Phim hoạt hình muốn thoát khỏi ao tù

26/02/2014 09:41 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Buổi chiếu miễn phí đầu tiên tại Rạp Thánh Gióng chỉ có vài chục người xem. Điều này đã nằm trong dự đoán của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Đây chỉ là một trong những bước đầu tiên Hãng này tìm cách tiếp cận khán giả. Hoạt hình Việt Nam không muốn chấp nhận mãi cảnh làm phim để… cất kho.

Bất ngờ với hoạt hình Việt Nam

9 phim chiếu hôm khánh thành rạp Thánh Gióng (đầu năm 2014) khiến nhiều khán giả bất ngờ. Tám phim được làm trong năm 2013: Chão Chàng và Chão Chuộc, Bí ẩn triền đê, Cò và Cáo, Anh và em, Dơi con và Cáo con, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Ngày đáng nhớ của Bi, Thủ lĩnh vây lửa… đã thu hút nhiều bạn trẻ ngồi đến phút cuối. Họ không giấu nổi niềm thích thú khi cười thành tiếng, và cho biết rất ấn tượng với những thay đổi của hoạt hình Việt Nam.


Cảnh trong phim Chão Chàng và Chão Chuộc

Xem loạt phim hoạt hình của hãng sản xuất từ năm 2012 về trước thấy phim bị ảnh hưởng nhiều từ phim nước ngoài. Nhưng series phim 2013 không chỉ tiến bộ về kỹ thuật làm phim, mà về nội dung đã thực sự mang hơi thở Việt Nam. 8 phim, chủ yếu là chuyện về loài vật dành cho trẻ nhỏ có kịch bản thú vị, cách thể hiện sinh động, đáng yêu. Những nhân vật gần gũi, tự nhiên có tâm lý tương đồng với trẻ nhỏ. Không còn là những bài học dạy dỗ khô cứng.

Ấy thế nhưng số phận của những bộ phim này được làm ra là để… cất kho. Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hàng năm được Nhà nước đặt hàng làm phim. Nhưng hệ thống phát hành của các hãng phim nhà nước đã bị vỡ từ lâu, nên phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu chung cảnh làm xong để cất vào tủ. Mang tiếng có hẳn một hãng chuyên sản xuất phim hoạt hình, nhưng trẻ em Việt Nam từ nhiều năm nay không được xem hoạt hình Việt Nam. Những người nghệ sĩ làm ra tác phẩm cũng cảm thấy buồn tủi cho số phận tác phẩm của mình.

Lột xác

Với cơ ngơi khang trang tại số 7 Trần Phú (Hà Nội), có mặt tiền rộng, cho thuê cũng kha khá tiền, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là một trong những hãng phim nhà nước “ấm thân” nhất hiện nay. Nhưng vào những năm 1997 hãng rất xập xệ, một năm chỉ sản xuất 5-7 phim, tiền sản xuất không có, nợ lương nhân viên dài dài. Nội bộ hãng lủng củng, kiện cáo nhiều nên ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất.

Ông Đặng Vũ Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng nhớ lại thời kỳ khó khăn: “Nề nếp làm việc không còn, nhân viên mất niềm tin trầm trọng. Một năm có 12 tháng, nhưng chỉ có việc 3 tháng thôi. Anh em tản mát khắp nơi, có người đi đắp tượng, xây chùa ở chùa Hương, có người đi làm kiến trúc. Giao việc cho họ cũng không phải dễ vì hãng nợ lương quá nhiều. Có lúc hãng phải đi vay tiền trả lương, mà nói đâu xa, chính những nhân viên của hãng bỏ tiền ra cho vay. Lúc cao điểm có 10 người cho hãng vay tiền. Không có tiền là vì tổ chức sản xuất của hãng quá dở, không có kịch bản để đưa lên Cục Điện ảnh duyệt thì làm sao được cấp tiền để làm phim”.


“Thượng đế” của phim hoạt hình giờ đây đã có rạp riêng ở số 7 Trần Phú, Hà Nội

Bộ máy lãnh đạo của hãng đã quyết định thay đổi toàn bộ. Đau đầu đầu tiên là chuyện tiền. Thay vì trả theo lương bậc hành chính, thâm niên, hãng quyết định đặt ra thang lương mới: khoán công việc. Làm nhiều, làm tốt, làm vượt kế hoạch sẽ được thưởng. Sản phẩm được xếp theo hạng A, B, C với các mức chi trả khác nhau.

Ban đầu nhiều nhân viên có thâm niên phản đối cách tính công mới, nhưng giám đốc hãng lúc bấy giờ là ông Đặng Vũ Thảo, rất kiên quyết: “Ai muốn rời hãng thì 3 giờ sáng gọi tôi dậy ký quyết định tôi cũng sẽ ký. Còn ai muốn về hãng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ”.

Rạp phim Thánh Gióng (Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) tại địa chỉ số 7 Trần Phú, Hà Nội là rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam. Với phòng chiếu 150 ghế, tiêu chuẩn kỹ thuật số hiện đại, rạp Thánh Gióng bán vé cho khán giả tới xem phim vào cuối tuần với giá ưu đãi.
Đau đầu tiếp sau là chuyện máy móc xập xệ lạc hậu. Vào thời kỳ đó Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh đều tậu dàn máy Silicon Graphics hiện đại và rất đắt tiền của Mỹ. Hãng phim hoạt hình cũng có ý định thay lại hệ thống máy móc và cũng nhắm đến loại máy này.

“Nghe tin hãng có ý định mua máy, nhiều công ty chào mời và cho nhiều ưu đãi lắm. Nhưng sau khi tìm hiểu chúng tôi thấy Silicon Graphics dù hiện đại nhưng quá chuyên biệt, giống như kiểu đi xe Vespa mà hỏng thì chỉ có thể đến Hãng Vespa để thay đồ. Nên tôi quyết định chọn PC, rẻ hơn, vận hành dễ hơn, dễ update hơn. Quả thực đến giờ sau 10 năm vẫn còn sử dụng được, khi cần thay đổi cũng rất dễ dàng”, ông Đặng Vũ Thảo kể.

Nhưng điều ông Thảo và đội ngũ nhân viên của hãng lo lắng nhất là làm sao đưa những bộ phim của họ tới được với công chúng.

Không có khán giả làm phim để làm gì?

Trong buổi lễ ra mắt rạp Thánh Gióng, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho biết Bộ đã từng làm việc với các đài truyền hình về việc đưa phim hoạt hình lên sóng nhưng không thành công. Ông Vương Duy Biên cũng nhắn nhủ Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phải phấn đấu để các kênh đặt mua phim của mình. Đại diện hãng cho biết: “Chúng tôi đã từng liên hệ với nhiều đài nhỏ, cho họ phim, đưa họ tiền, chỉ việc ấn đĩa vào phát họ còn không cần. Còn các đài lớn thì càng không thể vào. Vì mỗi phút phát sóng đều là tiền. Chỉ cần họ phát một bộ phim nước ngoài là có tiền sóng, lại thêm tiền quảng cáo nữa. Mà bây giờ các công ty nước ngoài họ cho các đài nhiều phim lắm. Vậy tội gì đài mua phim có bản quyền của mình”.

Vậy là hãng phim hoạt hình tự tìm cách phát hành bằng cách in DVD, phát trên mạng điện thoại di động (lượng truy cập đã lên tới cả triệu lượt), liên kết với các nhà mạng, làm việc với các đài địa phương, ra mắt rạp Thánh Gióng tại Hà Nội. Hãng cũng đang tiến hành xây dựng một mạng lưới phát hành độc lập. “Đây mới chỉ là những bước khởi đầu cho hoạt hình. Chúng tôi ước trở thành cơ sở sản xuất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khán giả trong nước và dần vươn ra thế giới. Chúng tôi sẽ phải tự nâng cao trình độ nghệ thuật, và nghệ thuật giáo dục. Khán giả bây giờ không thể chấp nhận những phim quá đơn giản đến mức tùy tiện, hoạt hình càng phải hấp dẫn, dí dỏm và có ý nghĩa”, ông Thảo chia sẻ.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm