Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí: Tri ân Tổ quốc bằng âm nhạc

13/09/2022 12:30 GMT+7 | Văn hoá

Đêm nhạc Tổ quốc tôi của GS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 11/9 vừa qua) đã cho tôi thấy rõ chân dung về một con người tài năng và ưu tú, mang trong mình tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước với tất cả sự nâng niu và biết ơn đến tận cùng.

Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí và 'Điều răn trong tháng cô hồn'

Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí và 'Điều răn trong tháng cô hồn'

Phóng viên báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có buổi trò chuyện với Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí, hiện ông là giáo sư, tiến sĩ y khoa, bác sĩ, thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu thành phố Hà Nội về ca khúc 'Điều răn trong tháng cô hồn'.

Nói về các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định: Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trí được viết từ tấm lòng thương yêu con người vô bờ của một thầy thuốc, từ cái nhìn sâu sắc, cụ thể của một nhà khoa học, từ sự tận tụy của một người thầy giáo, từ trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, và cao hơn cả là niềm tự hào vô hạn về Tổ quốc Việt Nam vinh quang và anh dũng.

Đánh thức những mốc son chói lọi đầy tự hào

“Những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí không chỉ là những ca khúc đẹp, mà còn là những bản ghi chép tỉ mỉ, thanh thoát về lịch sử, về các vị tiền bối anh hùng, về các phong tục tập quán thân thương của những vùng quê Việt Nam, vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa mang tính thời sự, lịch sử của dân tộc” - NSND Phạm Ngọc Khôi phát biểu trong đêm nhạc.

Chú thích ảnh
Sự giản dị, chân tình qua từng lời chia sẻ trên sân khấu của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí

Đêm nhạc được cố vấn nghệ thuật bởi PGS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chỉ đạo nghệ thuật bởi Thiếu tướng - nhạc sĩ Đức Trịnh và do NSND Phạm Ngọc Khôi làm tổng đạo diễn. Khán giả Hà Nội đã được thưởng thức 19 tác phẩm nghệ thuật dàn dựng công phu, hoành tráng qua sự thể hiện xuất sắc của NSƯT Hoàng Tùng cùng các ca sĩ Anh Thơ, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, Việt Tú, Xuân Hảo, Vũ Thắng Lợi… Đặc biệt, các hoạt cảnh và phần múa minh họa kết hợp với hình ảnh, không gian màu sắc, đạo cụ ấn tượng đã tạo nên một bức tranh lịch sử bi hùng và tinh thần tự hào mãnh liệt bằng sự kỳ diệu của những thanh âm.

Nếu như ở chủ đề “Tổ quốc” là những ca khúc mang tính sử thi ngợi ca Tổ quốc Việt Nam như: Cờ đỏ sao vàng, Tổ quốc tôi, Bản trường ca trên mặt trống đồng, Thánh Gióng - Khát vọng Việt Nam, Hào hùng Bạch Đằng giang” thì phần “Tri ân” lại mang đến những cảm xúc giản dị, ân tình với tấm lòng tri ân hướng về những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nhân dân, đất nước.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Tùng Dương mang đến tinh thần sử thi hào hùng cùng ca khúc "Thánh Gióng - Khát vọng Việt Nam"

Khi nghe những ca khúc này, khán giả dễ dàng nhận thấy những xúc cảm của tác giả rất mạnh mẽ và khác nhau trong từng trường hợp cụ thể: Ca khúc Ở đất biên cương là sự tri ân với những chiến sĩ đã nằm lại nơi chiến trường Vị Xuyên để bảo vệ vùng đất biên giới phía Bắc. 2 ca khúc Hát tặng Trường Sa- Gạc MaMộ gió hùng binh là nỗi nhớ thương về những người con quả cảm kiên trung của dân tộc, vươn khơi bám biển, gìn giữ vùng lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng. Tuổi 20 đã thành sóng nước Côn Đảo ơi là những ca khúc khắc sâu thêm tình yêu Tổ quốc, nhắc nhớ mỗi người dân Việt hôm nay không bao giờ quên lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để đổi lấy độc lập tự do cho nước nhà.

Khán giả trong đêm nhạc bồi hồi xuôi dòng ký ức không quên qua hàng loạt các địa danh lịch sử: Dòng sông Thạch Hãn, con đường Trường Sơn huyền thoại, Côn Đảo, Biển Đông, Bạch Đằng giang… khơi dậy ngọn lửa yêu nước cháy bỏng luôn nhen nhóm trong lòng bao thế hệ.

Chú thích ảnh
Trình diễn ca khúc “Hào hùng Bạch Đằng giang” của GS Nguyễn Anh Trí

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí còn được coi là người dũng cảm và hiếm hoi khai thác hình tượng trống đồng thành công (ca khúc Bản trường ca trên mặt trống đồng), gọi biển Đông bằng mẹ (ca khúc Lời thỉnh cầu từ mẹ biển Đông), và cũng là người đầu tiên đưa thời thơ ấu của Bác Hồ vào âm nhạc (ca khúc Bác Hồ có một chuyến đi).

Chú thích ảnh
Trình diễn ca khúc “Bác Hồ có một chuyến đi” của GS Nguyễn Anh Trí

Phần cuối của chương trình với các tác phẩm mang chủ đề “Vinh quang” có màu sắc âm nhạc hào hùng, thể hiện niềm tự hào với những thành quả Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng non sông.

Video đêm nhạc "Tổ quốc tôi":

“Tình yêu nước với tôi chưa bao giờ là đủ”

Nguyễn Anh Trí xuất thân trong một gia đình nghèo tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và lớn lên giữa bối cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ. Ông học và làm nghề y - một nghề bận rộn và áp lực nên ông không có điều kiện để học và tham gia các hoạt động nghệ thuật.

Cách đây hơn 10 năm, khi mẹ mất, do nhớ thương người mẹ yêu quý mà hồn thơ và tài năng âm nhạc của ông bỗng thức tỉnh. Bài thơ Tiếng gọi mẹ ơi sau này trở thành ca khúc cùng tên chính là bước ngoặt đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Anh Thơ trong phần trình diễn ca khúc "Mẹ của những người con liệt sĩ"

Từ đó với cảm hứng và sự dẫn dắt vô hình từ người mẹ yêu quý, những tiếng thơ và những giai điệu cứ xuất hiện, vang lên trong tâm hồn, trí não ông. Mẹ là người khơi nguồn và người gắn kết ông với văn học nghệ thuật, đồng hành cùng ông trên từng nốt trầm bổng của thanh âm, dù người đã ở một nơi rất xa. Nhờ đó ông đã sáng tác một mạch vài trăm bài thơ, gần 100 ca khúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí là một người không được đào tạo về âm nhạc, nhưng có tâm hồn nhạy cảm, có niềm đam mê với âm nhạc. Các tác phẩm của ông đều sử dụng từ vốn dân ca, chất liệu sử thi cùng những đề tài vừa mang dấu ấn hào hùng của dân tộc, vừa mang sự ngọt ngào, dung dị của cỏ cây sông núi quê hương.

Bởi vậy mà PGS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) khẳng định: Một trong những ưu điểm của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí là ông luôn luôn biết kết hợp giữa những điều cá nhân mình nghĩ với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Trong các sáng tác của ông, nguồn cảm hứng nhiều nhất và sâu sắc nhất là nguồn cảm hứng với quê hương đất nước. Đó là tình yêu Tổ quốc cũng như trách nhiệm của người công dân trí thức, của một nghệ sĩ.

Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Tình yêu nước với tôi chưa bao giờ là đủ. Tôi luôn luôn bồi đắp để tình yêu đó lớn lên mỗi ngày, truyền cảm hứng cho thế hệ sau”.

Vài nét về GS Nguyễn Anh Trí

GS - nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (sinh ngày 14/9/1957) là giáo sư, tiến sĩ y khoa, bác sĩ cao cấp, chính trị gia, nhà thơ và nhạc sĩ, Thầy thuốc nhân dân và Anh hùng lao động. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (2003 - 2017). Ông là người đề xướng và tổ chức thành công “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” về hiến máu nhân đạo. Ông được xem là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong các công nghệ truyền máu và ghép tế bào gốc. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN (2017), Giải Nhất Nhân tài đất Việt (2016).

Ông hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam 2 khóa liên tiếp (2016 - 2021) và (2021 – 2026), Chủ tịch Hội Huyết học và truyền máu Việt Nam; Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Chủ tịch hội đồng cố vấn Tập đoàn Med-Group.

Bài, ảnh: Lương Đình Khoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm