Nhìn lại phim Tết 2020: 4 sa sút, 2 tạm ổn và chưa thể 'vượt lên chính mình'

04/02/2020 07:18 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) -  Nếu tạm quy ước phim Tết là khoảng thời gian kéo dài từ cuối tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng, thì có thể nói phần lớn phim Việt Tết này đang sa sút. Sa sút không chỉ ở khía cạnh doanh thu, vốn khó đoán và phụ thuộc nhiều vào may mắn, mà còn sa sút từ kịch bản cho đến dàn dựng, diễn xuất, hậu kỳ, kỹ xảo…

Phim 'Đôi mắt âm dương' - Soi vào thế nhân để tìm ra chân tướng

Phim 'Đôi mắt âm dương' - Soi vào thế nhân để tìm ra chân tướng

Dù theo lịch thì ngày 25/1 mới công chiếu, nhưng từ ngày 17/1 khán giả đã có thể xem sớm (sneak-show) nhiều suất chiếu "Đôi mắt âm dương" trên toàn quốc.

Các phim Tết lần lượt ra mắt có Bí mật đảo linh xà (30 tháng Chạp), 30 chưa phải là Tết (mùng 1), Đôi mắt âm dương (mùng 1), Gái già lắm chiêu 3 (mùng 1), Tiền nhiều để làm gì? (mùng 6), Bí mật của gió (mùng 7). Và Nếu không có gì thay đổi, doanh thu phim Việt dịp Tết 2020 sẽ suy giảm từ 20% đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Hồi sinh” sự cũ kỹ

Phim Bí mật đảo linh xà (đạo diễn: Diệp Thiên Hành) dù là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc), nhưng là kết quả “điển hình” cho sự cũ kỹ, thậm chí lạc hậu về quan niệm và kỹ thuật làm phim. Xem phim này giống như xem lại một phim dạng “mì ăn liền” của TVB những năm đầu 1990, được lồng tiếng một cách cẩu thả.

Đây có lẽ là một trong những phim yếu nhất của điện ảnh Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, một thảm họa của năm 2020. Sự phản hồi của khán giả cũng cho thấy điều này, khi phim chỉ chiếu được một ít suất là gần như “biến mất” khỏi các rạp, phát hành rồi mà như chưa hề ra mắt.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Tiền nhiều để làm gì?"

Thảm họa thứ hai là Tiền nhiều để làm gì? (đạo diễn: Lưu Huỳnh), kể chuyện chống lại thần chết của mấy kẻ làm giàu bất chính. Kịch bản phi lý, cách kể chuyện dễ dãi, rối rắm… khiến phim như một “lẩu tấu hài đẳng cấp hội chợ vùng ven”. Lác đác vài suất chiếu mỗi ngày, có thể nói phim này đã cầm chắc sự thất bại về doanh thu.

Điều đáng nói hơn, Lưu Huỳnh nổi tiếng là đạo diễn kỹ tính, từng là tên tuổi hạng nhất của Việt Nam với các phim như Áo lụa Hà Đông (2006), Huyền thoại bất tử (2009), nhưng đến phim Hy sinh đời trai (2015) và nay là Tiền nhiều để làm gì?, anh đã hoàn toàn đánh mất vị thế của mình.

Chú thích ảnh
Bảo Thanh và Quốc Trường trong "Đôi mắt âm dương"

Sau vài phim bắt đầu tạo được ấn tượng tốt như Nắng, Cua lại vợ bầu… Nhất Trung làm phim kinh dị Đôi mắt âm dương để chiếu dịp Tết. Đây là cuộc phiêu lưu vừa mang tính cá nhân, vừa là thử thách chung xem khán giả “nghĩ sao” về việc đầu năm đi xem kinh dị. Có lẽ phần nhiều còn hơi ngại, nên dịp Tết phim này bán vé yếu hơn mong đợi, thấp hơn hẳn Gái già lắm chiêu 3 và 30 chưa phải Tết, mấy ngày gần đây bán tốt hơn một chút.

Nếu với Nắng, Cua lại vợ bầu… Nhất Trung cho thấy sự tươi tắn, trẻ trung, thì với Đôi mắt âm dương là một cốt truyện, một tư duy làm phim đã quá quen thuộc. Sự cũ kỹ này còn bị một thách thức lớn khi mà lượng phim kinh dị ra rạp tại Việt Nam gần đây rất nhiều, khó tránh khỏi sự so sánh.

Cũng tương tự Nhất Trung từ nhạc nhảy sang phim, Quang Huy từng gây ấn tượng khá với các phim Thần tượng (2013) và Chàng trai năm ấy (2014), doanh thu tốt, nhưng đến 30 chưa phải Tết thì sa sút nhiều khía cạnh. Rõ nhất là phim thiếu sự chỉn chu, mạch lạc, cách dàn dựng hơi cẩu thả, cũ kỹ, dù cái tứ kịch bản khá được. Dù có hai cây hài đang hút khách là Trường Giang và Mạc Văn Khoa, cũng như dàn bao nổi tiếng, nhưng có thể nói doanh thu phim này khó khả quan.

Chú thích ảnh
Trường Giang và Mạc Văn Khoa không đủ sức vực dậy “30 chưa phải Tết”

Chưa vượt lên chính mình

Nhìn chung về chất lượng, có thể nói Gái già lắm chiêu 3 (đạo diễn: Nam Cito - Bảo Nhân) và Bí mật của gió (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình) là một chín một mười. Nếu Gái già lắm chiêu 3 đi vào bề rộng, diễn tả sự xa hoa và tâm sự trống vắng của những người giàu có, thì Bí mật của gió là một tình người duyên ma sâu lắng, nhẹ nhàng. Điểm chung của các phim này là thể hiện quan điểm chỉ có tình yêu thương chân thật mới cứu vớt được cuộc đời.

Chú thích ảnh
Dù “Gái già lắm chiêu 3” chỉn chu, có nét, nhưng Bảo Nhân - Nam Cito vẫn chưa thể vượt lên chính mình

Với doanh thu hơn 100 tỷ đồng, (nếu con số này chính xác), có thể thấy khán giả hiện nay đã khá “tinh đời”, không phải cứ phim Việt là vô tư ủng hộ. Họ mua vé vào xem Gái già lắm chiêu 3 là có thể hài lòng vì thời gian và tiền bạc bỏ ra không phí. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito dù nối dài được thương hiệu Gái già lắm chiêu, nhưng chưa thể vượt lên chính mình. Phần 3 này dù làm chỉn chu, nhưng ít gây bất ngờ như hai phần trước, lại từng rơi vào nghi án “đạo” phim Crazy Rich Asians (đạo diễn: Jon M. Chu).

Còn với vài người trong giới, Bí mật của gió là phim tốt nhất dịp Tết 2020, nhưng rất tiếc vì phòng dịch corona, phim đã dừng công chiếu sau mấy ngày trụ rạp. “Đây là bộ phim có thể làm khán giả cười rất vô tư, cũng đủ sức nặng để làm khán giả bật khóc trong phân cảnh gia đình của Phong gặp lại trong một hoàn cảnh cực kỳ bi thương” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận xét.

Tuy nhiên, nếu so với phim Cánh đồng bất tận, thậm chí với Quyên, thì Nguyễn Phan Quang Bình cũng hẳn chưa vượt lên chính mình.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm