Góc nhìn 365: 'Gặp lại' loa phường

28/07/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Loa phường vẫn sẽ tiếp tục “phủ sóng” tại Hà Nội trong những năm tới - thông tin ấy vừa được UBND thành phố công bố. Để rồi, khi lập tức trở thành một trong những đề tài nóng nhất của của dòng thời sự chủ lưu mấy ngày qua, chuyện về tương lai của loa phường đang được cộng đồng đón nhận với những tâm trạng khác nhau.

Góc nhìn 365: 'Quen lại' loa phường

Góc nhìn 365: 'Quen lại' loa phường

Chúng ta đang bước vào chuỗi ngày cao điểm của cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong năm 2021. Và nếu phải chọn lựa, chắc chắn, những chiếc loa phường chính là “tín hiệu” để mỗi người bình thường tự ý thức rõ điều này.

Nếu thông tin này được đưa ra vào khoảng dăm năm trước, nó hẳn sẽ tạo ra một “cơn bão” đặc biệt trong dư luận - khi tại thời điểm ấy, một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ người dân đề nghị để loại thiết bị truyền thanh này “nghỉ hưu” là khá cao.

Nhưng, đó là thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Nhìn lại, có thể khẳng định: Những ngày chống dịch của năm trước hẳn đã khiến... ác cảm của cộng đồng với loa phường giảm đi rất nhiều.

Tại đó, trong những thời điểm quan trọng nhất, loại hình này đã phát huy toàn bộ ưu thế tuyệt đối của nó trong việc giúp cộng đồng “cập nhật” các thông tin nóng nhất liên quan tới dịch - kể từ những quyết định ở cấp cao nhất của bộ máy Nhà nước cho tới những thông báo của địa phương về diễn biến dịch trên từng khu phố, thậm chí là những khuyến cáo nhằm tránh tâm lý hoảng loạn hoặc xu thế tích trữ lương thực trước giờ G.

Chú thích ảnh
Loa phường. Ảnh: Internet

Chẳng ai nghĩ, một loại hình như loa phường tưởng như đã tụt lại so với dòng chảy xã hội lại bất ngờ có cuộc hồi sinh ngoạn mục như vậy. Và cũng bởi thế, bên cạnh những băn khoăn, bức xúc trước thông tin loa phường sẽ tiếp tục “phủ sóng” trong tương lai, vẫn có một lượng ý kiến cho thấy sự đồng thuận với điều này.

***

Ai cũng biết, đặc thù của loa phường là sự cung cấp thông tin một cách chủ động - thậm chí là cưỡng bách - tới người nghe. Đặc thù ấy không chỉ là sự lựa chọn của việc đề cao tính tập thể và truyền thông đại chúng trong quá khứ, mà còn tương thích với mọi bối cảnh đặc biệt, khi cần “đánh động” tất cả cộng đồng. Còn ở hướng ngược lại, tất nhiên, hiệu ứng “rác âm thanh” đi kèm theo nó ngày càng gây khó chịu ở một xã hội đang dần đề cao tính cá nhân và không gian riêng tư của mỗi thành viên.

Có nghĩa, câu chuyện đang nằm ở cách vận hành của loa phường trong xã hội hiện đại. Và trong một chừng mực, nó còn là vấn đề của địa bàn hoạt động, khi mà ngay cả một đô thị lớn như Hà Nội vẫn còn một phần lớn các xã, huyện có mật độ dân cư thưa, và đời sống sinh hoạt gắn với ngành sản xuất đặc thù - yếu tố dường như phù hợp để loa phường phát huy hiệu quả hơn so với những khu vực bị đô thị hóa với mật độ cao.

Thẳng thắn, trước mắt, những thông tin của ngành quản lý tại Hà Nội về việc sẽ quy định tần suất và thời lượng phát thanh không dài, tránh những vị trí nhạy cảm như trường học hay nơi có nhiều người già sinh sống, duy trì số lượng và giảm tiếng ồn... là điều nên ghi nhận trong kế hoạch giảm bớt mặt trái của loa phường. Phần còn lại là sự giám sát của cộng đồng, cũng như kiểm nghiệm hiệu quả của những ý tưởng ấy trên thực tế.

Có lẽ, hãy cứ nghĩ nhẹ nhàng rằng, chúng ta nên giảm bớt những ác cảm cố hữu, để cho loa phường một cơ hội sau những gì đã làm được trong đại dịch vừa rồi. Và cũng hãy nghĩ rằng bất cứ điều gì hợp lý thì sẽ tự thân tồn tại, còn những gì bất hợp lý rồi cũng dần bị cuộc sống đào thải, dù ở cách này hay cách khác...

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm