Sốc vì 'rác' ca từ (tiếp): Phải loại bỏ nhạc, cấm diễn người hát

16/06/2014 06:53 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Các bài báo:Sốc vì “rác” ca từ (số báo ra ngày 13/6/2014) vàKhông chỉ có “sex” mà cả... ma túy (ngày 14/6/2014) sau khi được TT&VH đăng tải đã nhận phản hồi từ đồng nghiệp cũng như được bàn luận trên rất nhiều diễn đàn. Đại đa số ý kiến cho rằng, cần phải loại bỏ thứ nhạc “rác” này khỏi thị trường âm nhạc. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, cần cấm diễn hoặc xử lý thật nặng những người hát ca khúc này...

PV TT&VH đã ghi nhận ý kiến của các nhà báo xung quanh hiện tượng phản cảm này.

Nhà báo Ngô Bá Lục (VnMedia): Không thể chấp nhận ca từ dung tục

Trước hết, quan điểm của tôi là luôn ủng hộ các bạn trẻ, đặc biệt là những người có óc sáng tạo và luôn cập nhật những dòng âm nhạc, xu hướng mới của thế giới. Tuy nhiên, phải biết chọn lọc những thứ phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam. Những bài hát dung tục miêu tả cuộc làm tình với những từ ngữ trần trụi thực sự phản cảm, chưa nói có thể vi phạm pháp luật hình sự ở nội dung truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy? Các nghệ sỹ Underground có thể thoải mái nói trong thế giới của họ, còn khi đã được phổ biến cho công chúng, tức là mang tính chất truyền bá, thì phải thực hiện theo đúng luật lệ.

Ở nước ngoài, những nghệ sĩ dạng này không thiếu, phát triển thành trào lưu và tạo nên xu hướng. Thậm chí ca sỹ Eminem - người được gán cho biệt danh "Badboy" với những bài hát có ca từ dung tục, kích động bạo lực vẫn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc. Nhưng với văn hóa Việt Nam, phổ biến nó là không thể chấp nhận được.

Quay trở lại với mấy bài hát trên đây, về giai điệu, phối khi, cách hát, giọng hát... phải nói là rất vào tai. Tuy nhiên ca từ thì không thể chấp nhận được. Bạn có thể sẽ nghe trong phòng ngủ, đó là điều quá đỗi bình thường, nhưng khi thực hiện nó sở nơi công cộng, thì đó là điều không phù hợp, thậm chí bất thường, hoặc vi phạm pháp luật.

Nhà báo Quỳnh Hương (Phụ nữ TP. HCM): Hãy mạnh tay “dọn dẹp”

“Tôi không thể tưởng tượng đây có thể là “ca từ” của một bài hát! Chỉ miêu tả hành vi giường chiếu ở mức trần trụi và tục tĩu nhất, ngay cả việc trích dẫn “ca từ” đó để làm dẫn chứng, tôi nghĩ không có tờ báo nào có thể làm được, đơn giản vì nó quá bẩn thỉu để xuất hiện trên một văn bản đọc được phổ biến thông thường.

Yanbi, Takayz, Đạt Low, Bueno, Mr.T… là các bạn trẻ làm nhạc Underground đang được công chúng tuổi teen hâm mộ. Tôi khiếp sợ khi hình dung những đứa cháu của mình có thể đang say mê nghe thứ nhạc khiêu dâm này.

Nếu các bạn trẻ ấy yêu âm nhạc, thì điều đầu tiên các bạn cần tôn trọng âm nhạc. Hãy tử tế và lành lặn trước hết rồi hãy nói chuyện sáng tạo. Nếu không tìm kiếm thêm được giá trị gì, thì đừng làm vấy bẩn âm nhạc. Bạn không thể bắt đầu con đường nghệ thuật của cá nhân mình (nếu quả thật bạn có lý tưởng ấy) bằng những bước đi thiếu sạch sẽ như thế.  

“Tôi nghĩ các trang chia sẻ nhạc trên mạng không thể vô can khi họ là công cụ phát tán những sản phẩm tục tĩu với tư cách như một tác phẩm âm nhạc” (phát biểu của nhà báo Quỳnh Hương).
Tôi nghĩ các trang chia sẻ nhạc trên mạng không thể vô can khi họ là công cụ phát tán những sản phẩm tục tĩu với tư cách như một tác phẩm âm nhạc. Vấn đề là lâu nay có thông lệ, cứ văn hóa phẩm nào bị công luận lên tiếng là đồi trụy, thì sau đấy lượng tìm kiếm và tiêu thụ nó thường âm thầm tăng vọt. Nếu dọn dẹp rác rưởi thì hãy kiên quyết và cần biện pháp mạnh, đừng để cố gắng lên tiếng của một tờ báo cuối cùng rơi tõm vào thinh không, chỉ có tác dụng như một động thái “PR ngược” cho những sản phẩm âm nhạc biến thái”.

Nhà báo Trần Việt Tú (VTC News): Ngăn thứ “rác” này thành trào lưu

“Thực tế, trong cuộc chiến nhạc mạng, bài hát càng lạ tai, càng nhạy cảm, và càng có nhiều tiếng lóng thì càng dễ thành hit. Để được “cộng đồng mạng” chú ý hay làm “cộng đồng mạng dậy sóng”, những thuật ngữ của các trang giới trẻ hiện nay hay dùng, không lạ khi có những bài hát nội dung chỉ xoay quay cảm hứng giường chiếu với nhưng mô tả hết sức kĩ càng. Bởi những gì nhạy cảm, méo mó thường kích thích sự tò mò của giới trẻ. Và thực tế là những ca khúc dạng này thường có lượng nghe áp đảo.

 Điều đáng nói ở đây là khi giới trẻ không ít người đang bất chấp tất cả để được “cộng đồng mạng” chú ý, thì các trang nhạc trực tuyến lại ngấm ngầm tiếp tay cho họ.  

Tôi cho rằng nếu TT&VH không nêu ra hiện tượng này, chắc rằng khó cơ quan quản lý nào nắm được. Bởi xưa nay hầu hết những vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đều do báo chí phát hiện. Mục đích cuối cùng của việc phản ánh hiện tượng nhạc rác, rác ca từ này là để đánh động các cơ quan trên phải có những biện pháp ngăn chặn trước khi thứ “rác” này trở thành một món ăn trào lưu của giới trẻ.

Tôi tin nếu báo chí cùng có tiếng nói mạnh mẽ, thì ngay lập tức tất cả những thứ nhạc rác trên sẽ bị xóa sổ.

Hà Chi - Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm