Góc nhìn 365: Giao thừa Tết dương lịch

30/12/2023 08:24 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta đang dần đi hết vòng quay của năm 2023. Chỉ hôm nữa, ngày cuối cùng của tháng 12 sẽ tới, để kết thúc bằng thời khắc đón giao thừa cho Tết Dương lịch.

"Giao thừa Tết Dương lịch" - khái niệm ấy nghe có vẻ lạ, nhưng đã dần xuất hiện trong đời sống từ nhiều năm qua. Ở đó, dù có quy mô nhỏ hơn so với giao thừa "truyền thống" của lịch âm, nhưng sự kiện này vẫn có rất nhiều tương đồng  về hình thức và ý nghĩa, khi tất cả cùng chờ đón thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới bằng sự háo hức và những lời chúc tụng.

Thực tế, ta có thể thấy quy mô của "giao thừa Tết Dương lịch" năm nay từ những hoạt động đang được chuẩn bị vài ngày qua.

Đơn cử, tại Hà Nội, 2 sự kiện "đếm  ngược" hoành tráng đều được tổ chức vào đêm cuối cùng của năm tại khu vực quanh Hồ Gươm - một tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và một tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Cả 2 sự kiện ấy đều được giới trẻ háo hức chờ đợi, với những màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật và phần biểu diễn của một số nghệ sĩ có tiếng.

Góc nhìn 365: Giao thừa Tết dương lịch - Ảnh 1.

Một gia đình chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc của mùa Xuân bên hồ Gươm. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng - TTXVN

Tương tự, tại TP.HCM, vào tối 31/12, sự kiện đếm ngược cũng được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn. Chưa hết, 2 điểm khác tại địa phương này cũng dự kiến sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào thời điểm bước sang năm mới - điều đang được lên kế hoạch tổ chức tại một số địa phương khác như Quảng Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Lào Cai...

Đáng nói, đây vẫn là những hoạt động  đón "giao thừa Dương lịch" ở quy mô lớn với cộng đồng. Còn trong đời sống hàng ngày, từ vài năm qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp - và cả gia đình - cũng đã bắt đầu hình thành thói quen tổ chức tiệc cuối năm vào tối 31/12, để chung vui và đón chào 365 ngày mới.

***

Ai cũng biết, việc chào đón thời điểm bước sang năm mới theo Dương lịch vốn đã tồn tại rất lâu trên thế giới. Còn tại Việt Nam, như các tư liệu ghi lại, việc đón Tết Dương lịch mới chỉ bắt đầu manh nha từ thời Pháp thuộc. Thậm chí, đến tận cuối thập niên 1990, chưa nói tới thời khắc giao thừa thì bản thân ngày Tết Dương lịch - khi đó đã trở thành ngày nghỉ chính thức - đối với rất nhiều người cũng chỉ là một ngày nghỉ lễ bình thường.

Bây giờ, với mô hình đếm ngược countdown, với những lễ hội buổi tối và cả những lời chúc tràn ngập trên mạng xã hội (hoặc qua tin nhắn điện thoại), cũng không sai nếu nói rằng chúng ta đang trong lộ trình "Việt hóa" một sự kiện của  phương Tây để có thêm một cột mốc văn hóa trong truyền thống của mình. Có thể, việc đón "giao thừa Tết Dương lịch" hiện mới chỉ phổ biến ở các đô thị lớn, và ở một bộ phận thanh niên trẻ, nhưng trong tương lai, chắc chắn nó cũng sẽ dần tới lúc lan rộng tới cộng đồng ở khắp Việt Nam.

Bởi đằng sau một sự kiện tưởng như mang tính chất lễ hội và giải trí, điểm chung của "giao thừa Tết Dương lịch" với cái Tết truyền thống của chúng ta vẫn là niềm vui được chia sẻ với người xung quanh những lời tốt đẹp để bắt đầu một khởi đầu mới. Xa hơn, cũng như hạnh phúc được kề cận cùng gia đình trong một thời khắc đặc biệt - điều vốn không dễ gặp trong nhịp sống bây giờ.

"Giao thừa Tết Dương lịch" năm nay sẽ càng vui, khi cộng dồn dịp cuối tuần, chúng ta có 3 ngày nghỉ để đón năm 2024 đang tới.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm