Phan Đăng Di: “Tôi chỉ buồn chứ không ân hận…”

07/07/2011 10:55 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Nếu có bảng xếp hạng cảnh “nóng” trong phim Việt thì Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di khó trượt khỏi “top” đầu. Dù bộ phim đã ra mắt khán giả từ hồi tháng 3 năm nay nhưng trước đó và mãi đến bây giờ, dư âm về bộ phim và những cảnh “nóng” vẫn còn đeo bám những người làm phim.

Gần đây, diễn viên Kiều Trinh phải lên báo treo giải ai có bằng chứng về việc cô làm ngực để đóng các cảnh “nóng” trong phim này sẽ được nhận nửa tỷ đồng (!) khiến không ít người đánh mất đi thiện cảm với cô. Trong khi đó, “chủ nhân” tạo ra các cảnh “nóng” thì vẫn chưa lên tiếng.

Một ngày trước chuyến đi Pháp để tìm vốn đầu tư cho bộ phim thứ hai, đạo diễn Phan Đăng Di dành cho TT&VH cuộc trò chuyện về cảnh “nóng” trong phim, cũng để khép lại không ít ý kiến tranh cãi xung quanh bộ phim này trong thời gian qua.

Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) chỉ đạo diễn xuất trong Bi, đừng sợ

* Chưa nói về bản phim gốc đang được lưu hành dưới dạng DVD thì bản chiếu rạp, dù bị cắt bỏ đến 5-6 phút cảnh “nóng”, vẫn thật sự “nóng” với đa phần khán giả. Chắc hẳn thời gian qua anh đã nghe không ít ý kiến khen chê, mà phần nhiều là chê, về những cảnh nóng này. Anh có nghĩ mình đã “quá liều” khi dàn dựng các cảnh “nóng” này khiến chúng phải nhận những phản ứng như vậy?

- Chưa bàn đến chuyện cảnh “nóng” hay không, thực ra phản ứng trái chiều của khán giả đối với một bộ phim theo tôi là chuyện thông thường. Ngay cả chuyện cảnh “nóng”, với khán giả này là quá sức chịu đựng nhưng với khán giả khác, họ lại thấy hay và xúc động.

Cá nhân tôi, tôi luôn nghĩ rằng làm phim là để nói ra (bằng điện ảnh) cái suy nghĩ riêng tư của mình về một vấn đề nào đấy, trong một thời điểm nhất định nào đấy. Tôi sẽ không vì khen chê của khán giả mà nghĩ đến chuyện gia giảm liều lượng đâu, đơn giản là nếu vào thời điểm đó trong lòng mình có “muối” thì phim làm ra lúc ấy sẽ “mặn” thôi.

* Mặc dù những cảnh “nóng” trong phim này là vì mục đích nghệ thuật, nhưng dường như văn hóa Việt và tâm lý của người Việt không dễ tiếp nhận những cảnh như vậy, dù rằng người Việt vừa được thống kê là nước sử dụng từ khóa “sex” nhiều nhất trên Google?

- Không chỉ có văn hóa Việt đâu, hầu hết các nền văn hóa Á Đông đều có sự e dè nhất định khi đề cập chủ đề tính dục. Nhưng một bất ngờ thú vị là không hiếm những bộ phim táo bạo nhất về chủ đề này lại đến từ các nước Á Đông. Nhật Bản chẳng hạn, là một nước Á Đông có nền điện ảnh rực rỡ, trong thế kỷ 20 đã đóng góp cho điện ảnh thế giới nhiều gương mặt kiệt xuất như Yasujiro Ozu, Akira Kurosawa, Shohei Imamura, Nagisa Oshima...

Một cảnh “nóng” trong Bi, đừng sợ

Chỉ nhìn vào cách khai thác chủ đề tính dục, nếu trong phim của Ozu hay Kurosawa, những hình ảnh tính dục được tiết chế đến mức tối đa thì ở cực đối lập cả Imamura và Oshima lại không ngại ngần thể hiện nó tới một mức độ gây sốc ngoài sức tưởng tượng. Như vậy là, cùng xuất phát điểm là một nền văn hóa, một thời đại, diễn ngôn về tính dục là khác xa nhau trong tác phẩm của từng đạo diễn. Người ta không thể so sánh ai trong số bốn gương mặt trên phù hợp với văn hóa Nhật hơn vì trong thực tế, họ đều là những tượng đài được người Nhật tôn thờ rồi. Mặt khác, bản thân văn hóa không phải là một phạm trù bất biến hay đóng kín. Những nền văn hóa mạnh (như văn hóa Nhật chẳng hạn) luôn luôn có những khoảng mở để dung chứa những khám phá, phát hiện mới trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó có lẽ là lý do khiến nước Nhật ngày nay mạnh mẽ như vậy chăng?

Và tôi cũng tin văn hóa Việt Nam đủ khoan dung để làm được điều đó.

* Với Bi, đừng sợ thì các cảnh “nóng” thật đến mức người ta không nghĩ có diễn viên đóng thế và người xem bình thường dễ dàng liên tưởng diễn viên trong phim đã xả thân hoàn toàn cho các cảnh nóng... Anh có nghĩ tới những hệ lụy mà diễn viên phải gánh chịu khi phim ra mắt công chúng, như người thân của họ sẽ hiểu nhầm, chẳng hạn vậy?

- Có chứ, đó là lo lắng lớn nhất của tôi khi bắt tay làm phim này. Để vượt qua được thử thách này, tôi chỉ có cách là thành thật ngay từ đầu với diễn viên. Tôi luôn nói với họ về mức độ “khó” của những cảnh mà tôi muốn có ở trong phim.

Ban đầu, hầu hết các diễn viên, nhất là diễn viên nữ đều rất ngại ngùng. Họ luôn hỏi tôi là có thể làm khác đi được không? Tôi nói thật với họ rằng, hoặc là sẽ quay phim này một cách không né tránh hoặc là sẽ không quay nữa. Lúc đó thì diễn viên đã cầm kịch bản rồi, họ đã đọc và yêu nhân vật của mình và cuối cùng họ chấp nhận vào vai với những điều kiện họ đưa ra với những cảnh “nóng” đó. Chẳng hạn, Hoa Thúy chỉ góp mặt trong các cảnh “nóng”, còn lại do diễn viên đóng thế đảm nhiệm và sự phụ trợ của các kỹ xảo điện ảnh nữa. Khi quay, chúng tôi dùng mọi biện pháp để bảo vệ cho diễn viên.

Tuy nhiên, điện ảnh không như sân khấu, các cảnh quay không thể ước lệ được, dù nhiều khi đã nhờ đến diễn viên đóng thế nhưng vẫn phải đạt được cảm giác “trông như thật” và đấy là điều làm cho nhiều người có thể hiểu lầm. Đây là cái bẫy mà diễn viên của chúng tôi thường phải đối mặt: nếu họ làm không kỹ sẽ bị chê là giả hoặc né tránh, nhưng khi cố gắng làm kỹ rồi thì lại có thể chuốc lấy những dị nghị đáng tiếc...

"Bi, đừng sợ" chu du tới 42 LHP

Bộ phim vẫn tiếp tục hành trình đến với các LHP trên thế giới. Tính đến LHP sắp diễn ra nhất (tại Australia và Brazil), Bi đi qua 42 LHP ở 34 nước. Giải thưởng gần đây nhất trao hôm 11/6 tại LHP Mediawave của Hungary là giải “Quay phim đẹp nhất” cho nhà quay phim Phạm Quang Minh. Tại LHP quốc tế Stockholm (Thụy Điển) vào cuối tháng 11 năm ngoái, Phạm Quang Minh cũng đã đoạt giải thưởng này.

* Ở VN, diễn viên đóng cảnh “nóng” được coi là sự hy sinh vì nghệ thuật, vì họ thường “mất” nhiều hơn “được” từ những phim như vậy. Có lúc nào anh... ân hận vì mời những diễn viên mình yêu quý cùng bước vào “cuộc chơi” nghệ thuật rồi để họ phải đối mặt với những rắc rối ngoài đời thường?

- Tôi chỉ buồn chứ không ân hận, người ta chỉ ân hận khi dắt nhau làm một việc gì đó sai trái thôi. Nhưng làm phim nói riêng và nghệ thuật nói chung, chắc chắn đều là những công việc nghiêm túc và đáng trân trọng.

Các diễn viên trong Bi, đừng sợ như Hoa Thúy hay Kiều Trinh đều là những diễn viên rất nghiêm túc, họ có yêu cầu cao với nghề và có suy nghĩ sâu sắc về vai diễn. Với những cảnh nhạy cảm, họ đều cân nhắc kỹ và chỉ chấp nhận đóng khi biết chắc cảnh đó là cần thiết để khắc họa vai diễn và đảm bảo những điều kiện họ đưa ra.

Tôi có một may mắn lớn là các diễn viên tham gia phim này đều rất yêu nghề và hiểu nghề, như NSƯT Mai Châu, nghệ sĩ Hoa Thúy (Nhà hát Tuổi trẻ), Kiều Trinh, Hà Phong... Chứ thực ra, thù lao cho diễn viên chắc không phải là vấn đề họ nghĩ đến khi đọc kịch bản.

* Anh có khó chịu khi ai đó gọi anh là “đạo diễn của những cảnh nóng”?

- Không, thực ra chúng ta ai cũng là đạo diễn của những cảnh “nóng” đấy thôi, nhất là với người chúng ta yêu (cười vui).

* Cảm ơn anh!

Hải Đông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm