Phim 'Bóng đè' - chỉ dọa vừa đủ... giật mình

17/03/2022 07:44 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vài lần dời lịch chiếu vì dịch Covid-19, phim Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt sẽ chính thức ra rạp vào ngày mai 18/3.

'Bóng đè' hé lộ những tình tiết mới gay cấn, ấn định ra rạp tháng 3

'Bóng đè' hé lộ những tình tiết mới gay cấn, ấn định ra rạp tháng 3

Bóng đè - tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam khai thác về hiện tượng bóng đè đã sẵn sáng ra rạp. Traier chính thức của phim vừa mới được công bố.

Đây là lần trở lại với phim kinh dị của đạo diễn này sau 10 năm kể từ khi bộ phim đầu tay là Ngôi nhà trong hẻm được giới thiệu với khán giả Việt Nam.

Kinh dị vừa đủ

Được xác định là thể loại phim tâm lý - kinh dị, nhưng Bóng đè sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn với khán giả về yếu tố kinh dị. Cách dựng phim cũng cho thấy ý đồ của đạo diễn là muốn đầu tư tập trung nhiều hơn cho cách cảnh quay kinh dị so với yếu tố tâm lý.

Hơn 100 phút của phim được kể chủ yếu gói gọn trong bối cảnh ngôi nhà cũ ở nông thôn mà ba cha con nhân vật Thành chuyển đến sống. Màu phim u tối phủ xuống căn nhà cũ nát, cùng với đa số là những góc quay trung và cận cảnh của phim tạo nên cảm giác chật chội, ghê sợ, khó chịu.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Hạnh (Diệu Nhi) cuối cùng cũng bị xiềng xích bởi những bóng ma hay ảo giác

Lê Văn Kiệt đã tận dụng các đồ vật được xem là đặc trưng trong đời sống của người Việt như chiếc võng, bàn thờ gia đình hay những chiếc sào tre phơi đồ để làm nên những cảnh quay kinh dị. Trong đó, cảnh quay để lại nhiều ấn tượng với người xem nhất là lúc nhân vật Linh nằm trên chiếc võng, từ từ bị nó xiết lại và quay lộn nhiều vòng trong không trung. Các cảnh khác như cảnh Yến bị lọt xuống giếng (chính xác hơn là xuống đường hầm mở ra bí mật của căn nhà) hay cận cảnh mặt một bà già chẳng rõ người hay ma… cũng đủ sức làm thót tim khán giả.

Hóa trang các nhân vật “kinh dị” vừa đủ, có máu me nhưng không bị lạm dụng để hù dọa khán giả cũng là điểm cộng của phim.

Chú thích ảnh
Cảnh kinh dị ấn tượng nhất phim

Âm thanh và tiếng động của phim tương đối tốt so với nhiều phim kinh dị khác của Việt Nam, tuy nhiên tiếc một chút là vẫn hơi “ồn ào” mà thiếu sự im lặng còn còn gây hồi hộp, ngộp thở, đáng sợ hơn.

Bóng đè được Lê Văn Kiệt khai thác tốt yếu tố kinh dị xoay quanh 4 nhân vật chính mà không cần một “dàn bao cứng cựa” như Ngôi nhà trong hẻm. Vì vậy, với bộ phim kinh dị thứ 2, chắc chắn khán giả sẽ không còn những lời bình đại loại: “Xem phim kinh dị mà cười quá trời” như sau khi xem bộ phim đầu tiên của anh cách đây 10 năm. Dù vậy, Bóng đè chưa đủ “phê” cho khán giả mê phim kinh dị “nặng đô” vì chỉ dọa vừa đủ giật mình, chưa đến mức hú hét, nhưng độ kinh dị như vậy hoàn toàn phù hợp với khán giả “đô trung bình”.

Chú thích ảnh
Diễn viên Quang Tuấn (vai Thành) trong phim "Bóng Đè"

Tâm lý chưa sâu

Nội dung phim xoay quanh ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ), Yến (Mai Cát Ni) khi họ quyết định chuyển đến sống ở một vùng nông thôn để quên đi những ám ảnh trong căn nhà cũ sau khi vợ Thành mất. Tại đây, Thành nhờ bác sĩ tâm lý Hạnh (Diệu Nhi) điều trị để các con thoát khỏi ác mộng thường thấy và những lần bị bóng đè. Tuy nhiên, mong muốn này không thành hiện thực, tình trạng của Linh và Yến ngày càng trầm trọng hơn. Và cả Thành lẫn bác sĩ Hạnh đều bị nhấn chìm cùng những bóng ma kinh dị.

Bóng đè sở hữu dàn diễn viên có khả năng diễn xuất tốt. Lâm Thanh Mỹ là gương mặt quá quen thuộc với khán giả từ khi còn là một diễn viên nhí, nay đang tuổi dậy thì, đã cho thấy cô càng ngày càng chuyên nghiệp. Ánh mắt Linh ẩn chứa nỗi lo sợ, sự tò mò và ẩn ức về cái chết của mẹ đều đã được cô diễn viên trẻ này lột tả trọn vẹn. Có thể nói, ở góc độ tâm lý nhân vật, Linh chính là nhân vật được tác giả khai thác và diễn viên diễn tả tốt nhất.

Chú thích ảnh
Một cảnh kinh dị của diễn viên Quang Tuấn (vai Thành), té từ ban công xuống đất trong cơn hoảng loạn

Quang Tuấn, đảm nhiệm nhân vật Thành, cũng đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình. Nếu đào sâu thêm một chút tâm lý của một nhân vật vừa mất vợ và phải đối mặt với hai cô con gái bị tổn thương sau cú sốc mất mẹ, nhân vật sẽ có sức nặng hơn.

Bác sĩ Hạnh của diễn viên Diệu Nhi là nhân vật đáng tiếc nhất vì câu chuyện của cô không được kể một cách rõ ràng: Chuyên môn không rõ ràng, hoạt động nghiên cứu và phương pháp điều trị không rõ ràng, giải thích về ác mộng và bóng đè khá lơ mơ…

Một điều đáng tiếc nữa, kịch bản phim để lại một vài điều phi lý. Ví dụ, khi bị lọt xuống miệng hầm, Yến đã phát hiện ra một khu vực được trang bị đầy camera để theo dõi hoạt động của các bệnh nhân, được bác sĩ Hạnh giải thích đây là trung tâm nghiên cứu. Làm thế nào để có một “trung tâm nghiên cứu” hoạt động dưới hầm và chỉ có một bác sĩ nghiên cứu? Điều này khiến khán giả đoán rằng, bác sĩ Hạnh chính là nhân vật phản diện, là “trùm cuối” nhưng không có gì xảy ra. Họ hoang mang: đây chỉ là ảo giác của các nhân vật và cũng như tất cả các cảnh kinh dị khác như bóng ma bà già, người đàn ông mang khuôn mặt quỷ… tất đều là ảo giác hay được “thế lực” nào dựng nên? Cuối cùng, điều gì đã giúp các nhân vật vượt qua nỗi ám ảnh của mình để trở về nhà sống những ngày vui vẻ, đầy tươi sáng như màu sắc cuối bộ phim?

Theo thông tin từ nhà sản xuất và đơn vị phát hành, Bóng đè được hoàn thiện vào cuối năm 2019, nhưng trước khi chính thức ra mắt phải dời lịch chiếu vài lần. Và trong thời gian này đã có khoảng 27 quốc gia và lãnh thổ như các nước khu vực Trung Đông, Newzeland, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc… đã mua bản quyền để chiếu trên lãnh thổ của họ. Đây quả là tin vui cho bộ phim này và hy vọng, sau thanh công từ doanh thu của Hai Phượng, Lê Văn Kiệt vẫn là một đạo diễn được khán giả tin tưởng mua vé đến rạp.

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm