Góc nhìn 365: 'Nhìn thấy' điện Kính Thiên

14/12/2023 07:14 GMT+7 | Văn hoá

Cuộc trưng bày Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên do Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức vừa diễn ra cuối tuần qua. Tại đó, mô hình hoàn chỉnh và các hình ảnh 3D của điện Kính Thiên Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ đã được phục dựng bằng công nghệ và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Trên thực tế, dù chỉ còn là phế tích trong lòng đất nhưng suốt nhiều năm qua, chính điện Kính Thiên vẫn là trung tâm của các nghiên cứu khảo cổ lớn. Bởi, đây là "không gian thiêng" và cũng là kiến trúc quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long xưa trên các góc độ nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, công năng và vị trí.

Mô hình hoàn chỉnh của điện Kính Thiên được Viện Nghiên cứu kinh thành đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu các kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực này trong 15 năm qua. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn có sự tham khảo, so sánh các tư liệu về sử học, vật liệu xây dựng cổ xưa cũng như kiến trúc cung đình của Việt Nam và Đông Á.

Hai kết luận quan trọng nhất trong việc xác định mô hình này nằm ở việc các kết cấu gỗ tại điện Kính Thiên sử dụng kiến trúc dạng đấu củng (lắp ghép các khung hình chữ nhật để đỡ mái qua hệ thống khớp, mộng) và lợp hệ thống ngói men vàng và men xanh lục - trong đó loại ngói rồng men vàng cao cấp được sản xuất riêng với kĩ thuật chế tác cao.

Góc nhìn 365: 'Nhìn thấy' điện Kính Thiên - Ảnh 1.

Phục dựng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên của Viện Nghiên cứu kinh thành. Ảnh: Bùi Minh Trí/Báo Tuổi trẻ

Và như các hình ảnh được giới thiệu, điện Kính Thiên xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn gồm 11 bậc, phía sau và hai bên nền điện có thêm các bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Điện có hình chữ nhật, trang trí khá cầu kỳ với hệ thống cột gỗ sơn son và các lớp mái vuốt cong lợp ngói...

***

Cần nhắc lại, với các tên gọi khác nhau, điện Kính Thiên trong suốt thời gian từ thế kỷ 15 - thế kỷ 18 là nơi diễn ra hầu hết các nghi lễ đại triều, cũng như các sự kiến chính trị liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Bởi thế, từ đầu thập niên 2000, ý tưởng phục dựng nó đã được đặt ra - trước khi thành phố Hà Nội chính thức có quyết định phục dựng điện Kính Thiên vào năm 2021.

Thực tế, những kết luận và hình ảnh mô phỏng về điện Kính Thiên được Viện Nghiên cứu Kinh thành đưa ra mới chỉ là công trình của một đơn vị nghiên cứu. Có nghĩa, vẫn còn một khoảng cách lớn để giới khoa học có được những kết luận cuối cùng về kiến trúc và đặc điểm của điện Kính Thiên, khi cần chờ thêm nhiều kiểm chứng, phản biện và nghiên cứu khác.

Nhưng ngược lại, với sức hút và giá trị sẵn có của điện Kính Thiên, những thông tin và hình ảnh mang tính giả định này rất nên được giới thiệu rộng rãi. Nói cách khác, sẽ khá thú vị nếu tại khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, hệ thống các pano trưng bày và màn hình LCD được bố trí tại khu vực nền điện Kính Thiên hiện nay, để du khách có thể từ các "giả định" hình dung thêm về công trình này trong lịch sử.

Cũng cần nói thêm, trong việc phục dựng kiến trúc cổ, bên cạnh việc phục dựng "như thật" (thường theo mô hinh 1:1) vốn phổ biến tại các nước Đông Á, còn xu thế phục dựng "ảo" bằng hệ thống công nghệ hiện đại trên nền hiện có, thường được áp dụng tại các nước phương Tây.

Có thể, với một kiến trúc như điện Kính Thiên, việc phục dựng nó theo xu hướng gần với nguyên gốc nhất sẽ giúp cộng đồng dễ hình dung, đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch - văn hóa có tính giáo dục cao. Nhưng chắc chắn, đó là câu chuyện của tương lai dài. Và trước mắt, việc giúp du khách "nhìn thấy" điện Kính Thiên bằng công nghệ - dù chỉ ở góc độ những hình ảnh mang tính giả định - vẫn đưa lại nhiều giá trị.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm