'The Golden Compass' và tham vọng dở dang của New Line Cinema

19/09/2020 08:22 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau thành công của The Lord Of The Rings tập đầu tiên vào năm 2002, hãng New Line Cinema cảm thấy tự tin vào sự thành công của thể loại phiêu lưu giả tưởng mang yếu tố thần tiên, nên lập tức xuống tiền mua bản quyền bộ ba truyện kỳ ảo Northern Lights (Ánh sáng phương Bắc)…

Warner Bros bị đại diện "The Lord of the Rings" kiện đòi 80 triệu USD

Warner Bros bị đại diện "The Lord of the Rings" kiện đòi 80 triệu USD

Những người thừa kế di sản của nhà văn J.R.R. Tolkien - tác giả tiểu thuyết "The Lord of the Rings" đã cùng nhà xuất bản HarperCollins đệ đơn kiện hãng phim Warner Bros., đòi bồi thường 80 triệu USD.

Sau đó, New Line Cinema lập tức lên kế hoạch sản xuất nhằm tiếp nối thành công sau khi kết thúc 3 phim The Lord Of The Rings năm 2003.

Trung thành với tiểu thuyết gốc

Bộ phim The Golden Compass (Chiếc la bàn bằng vàng) là phần đầu tiên của bộ tiểu thuyết His Dark Materials(ở Anh được biết đến với tên gọi Northern Lights - Ánh sáng phương Bắc) của nhà văn người Anh Philip Pullman. Bộ tiểu thuyết gồm 3 phần: The Golden Compass, The Subtle Knife The Amber Spyglass. Nội dung kể về chuyến phiêu lưu qua hai thế giới song song, hướng về phương Bắc xa xôi của một cô gái trẻ, cứu người bạn thân thoát khỏi một tổ chức bí mật ở một thế giới phép thuật đầy bí ẩn.

Đạo diễn kiêm nhà biên kịch Chris Weitz hoàn toàn bị chinh phục bởi óc tưởng tượng và sự hoành tráng của cuốn truyện. Trước khi chuyển thể kịch bản tác phẩm văn học ăn khách này, Weitz đã phải trình bày với hãng New Line Cinema bản kế hoạch thực hiện bộ phim, sau đó bỏ ra 3 năm để chuyển thể cuốn truyện lên màn ảnh.

Theo ông, dự án The Golden Compass có đầy đủ các yếu tố mà một nhà làm phim quan tâm: Cốt truyện sâu sắc, nhân vật thú vị, bối cảnh đồ sộ, đầy những tình tiết bất ngờ… Một thuận lợi nữa do The Golden Compass là cuốn sách ăn khách nên hầu hết mọi người trong đoàn phim đều đã đọc qua, vì thế bộ phim hứa hẹn sự trung thành với nguyên tác văn học.

Về phần tác giả Pullman, ông rất tin tưởng và hợp tác tích cực với các nhà làm phim. Không chỉ gặp gỡ thảo luận với Pullman, Weitz còn đến Svalbard, Na Uy, cách thủ đô Oslo 1.000 dặm về phía Bắc - nơi ông chuyển thể kịch bản và là địa điểm chính trong câu chuyện.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Chris Weitz (trái) và các diễn viên chính của phim

Nhưng đối với Weitz, yếu tố chính trong kịch bản của ông luôn là tính hiện thực của nguyên tác văn học. Dù là một câu chuyện hư cấu xuyên suốt qua 2 thế giới song song, nhưng The Golden Compass mô tả rất chân thật về thế giới chúng ta, về cuộc sống của con cái, cha mẹ và các cá nhân trong xã hội.

Một lính mới và một bầu trời sao

Để tìm được cô bé thích hợp thể hiện nhân vật Lyra, 2 giám đốc phân vai Fiona Weir và Lucy Bevan đã đi khắp các thành phố ở Anh, phỏng vấn hơn 10.000 cô bé, cuối cùng tìm được Dakota Blue Richards, 12 tuổi và chưa từng diễn xuất chuyên nghiệp bao giờ.

Cô bé Richards được chọn trong buổi thử vai ở Oxford, England - quê hương của Lyra theo nguyên tác. Dù là “lính mới” của điện ảnh, nhưng Richards phô diễn sự thông minh, gai góc một cách tự tin, rất lý tưởng để vào vai Lyra. Từng đọc cuốn tiểu thuyết, Richards rất thích nhân vật Lyra, và đặc biệt hâm mộ lòng dũng cảm và sự cương quyết của Lyra.

Thiên nga Australia Nicole Kidman đảm nhận vai Marisa Coulter xinh đẹp và quyến rũ, lãnh đạo của nhóm General Oblation thuộc tổ chức Magisterium. Là một học giả và một nhà thám hiểm, Coulter là hiện thân của tất cả những gì mà Lyra khao khát. Đằng sau diện mạo thu hút và quyền năng to lớn của Coulter là một tâm hồn dễ bị tổn thương.

Một nhân vật khác cũng khá quan trọng trong đời Lyra, đó là Lord Asriel, người chú khó hiểu và đầy quyền năng của Lyra do ngôi sao đang lên Daniel Craig - một diễn viên lận đận nhưng được thần may mắn gõ cửa khi được trở thành “James Bond” mới nhất của loạt phim 007. Cũng giống như cô Coulter, mối quan hệ giữa Lord Asriel và Lyra tạo nên bản chất và cá tính của Lyra. Ông rất nghiêm khắc với cô bé vì ông cho rằng đó là cách duy nhất để cô bé trở thành người dũng cảm gan dạ như ông.

Bộ phim còn có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng: Jack Shepherd, Jim Carter, “Tân Bond Girl” Eva Green, Sam Elliott, Christopher Lee, Derek Jacobi… đặc biệt, nam diễn viên kỳ cựu Ian McKellen tham gia lồng tiếng cho con gấu chúa Iorek Byrnison.

Quy mô vĩ đại không kém “The Lord Of The Rings”

Tạo bối cảnh trong phim là một đội ngũ hùng hậu gốm các họa sĩ, chuyên viên kỹ thuật, thợ thủ công lành nghề, đứng đầu là nhà thiết kế sản xuất Dennis Gassner.

Để dựng bối cảnh Hordan College, Gassner sử dụng ngoại thất của các công trình hiện có ở Oxford, Greenwich và Chatham, còn nội thất thì được xây dựng hoàn toàn ở hãng phim Shepperton Studios. Trước đó, Gassner đã đến Oxford cùng với Pullman với tư cách là hướng dẫn viên của Gassner vì Pullman rất am tường ngôi trường và thành phố này.

Shepperton Studios biến thành phim trường trung tâm của The Golden Compass ở quy mô lớn với nhiều phim trường rộng mênh mông có nhiều bộ phận sáng tạo nghệ thuật, xưởng đúc các đạo cụ quan trọng bằng đồng cho bộ phim, nhiều văn phòng và xưởng may trang phục, nhiều phim trường khác có màn hình xanh, giàn bay…

Ở xưởng đúc đồng, người ta đã tạo ra nhiều phiên bản của một cỗ máy nhỏ kỳ lạ trong phim được gọi là alethiometer - một thiết bị cầm tay có hình dáng giống la bàn, nhận diện được sự thật và đoán trước được tương lai. Philip Pullman trước đó đã dẫn Gassner tới viện bảo tàng cơ khí để cho ông xem một số thiết bị cơ khí để lấy cảm hứng sáng tạo chiếc la bàn vàng trong phim.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “The Golden Compass”

Chiếc la bàn được tạo ra trên máy tính trước khi được tạo mô hình. Chiếc la bàn sau đó được điểm tô, chạm trổ, sơn phết ở nhiều mức độ chi tiết khác nhau. Vì các chi tiết trên la bàn cần phải chính xác nên các thợ điêu khắc lành nghề mất nhiều thời gian và công sức tỉ mỉ tạo ra những chi tiết phức tạp.

Áo giáp của những con gấu cũng được tạo ra trong xưởng đúc đồng theo cách tương tự. Nhà thiết kế trang phục Ruth Myers đã cho người vẽ, in nhuộm vải trước khi các thợ may bắt đầu công việc của mình. Vì phải tạo ra hầu hết mọi trang phục trong phim nên Myers cũng lập phân xưởng lớn tại Shepperton Studios để thiết kế và may trang phục cho diễn viên.

Các cảnh quay qua ống kính camera của nhà quay phim Henry Braham cực rộng mà vẫn không khỏa lấp cảm xúc của nhân vật. Màu sắc phong phú, sinh động, biến đổi linh hoạt. Bộ phim có hơn 1.100 cảnh quay sử dụng hiệu ứng đặc biệt.

Các chuyên gia hiệu ứng đã đặt chỉ tiêu thực hiện mỗi tuần 40 cảnh quay có hiệu ứng tính từ lúc họ bắt đầu công việc. Thách thức lớn nhất của các nhà làm phim là những cảnh quay có vô số nhân vật với nào là người, thú, quỷ dữ… Những cảnh quay này không thể thực hiện được với những con thú thật vì thú không thể diễn có hồn như người.

Mỗi con thú trong phim đại diện cho linh hồn của người mà chúng đồng hành, nên có cảm xúc và hành động như người. 2 nhân vật không phải là người nhưng cực kỳ quan trọng là Pan và gấu chúa Iorek Byrnison được tạo bằng kỹ thuật số dựa trên mô hình có kích thước y như thật. Hãng kỹ xảo Industrial Light & Magic cũng tham gia tạo hiệu ứng cho cuộc đụng độ ác liệt giữa Iorek Byrnison và Ragnar Sturlusson.

Có thể nói với những kỹ xảo điện ảnh mỗi lúc một “xuất quỷ nhập thần” như hiện nay The Golden Compass tiếp tục tô vẽ trí tưởng tượng vô biên của con người thành những hình ảnh sống động. Một bữa tiệc hình ảnh làm no mắt người xem, và phần kỹ xảo của bộ phim sau này đều đoạt giải ở BAFTA (Anh) và Oscar (Mỹ).

Không bao giờ có 2 phần tiếp theo...?

Thành công khổng lồ về thương mại lẫn nghệ thuật của bộ 3 phim The Lord Of The Ring, càng khiến hãng New Line Cinema kỳ vọng lớn, đồng thời cũng tạo sức ép kinh khủng cho The Golden Compass. New Line Cinema không tiếc tiền khi bỏ ra tới 180 triệu USD để sản xuất phim này, đồng thời lên kế hoạch sản xuất cho 2 tập truyện tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch Toby Emmerich của New Line cũngnhấn mạnh rằng việc sản xuất phần phim thứ 2 và thứ 3 phụ thuộc vào thành công tài chính của The Golden Compass.

Bộ phim công chiếu cuối tháng 11/2007, và chỉ thu được có 70 triệu USD ở thị trường Mỹ - một con số làm cho hãng New Line Cinema vô cùng thất vọng. Trái lại, vận may của bộ phim lại được phục hồi ở thị trường nước ngoài (đặc biệt thành công ở Nhật) mà theo New Line Cinema mô tả là "đáng kinh ngạc".

Cuối cùng bộ phim cán đích ở doanh thu toàn cầu 372,2 triệu USD - một con số quá thấp so với kỳ vọng của hãng New Line Cinema, khiến cho 2 phần tiếp theo phải dừng lại vô thời hạn, dù cho rất nhiều lời yêu cầu của các fan của loạt tiểu thuyết, lẫn bộ phim The Golden Compass trên thế giới.

BÁ VŨ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm