Sốc vì 'rác' ca từ (tiếp): Không chỉ có 'sex' mà cả… ma túy

14/06/2014 08:37 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đăng bài 'Sốc vì “rác” ca từ' (trên số báo ra hôm qua, 13/6),TT&VH tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của giới nhạc cũng như truyền thông và công chúng. Tuy nhiên, khá bất ngờ, từ thông tin của độc giả, chúng tôi còn tìm được một số bài hát có ca từ còn “khủng khiếp” hơn…

Bài hát mà độc giả dẫn ra cho PV TT&VHTan ka ka (Ganja) (chúng tôi đã cân nhắc và quyết định nêu tên ca khúc), cũng đăng phát trên Zing MP3. Xin nói thêm, Zing MP3 là trang mạng xã hội được cấp giấy phép MXH số 05-GXN-TTDT cho đơn vị chủ quản là: VNG Corporation. Các chủ tài khoản đều được quyền truyền phát thông tin trên trang mạng này.

Rap Việt có cả… cần sa

Ganja trong tên bài rap Tan ka ka (Ganja) hiểu nôm na là “cần sa”. Từ này khá thông dụng trong giới trẻ. Trong Tan ka ka (Ganja) vẫn là những ca từ gây sốc: “8 tiếng, tan ka, vác xác thân mệt mỏi về nhà/ Quấn điều Ganja, mơ màng buông mình xuống sofa/ Ai ja ja ja, đêm nay ta với ta phòng ngập khói Ganja/ Ai ja ja ja, nom trên cao phòng ta không có trần nhà”. Những ca từ này không khỏi khiến người nghe liên tưởng tới những vụ án kinh hoàng vì ma túy tổng hợp thời gian gần đây như vụ một MC-ca sĩ nghiệp dư vì “ngáo đá” nên nghĩ người yêu là trăn khổng lồ phải giết.


Nhóm 2 Live Crew bị xem là tục tĩu nhất rap Mỹ

Thậm chí, trực diện hơn, Tan ka ka (Ganja) phiên bản 3 còn có những ca từ “khủng khiếp”: “Vê một bi vật vã, phê pha lê la bê tha kề khà cho đã đời/ Ta lại ca khúc ca tan ca cùng cả đội…”.

Trên thực tế, rap Mỹ, ra đời từ thập niên 1970, được coi là tiếng nói nổi loạn từ những người da màu nghèo khổ sống trong các khu ổ chuột, thế nên ca từ thô tục, tràn ngập tiếng lóng, bất chấp mọi cấm kỵ hay rào cản văn hóa.

Trong nhạc rap có nhiều ca khúc thuộc hàng có ngôn từ thô tục nhất trong nền âm nhạc. Theo Billboard, đó là những bài hát có thể khiến người nghe đỏ mặt, thậm chí ngất xỉu. Và từ thập niên 70 đến nay, danh sách này ngày càng dài ra, cập nhật liên tục, không có dấu hiệu ngừng lại.

Tục tĩu nhất trong số các nghệ sĩ rap, Billboard nêu đích danh nhóm nhạc 2 Live Crew (ảnh), với những bài như Me So Horny hay Pop That Pussy. Nhóm này thuộc dòng underground và “không bao giờ len nổi vào dòng chính vì mức độ xúc phạm nặng nề của ca từ”. Tiếp theo trong top 10 là: các rapper Too $hort, Lil Wayne, Akinyele, Lil’ Kim, Eazy-E, Danny Brown, Plies, Cam'ron và nhóm Odd Future.

Nhiều nghệ sĩ rap ghi dấu ấn riêng với nội dung nhất quán trong nhiều tác phẩm, như Lil Wayne được Billboard coi là “nam rapper bị ám ảnh bởi bộ phận sinh dục nữ”, hay Lil’ Kim là “nữ rapper ngang tàng không coi tình yêu ra gì”.


Ảnh chụp màn hình trang Zing MP3 đăng tải bài Tan ka ka (Ganja)

Quá thô thiển!

Khi được hỏi ý kiến về những ca từ trong các bài rap Việt mà TT&VH đưa ra, nhạc sĩ Nguyễn Đức Lộc (thành viên Ban nhạc Đông Đô) cho biết, khi vô tình “lướt” mạng nghe nhạc, anh đã biết ca khúc này.

“Nhưng thú thật, chỉ qua đoạn đầu, tôi đã tắt ngay lập tức vì những ca từ “khủng khiếp” này. Có một thực tế là âm nhạc hiện nay nhiễu loạn quá. Chỉ cần một chiếc máy tính kết nối internet và một chiếc micro là người ta có thể trở thành ca sĩ.

Phải nói đây là những sản phẩm thô thiển. Điều quan ngại ở đây chính là cái “Tâm” của những người quản trị trang web, kênh giải trí… khi họ đăng lên với mục đích kinh doanh, lợi nhuận… mà không quan tâm việc gây ra những ảnh hưởng thế nào đến xã hội. Vì thế, tôi cũng rất mong những nhà quản lý văn hóa có nhìn nhận xác đáng, có luật đủ mạnh để những đơn vị này thay đổi cách “truyền bá” văn hóa kiểu này” – Đức Lộc thẳng thắn.

Còn nhạc sĩ Nguyễn Quang Long vẫn chưa hết “sốc” vì những thứ được gọi là bài hát này. Nhạc sĩ chia sẻ rằng anh chưa thể tưởng tượng được việc có những ca sĩ hát những ca từ như vậy. “Phải chăng nền giáo dục của ta vẫn bị kêu là quá tải song lại quên giáo dục nhân cách con người và thẩm mỹ nghệ thuật hướng tới cái đẹp? Phải chăng đây là kẽ hở của hoạt động quản lý xuất bản và biểu diễn nghệ thuật khi hai ngành này lẽ ra phải gắn kết chặt chẽ với nhau thì ở Việt Nam lại thiếu đi sự gắn kết đó? Thậm chí, các xuất bản phẩm dạng album, băng đĩa ca múa nhạc không được Cục Nghệ thuật biểu diễn xem là xuất bản thuộc lĩnh vực xuất bản…

Có lẽ, sự thay đổi quy định xuất bản trong một, hai năm trở lại đây có lỗ hổng khi nếu như trước đây (khoảng từ năm 2012 trở về trước), tất cả các ca khúc dù phát hành dạng album truyền thống hay qua mạng, trên những trang được cấp phép, đều phải qua kiểm duyệt của các nhà chuyên môn như các Sở VHTTDL địa phương và NXB Âm nhạc…thì hiện nay, trên các mạng xã hội, các ca sĩ/ cá nhân đều có quyền truyền phát các bài hát mà không vấp phải bất kỳ sự kiểm soát nào” – nhạc sĩ bức xúc.

Cũng trong chiều qua (13/6), PV TT&VH cũng đã cố gắng liên lạc với các cơ quan quản lý nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi. TT&VH sẽ thông tin về sự việc này trong các số báo tiếp theo.

Hà Chi - Ngọc Minh - Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm