh như một phần lịch sử đội bóng này. Họ không “yêu” nhau theo mô típ kiểu tình yêu sét đánh như Drogba và Marseille trước đây, mà thậm chí đã phải dằn vặt, khó chịu và tranh cãi, trước khi có thể chấp nhận lẫn nhau.

Đó là biểu tượng được tạo ra từ con số 0, qua những hoài nghi và thậm chí là đau đớn, dù thời điểm này, nhìn vào Drogba, chúng ta có thể thấy hình bóng Chelsea trong đó và ngược lại. Anh đại diện cho tính cách đặc trưng của đội bóng này: Mạnh mẽ, gan lì, can đảm và khát khao chiến thắng tột cùng.

Những tân binh như Diego Costa, Cesc Fabregas và Filipe Luis có thể đến đây với “hành trang” là zero như  chính Drogba những ngày đầu, nhưng một ngày nào đó, chính họ cũng có thể là Drogba, dù xuất phát điểm của mối quan hệ là ở đâu đi chăng nữa.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm