Rock Việt có đang thiếu những biểu tượng?

03/04/2016 08:10 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Quốc Trung mới đây đã viết status trên Facebook của mình rằng “Sự chuyên nghiệp được bắt đầu từ ý thức và tự trọng chứ không phải tài năng”.  Nếu nói thêm, có lẽ và có thể hiểu, chuyên nghiệp nằm ở những thứ khác hơn là năng lực biểu diễn có thể quy đổi được thành thù lao dù ít dù nhiều, hơn là những sáng tác không do mình tự viết ra.

Ở tình huống lý tưởng, một ban nhạc chuyên nghiệp thể hiện ở khả năng duy trì đầy nhất có thể các show diễn bằng chính những khán giả đến vì âm nhạc họ tạo ra ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến - đương nhiên kết hợp với nhà tổ chức.

Nó hoàn toàn không ở một nguyên cớ bên ngoài âm nhạc như mục đích từ thiện hay xã hội (trừ phi nó đến từ tâm người sáng tác và họ đứng ra tổ chức), và không thể cùng lúc đánh tráo cái tâm và sức hút của người nghệ sĩ với trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp đứng ra hợp tác. Và hơn hết, thật vô lý khi gọi khán giả thưởng thức miễn phí vì tò mò là fan của cái họ thậm chí chưa từng nghe hay biết qua.

Nếu muốn, người nghe trong giai đoạn Internet không bao giờ thiếu thứ để thưởng thức.  

Rock Việt: Âm nhạc của sự thỏa hiệp

Hạnh phúc lớn nhất của người chơi nhạc nằm trên sân khấu. Nhận định này hầu như không thể sai, nhưng cũng rất dễ được lặp vẹt lại từ những tiền bối đi trước, trong (nếu có) hay ngoài nước (luôn có).

Và nó được nhồi không ít thì nhiều vào tiềm thức của người tiếp xúc rock ở giai đoạn họ riết róng thứ âm nhạc lạ tai, hớp hồn bởi những hình ảnh quy mô, hào nhoáng, bóng nhẫy của các rocker trên sân khấu hàng vạn người cùng cất tiếng hát. Tình cờ, đó cũng là giai đoạn hoàng kim của rock thế giới trước khi lịch sử diễn ra như chúng ta đã thấy.


Ca sĩ Trung Thành của nhóm rock cựu trào SagoMetal trong một pha đập đàn đầy chất rock tại một show rock tại sân Tao Đàn (TP.HCM) vào năm 2008. Show được một nhãn hàng điện thoại tài trợ với lời hứa sẽ làm thường niên nhưng chỉ sau một show duy nhất, dự án này đã không còn tồn tại

Và một thực tế dường như ít được đề cập hơn trong các tranh luận liên quan, một sản phẩm âm nhạc, hay văn hóa nói chung, hiếm hay không hiếm, nằm ở cảm nhận chủ quan của người nghe, tương quan với môi trường tiếp xúc quanh họ.

Trước Internet, và ngay trong thời điểm hiện tại, những sản phẩm âm nhạc, và chính những nghệ sĩ, có thể vượt qua khỏi biên giới quốc gia là một phần nổi sáng loáng của cả một khối văn hóa to lớn vận hành từ trước, với những quy luật và vấn đề của riêng nó. Cái hiếm, lạ với người nghe Việt thực sự đã có một chỗ đứng và duyên may nhất định bên ngoài biên giới, lãnh thổ mới tới được đôi tai và cặp mắt của họ.

Thế hệ thưởng thức quả ngọt mà không nhìn thấy rễ, không tiếp xúc với thân, vô thức muốn tái lặp những gì họ thiết tha trên thực tế, bằng gần như mọi cách. Trong quá trình dò dẫm đó, họ sẽ tự trải và nghiệm ra những quy luật, những ràng buộc buộc phải vượt qua, hoặc bị chúng cản trở, sau mỗi cuộc sụp đổ niềm tin nơi cộng đồng những tưởng thân thương nhất với mình.

Bức Tường ở giữa

Bức Tường ở giữa

Sự ra đi của Trần Lập để lại một khoảng trống cho rock Việt, dù theo cách nhìn từ hướng nào thì khoảng trống ấy vẫn là có thật.

Đồng thời, thỏa hiệp được giăng ra, chọn lựa đặt ở mọi ngã rẽ khi những người muốn và có thể lèo lái cộng đồng loay hoay tìm cách thỏa mãn hạnh phúc được truyền nhiệt hạnh phúc đến cho nhiều người nhất có thể. Họ làm điều đó bằng cái ngây thơ duy nhất còn lại là niềm tin hão vào những triển vọng tốt đẹp hơn sẽ theo sau.

Và đổ cho kiểm duyệt văn hóa, luôn diễn ra ở mọi nơi và mọi thời điểm, mọi môi trường và xã hội; vì nó dễ dàng hơn hành động, dễ dàng hơn thừa nhận sự chật chội trong sáng tạo cá nhân của mình.

Trong nhiều tình huống đó không phải là con đường hợp lý nhất. Giai đoạn hoàng kim của rock Việt sánh bước với sự thỏa hiệp, miễn sao mục đích tối hậu là sân khấu và một đám đông đủ lớn, bằng một niềm tin đám đông ấy rồi sẽ yêu thích mình. Khán giả cứ lạ đi, rồi sẽ thành quen.

Cần hay không một biểu tượng?

Rock Việt khác với cách nơi khác định nghĩa về một dòng nhạc, bị xoắn khái niệm trở thành một hô ngữ rỗng của các nhóm nhạc có chung ngôn ngữ tiếng Việt, dòng máu Việt. Nơi khác, người nghe không phân loại một hay nhiều nhóm nhạc qua tiêu chí địa phương nơi họ xuất thân hay ngôn ngữ thể hiện trong bài hát, mà qua những đề tài, qua “chất riêng” của âm thanh, và đôi khi qua những tư tưởng mang tính tuyên ngôn trong âm nhạc.

Ở ta, khán giả biết đến một show rock qua một cái tên, qua hô ngữ “cộng đồng”, chứ không hoàn toàn vì những gì một ban nhạc mang trực diện tới cho người hâm mộ.


Cộng đồng rock Việt dù có tình yêu nồng nàn với rock nhưng chưa bao giờ là một thể thống nhất

Khi thứ âm nhạc được người yêu thích thừa nhận theo đuổi tính cá nhân, phóng khoáng, mỗi thể hiện mang tính cá nhân nhất, mỗi fanpage của riêng từng ban nhạc, đều bị vùi lấp bởi những thông điệp cộng đồng áp thẳng từ cách hiểu của thế giới quảng cáo và truyền thông thương hiệu.

Trang cộng đồng tự nhận lớn nhất của người nghe rock ở Việt, VnRock, có 50.000 fan trên Facebook (tạm cho là hữu cơ), nhưng RockStorm của Mobifone lại có fan gấp gần 7 lần (cũng tạm cho là hữu cơ), và chỉ hoạt động dăm ba tháng trong năm khi sân chơi doanh nghiệp - xã hội kiêm từ thiện này diễn ra.

Khi không có người được trả thù lao để duy trì, sự thể không có một dòng tin nào trên trang RockStorm về cái chết của Trần Lập cho thấy rõ khoảng cách hiện hữu giữa RockStorm và phần còn lại của cộng đồng, cho một công trình sư trước kia của nó. Hay chăng, đó là một thiếu sót?

Vị trí của một biểu tượng có thể hàn gắn và kêu gọi chính cộng đồng, mà anh ta quá hiểu rõ và chọn cách quay lưng, được đảm nhận tốt hơn nhiều bởi một thương hiệu. Khi đó, trong vai trò đại sứ và tiếp xúc với một giới khán giả đại chúng, lẫn lộn các giá trị bề nổi với các khuôn rập sơ khai về cảm thụ dòng nhạc, biểu tượng rock “Việt” ra đời, như cái cách ông hoàng nhạc Việt đã được truyền thông trao ngai.

Rock Việt tạm vắng… 'bão'

Rock Việt tạm vắng… 'bão'

Sự kiện rock thường niên RockStorm bỗng dưng tạm nghỉ năm 2015 làm dấy dư luận rằng thương hiệu Mobifone không còn quan tâm đến rock Việt nữa.

Sau khi Bức Tường ngưng hoạt động, sau đêm diễn quyên quỹ ủng hộ ung thư Bàn tay thắp lửa cho Trần Lập, cái chết và những giá trị nhân văn hẳn là cái thay thế cho những giá trị cộng đồng mà chính anh cũng không còn quen thuộc, hay ra sức vun đắp, theo cách của riêng mình.

Cái gọi là tinh thần rock phản kháng là một khuôn rập, với phần phản kháng trội nhất của nó, có đủ sức ảnh hưởng đến nay, đã ngót nghét trên dưới 2, thậm chí 3 thập kỷ.

Sự phản kháng trong âm nhạc như món fastfood thường kỳ của văn hóa thưởng thức bề nổi, và trong sự hấp thu luôn có thể bị diễn dịch theo nhiều cách khác nhau, là một mỹ từ khác nằm ngoài các giá trị cốt lõi hơn của cộng đồng, vốn đang được học và học lại từ những người bạn quốc tế, những con người bình thường nhất, yêu nhạc và hồn nhiên, từ những nghệ sĩ lưu diễn đặt chân đến Việt Nam. Không từ những khoảng trống được bơm thổi rồi vỡ tung sau khi thương hiệu rời bước, của những người đi sau nhưng mang cùng tư duy muốn níu kéo.

Sẽ chẳng bao giờ có một Trần Lập thứ hai trong người nghe rock Việt, và cả người nghe nhạc Việt.

Những thay đổi đã diễn ra trong thời điểm của Bức Tường và Trần Lập không theo bất cứ cách nào trực tiếp lẫn gián tiếp, ảnh hưởng tới chiều phát triển rất riêng hiện nay của cộng đồng nghe và chơi nhạc. Không sinh viên, không hô hào về số lượng, không rỗng ngữ, cộng đồng hẳn sẽ phát triển chậm hơn, nhưng bền vững. Đã tới lúc, như câu hát trong Stairway To Heaven của Led Zeppelin, đường xa rồi sẽ có lúc phải chọn lại con đường đang đi.

Và lẽ ra đã phải sớm sủa hơn.

Du Hương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm