Góc nhìn 365: Xiếc còn hấp dẫn?

16/05/2024 07:08 GMT+7 | Văn hoá

Mời ảo thuật gia, diễn viên và nhạc công đến từ Nhật Bản, để rồi dàn dựng chương trình và bán vé với mức… giá Việt Nam - đó là câu chuyện khiến nhiều người quan tâm, khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam giới thiệu chương trình Ninja Magic show vào 2 ngày trước.

Cụ thể, những buổi biểu diễn thông thường của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn có giá vé 150 ngàn đồng/người và tăng thêm 50 ngàn đồng/người nếu vào buổi tối. Lần này, trong 8 đêm diễn tại Hà Nội, mức giá ấy vẫn được giữ nguyên - dù chi phí cho chương trình được chia sẻ là "rất cao".

Như lời NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mức phí tổ chức chương trình khá lớn, nhưng giải pháp tăng giá vé để cân đối lại đi ngược với phương thức hoạt động của Liên đoàn: luôn gắng tạo điều kiện để moi đối tượng khán giả nhỏ tuổi đều có thể dễ dàng mua vé và thưởng thức các chương trình xiếc, đặc biệt là trong những ngày đầu Hè.

"Những chương trình đầu Hè vẫn luôn được kì vọng như một món quà đặc biệt cho các em nhỏ. Và cần nói thêm, nếu tăng giá vé, chúng tôi sẽ phải đầu tư nhiều hơn, rồi tổ chức biểu diễn tại một "sân khấu hộp" sang trọng, bắt mắt như nhiều chương trình âm nhạc" - nghệ sĩ này nói thêm - "Nhưng sân khấu cho các em khác với sân khấu cho người lớn. Một sân khấu tròn vây quanh sàn diễn sẽ tạo được sự hào hứng, sôi động cho các em hơn rất nhiều…".

Góc nhìn 365: Xiếc còn hấp dẫn? - Ảnh 1.

Hai nghệ sỹ ảo thuật từ Nhật Bản Ai (trái) và Yuki (phải) sẽ biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam. Ảnh: BTC

Bởi thế, để có thể giữ nguyên mức vé 150 ngàn - 200 ngàn đồng như thông lệ cho chương trình liên kết với Nhật Bản này, phía tổ chức đã phải tính toán khá đau đầu. Một mặt, đó là nỗ lực kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa cho chương trình. Mặt khác, như lời chia sẻ thẳng thắn của ông Thắng: "Cũng chỉ biết mong, nhiều gia đình sẽ ủng hộ và đưa các em tới rạp".

***

Thực tế, nghệ thuật xiếc vẫn luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với các em nhỏ. Điều ấy bắt nguồn từ đặc điểm loại hình: Với việc biểu diễn trực tiếp, xiếc luôn mở ra trước mặt trẻ em một thế giới "lạ mà quen", vẫn là những con người và vật dụng thực nhưng lại nhuốm một màu sắc vừa huyền ảo, vừa tinh tế đến khó ngờ.

Những năm qua, có thể sự bùng nổ của các kênh giải trí hiện đại khiến trẻ em thành phố ít có cơ hội xem xiếc như xưa. Nhưng nghĩ cho cùng, có lẽ chính phụ huynh chúng ta cũng phần nào tham gia vào sự thay đổi ấy. Nhịp sống hiện đại bận rộn, cùng sự thuận tiện trong việc tiếp cận từ các phương tiện giải trí hiện đại, khiến nhiều người trong số chúng ta thường ít khi chủ động dẫn em đi xem xiếc, mà hay "khoán" luôn việc này cho các chuyến đi tổ chức bởi nhà trường.

Và có lẽ cũng bởi vậy, ít người chú ý tới một thực tế khác: Xiếc Việt Nam cũng đang có những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ từ các em nhỏ. Show diễn Ninja Magic show với các nhân vật quen thuộc của manga Nhật Bản chỉ là một ví dụ. Xa hơn, vài năm qua, không ít chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã đầu tư dàn dựng khá công phu và khá biết cách "bắt trend" của các em. Ở đó có câu chuyện về các nhân vật của cổ tích Việt Nam, có những tiết mục được dàn dựng từ sách giáo khoa (như xiếc thú 2 con dê qua cầu) và có cả những chương trình hội tụ các siêu nhân từ truyện tranh, như Giấc mơ tuổi thần tiên sắp tới.

Người ta hay biết tới xiếc như một nghệ thuật của sự khổ luyện. Nhưng nó cũng rất cần sự đồng hành từ các gia đình, nếu muốn duy trì một "món ăn" nghệ thuật rất riêng cho trẻ em, giữa vô vàn chương trình của công nghiệp giải trí bây giờ.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm