Nhân lực làm phim: Cạnh tranh sát ván với 'lính đánh thuê' nước ngoài

03/06/2015 20:24 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay, những cái tên nước ngoài xuất hiện trong credit của các bộ phim Việt chủ yếu là để làm sang và tăng sức hút, dù phải chi thêm nhiều tiền sản xuất. Nhưng mới đây, đạo diễn Bá Vũ lại giải thích lý do anh chọn một người Philippines làm giám đốc hình ảnh cho bộ phim đầu tay Ngủ với hồn ma là: “Để tiết kiệm chi phí!”.

Ở lĩnh vực quảng cáo, từ gần chục năm trước chuyện thuê nhân lực là người Thái Lan, Philippines…, thậm chí thuê nguyên ê-kíp sản xuất, hậu kỳ từ các nước lân cận này đã không còn là chuyện mới.

Lý do rất đơn giản, nhân lực của Thái Lan, Philippines, Indonesia chuyên nghiệp, diễn viên diễn tốt hơn và quan trọng nhất là giá rẻ. Với lĩnh vực sản xuất phim chiếu rạp, điều này cũng tương tự.

Nhân lực trong nước: hiếm và đắt

Ở lĩnh vực quay phim - giám đốc hình ảnh, đếm khắp trong Nam ngoài Bắc hiện chỉ có xấp xỉ 10 cái tên đủ độ tin cậy cho các nhà sản xuất khi mời.

Cát-sê của họ cũng chia ra các mức khác nhau. Cao nhất là khoảng 15.000 USD và thấp hơn cũng từ 8.000 đến 10.000 USD mỗi phim. Đó chỉ là tiền cho riêng họ, chưa kể chi phí cho các thành phần đi kèm.

Với giá này, chi phí cho riêng bộ phận quay phim gồm giám đốc hình ảnh, người vận hành máy quay (camera operator), phụ quay… ngốn ít nhất là nửa tỷ đồng mỗi bộ phim.

Ở một lĩnh vực khác là làm nhạc cho phim, tình hình còn khan hiếm hơn. Rất khó để đưa ra một cái tên đủ bảo chứng cho sự thành công của âm nhạc trong các bộ phim Việt.


Oan hồn trở thành bộ phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và Thái Lan khi thuê tất cả các thành phần quan trọng nhất từ Thái Lan sang thực hiện

Theo giải thích của các nhà làm phim thì làm nhạc cho phim tuy cũng là tạo ra âm nhạc nhưng khác hẳn việc sáng tác ca khúc hay phối khí cho những ca khúc, thực hiện album cho ca sĩ - những công việc phổ biến của các nhạc sĩ Việt hiện nay. Bởi vậy, dù có mời được những nhạc sĩ tên tuổi đình đám, đảm bảo “có mác” cho phim nhưng thực tế khi vào việc, rất nhiều nhà sản xuất phim bị rơi vào tình trạng “đổ nợ”.

Trong khi đó, kỷ lục về cát-sê cho nhạc sĩ làm nhạc phim thì đã được lập từ mười mấy năm trước và nó thuộc về nhạc sĩ Đức Trí và bộ phim Nữ tướng cướp với số tiền 98 triệu đồng (năm 2004). Đức Trí cũng được đánh giá là nhạc sĩ hiếm hoi am hiểu lĩnh vực này.

Vài năm gần đây, cát-sê cho nhạc sĩ làm nhạc phim cũng đã tăng lên đến những mức kỷ lục khác, xấp xỉ 300 triệu đồng/phim nhưng chất lượng và tiêu chuẩn thì còn phải bàn. Vì thế mà việc tìm được một nhạc sĩ phù hợp cho công việc này khiến các nhà sản xuất phim rất đau đầu.

Các đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt kiều ngay từ khi về Việt Nam làm phim đã đưa ngay một nhạc sĩ từ Mỹ về, đó là Christopher Wong. Tên của Christopher Wong gắn với hầu hết các bộ phim của Charlie Nguyễn, Victor Vũ…

Đội ngũ làm hậu kỳ, kỹ xảo cũng không khác mấy. Ở Việt Nam có người giỏi và máy móc hiện đại không thua các nước lân cận nhưng hầu hết các phim chiếu rạp đều được chuyển đi Thái Lan, Philippines để làm hậu kỳ, kỹ xảo. Và lý do không gì khác: giá rẻ, chất lượng đảm bảo.

Nhân lực nước ngoài: Sẵn, chuyên nghiệp và rẻ

Trở lại trường hợp của đạo diễn Bá Vũ. Là người lăn lộn nhiều năm trong khâu sản xuất phim, lại thông thạo tiếng Anh nên anh rất rành lĩnh vực giá, đồng thời có quan hệ với những nhà làm phim ở các nước lân cận.

Rất khó khăn mới làm được bộ phim đầu tay với mức kinh phí rất hạn hẹp, Bá Vũ nghĩ ngay đến việc mời giám đốc hình ảnh - quay phim người Philippines là Poppet Celdran.

Poppet Celdran sống ở Việt Nam mấy năm nay bằng công việc đạo diễn phim quảng cáo. Ở Philippines, anh có chân trong hiệp hội quay phim của nước này nhưng chưa từng quay phim nào ở Việt Nam. Nhận lời làm giám đốc hình ảnh kiêm luôn camera operator cho Ngủ với hồn ma với mức giá rất mềm, Poppet cũng mong muốn tạo dựng tên tuổi để có thêm những công việc khác ở Việt Nam.

Bá Vũ cũng từng tính đến phương án mời một nữ nhạc sĩ người Hà Lan đang làm việc tại Thái Lan để làm nhạc và âm thanh cho phim anh khi cô này chào anh với mức giá trọn gói cho cả hai công việc trên chỉ vỏn vẹn 5.000 USD.

Có lẽ, bộ phim Oan hồn của nhà sản xuất Metal Film (hãng phim 100% của người Việt) mới ra mắt khán giả Việt vào tháng trước đã lập kỷ lục về thuê người nước ngoài làm phim khi thuê nguyên những thành phần quan trọng nhất trong đoàn phim từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, âm thanh cho đến diễn viên chính. Tất cả đều từ Thái Lan.

Đó là con đường mà các nhà sản xuất của những bộ phim kinh phí thấp đang lựa chọn. Năng lực của nhân lực từ Thái Lan, Philippines, Indonesia… được đánh giá là đạt chuẩn, đảm bảo an toàn cho những bộ phim. Họ được đào tạo bài bản ở những nền giáo dục có sự đầu tư đồng bộ (trong lĩnh vực phim ảnh), có sự chuyên nghiệp trong công việc và cả trong việc cư xử với những người cùng làm.

Trong thế giới phẳng, các nhà làm phim không khó khăn gì để liên lạc được với nhân lực từ nước ngoài. Chỉ cần đăng một status trên Facebook, Vimeo hay Linkedln, họ sẽ lập tức nhận được profile kèm clip chào hàng rất chuyên nghiệp từ các tổ chức, cá nhân làm việc ở lĩnh vực này.

Ở những nước như Thái Lan, Philippines…, nhân sự làm phim khá hùng hậu và họ sẵn sàng nhìn sang các thị trường sản xuất phim bên cạnh mình, Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của họ từ lâu. Với cát-sê chỉ khoảng trên dưới 2.000 USD/tuần cho công việc giám đốc hình ảnh, quay phim; 5.000 USD cho phần làm nhạc và âm thanh…, họ dễ dàng cạnh tranh với nhân sự làm phim của Việt Nam.

Ngoài ra còn có những nhân lực sẵn sàng lấy giá rẻ hơn nữa để có cơ hội… đi du lịch ở Việt Nam và ghi thêm vào lý lịch xin việc của họ những thành tích mới.

Điều này không có gì khó hiểu. Như đã nói, ở lĩnh vực quay phim hiện nay không thể tìm thấy hơn 10 người đủ khả năng đảm bảo cho sự thành công của các bộ phim mặc dù hàng năm, các trường nghệ thuật có ngành quay phim vẫn liên tục đưa ra thị trường lao động hàng trăm “sản phẩm”. Lý do, dù được học trong trường hẳn hoi nhưng thiết bị dạy học đã lỗi thời. Khi ra trường chưa được tiếp cận với máy móc đúng thời hay những bộ phim chiếu rạp thì các nhà quay phim trẻ đã lập tức đầu quân vào lĩnh vực truyền hình - nơi đang ngốn rất nhiều nhân sự. Đương nhiên là chẳng nhà sản xuất nào dám giao phim cho những tay máy quanh năm cắm mặt vào phim truyền hình và những chương trình truyền hình thực tế.

Đáng ngại hơn, đã có những nhóm làm phim Thái Lan, Indonesia, Malaysia sang Việt Nam dò hỏi giá sản xuất một bộ phim là bao nhiêu để rồi đưa ra mức giá chỉ bằng 70%. Hiện, ở TP.HCM có 2 - 3 nhóm làm phim như vậy. Họ đi nguyên cả nhóm mang theo thiết bị, tự điều hành sản xuất luôn để tiết kiệm chi phí. Đúng nghĩa là “đánh thuê” và rõ ràng đang đặt nhân lực làm phim của Việt Nam vào thế cạnh tranh sát ván.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm