Phim 'Vợ ba': Tinh tế và ám ảnh

14/05/2019 07:27 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi chinh chiến qua nhiều liên hoan phim quốc tế và gặt hái một số giải thưởng uy tín, bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh sẽ ra mắt công chúng trong nước từ ngày 17/5 tới. Đó là câu chuyện tinh tế và ám ảnh về thân phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Phim 'Người vợ ba' đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Cairo

Phim 'Người vợ ba' đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Cairo

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, bộ phim "Người vợ ba" (The Third Wife) của đạo diễn Việt Nam Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) vừa đoạt giải thưởng "Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất" trong phần thi quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 40. Giải thưởng trên được trao tại lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 40 diễn ra tối 29/11 tại thủ đô Cairo (Ai Cập).

Lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ 19, Vợ ba kể chuyện một thiếu nữ 14 tuổi tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Tưởng như bắt đầu một cuộc sống sung túc, đầy đủ, cô gái trẻ không ngờ mình bị lôi vào một cuộc tranh đấu ngầm trong gia đình mới với vợ cả (Trần Nữ Yên Khê đóng) và vợ hai (Maya đóng) để có được vị trí quan trọng ở nhà chồng.

Đau đớn thay phận đàn bà

Phim mở màn bằng một cảnh quay đẹp đến choáng ngợp: giữa khung cảnh non nước hữu tình, thuyền lướt nhẹ trên mặt nước. Trên thuyền một thiếu nữ, đúng hơn là một bé gái ngồi lặng thinh. Mây, tên cô gái ấy, không nói một lời nào suốt từ khi ngồi thuyền cho đến nơi cô được gả cưới: gia đình của Hùng, người đàn ông lớn tuổi mà cô bị ép làm vợ ba. Những khoảnh khắc trong hôn lễ và đêm tân hôn trôi qua sau đó với Hùng, cô cũng không mở lời.

Chú thích ảnh
Với vai Mây trong “Vợ ba”, Nguyễn Phương Trà My là một phát hiện bất ngờ của điện ảnh Việt năm nay

Phim đã mở màn một cách ấn tượng như vậy bằng sự kiệm lời của nhân vật chính và bằng vẻ đẹp trầm mặc của không gian thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Kể cả suốt phim cũng vậy, thoại rất ít, nhưng cảnh đẹp rất nhiều.

Lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của bà cố mình, Nguyễn Phương Anh đã viết nên kịch bản Vợ ba, thể hiện cái nhìn xót xa, ám ảnh về số phận bi thương của những người vợ, người mẹ, người chị thời xa xưa. Những người phụ nữ trong phim như Hà, Xuân, Mây, Liên, Nhàn, Tuyết… đều không có lấy những quyền cơ bản nào của con người. Họ như những con tằm tội nghiệp - một hình ảnh được sử dụng liên tục trong phim như một thủ pháp ẩn dụ - ngọ ngoạy trong cái kén là những hủ tục, định kiến xã hội.

Chú thích ảnh
Maya (vợ hai) và Nguyễn Phương Trà My (vợ ba) đã diễn rất ăn ý với nhau

Còn nhiều hình ảnh khác mang tính ẩn dụ được Nguyễn Phương Anh dùng trong phim để miêu tả tâm trạng, cảm xúc sinh lý của nhân vật như hình ảnh dòng nước, con bướm… cùng những cảnh “nóng” được quay với góc máy tinh tế, mang tính gợi hơn tả, góp phần mang đến tổng thể đầy nét duy mỹ, nghệ thuật cho một bộ phim đề cập chuyện tính dục khá táo bạo, nhạy cảm.

Tổng thể cả phim như một câu Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Chú thích ảnh

Diễn viên nhí tỏa sáng

Đảm nhiệm vai trò chuyển tải sức nặng của câu chuyện là diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My. Khó có thể tin ở 13 tuổi, Trà My có thể lột tả tốt quá trình phát triển tâm lý phức tạp của một nhân vật như Mây. Đầu phim, Mây của Trà My là một bé gái hồn nhiên, ngây thơ. Gương mặt trong sáng, ánh nhìn trong veo của cô khi ngồi trên thuyền đến nhà chồng, lúc say mê nhìn Xuân hát trong đám cưới, khi lúng túng ở đêm động phòng khiến người xem không khỏi xót xa cho hoàn ảnh đáng thương của Mây.

Khi những bỡ ngỡ, rụt rè ban đầu qua đi sau thời gian sống trong nhà chồng, học hỏi gia phong lễ giáo và cả kinh nghiệm tình dục từ hai người vợ trước, My trưởng thành hơn và bắt đầu lo lắng cho địa vị của mình. Để rồi đến cuối phim, Mây đã lột xác thành một bà mẹ có trách nhiệm.

Ngoài Trà My, các diễn viên nữ khác, dù đất diễn nhiều như Trần Nữ Yên Khê, Maya hoặc ít xuất hiện như NSND Như Quỳnh (vai bà Lao - người hầu), Lâm Thanh Mỹ (vai Liên), Mai Cát Vi (vai Nhàn) đều hoàn thành xuất sắc nhân vật của mình. Trong đó diễn viên nhí Mai Cát Vi ghi dấu ấn lần nữa sau phim Hai Phượng với nét diễn tự nhiên, đáng yêu. Nhân vật Nhàn của cô dù còn nhỏ tuổi nhưng là nhân vật nữ duy nhất trong phim mạnh dạn phá tung sự trói buộc đời người phụ nữ vào những bi thương bằng hành động cắt phăng mái tóc dài ở cảnh cuối phim.

Biểu cảm của Mai Cát Vi trong phân đoạn này làm người xem thỏa mãn bởi ít nhất những người phụ nữ trong cuộc đã bắt đầu vùng lên đấu tranh. Phân cảnh này có lẽ cũng thể hiện khát khao mang lại tự do cho nữ giới, góp thêm tiếng nói nữ quyền - một trào lưu nổi lên mạnh mẽ tại Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Và ngày nay, đây cũng là trào lưu đang thịnh trên màn ảnh thế giới của nhiều nữ biên kịch, nữ đạo diễn như Nguyễn Phương Anh.

Thành tích đặc biệt

Vợ ba từng đoạt gần 10 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Toronto (Canada), giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian (Tây Ban Nha), giải Phim truyện xuất sắc nhất ở hạng mục tác phẩm quốc tế tại LHP Kolkata International (Ấn Độ)…

Hiện phim đã được khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền thương mại để chiếu, trong đó có Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Singapore, Mexico, Ireland, Mỹ, Canada, New Zealand…

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm